Nỗ lực kiềm chế đà tăng giá các mặt hàng thiết yếu
(BDO) Kiên định với mục tiêu giữ đà tăng trưởng vẫn đang được đặt lên hàng đầu, song vẫn cần lưu ý tới yêu cầu quyết liệt kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Sau khi dịch bệnh lắng xuống, hiện đang có nhiều vấn đề có thể trở thành bước đệm cho lạm phát.
Giá thịt heo bán lẻ trên thị trường hầu như không giảm đang gây áp lực lạm phát cho năm 2020. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua thịt heo tại Siêu thị Big C Bình Dương
Giá vẫn có xu hướng tăng
Cho đến thời điểm hiện tại, ghi nhận thực tế trên thị trường có rất ít mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng đứng giá hoặc giảm giá, ngược lại rất nhiều nhóm hàng hóa vẫn trong xu hướng chực chờ tăng giá. Khảo sát tại các chợ trong những ngày gần đây cho thấy giá bán lẻ thịt heo vẫn đang ở mức rất cao, dao động từ 150.000 - 230.000 đồng/kg, không giảm so với tháng trước. Dù rằng, giá heo hơi trong tháng giảm 2.000 đồng/kg, ở mức 92.000 - 95.000 đồng/kg, thịt bò thăn 280.000 - 320.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng thực phẩm như tôm, rau củ vẫn kéo dài xu hướng tăng từ tháng 6 cho đến nay.
Về mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, từ tháng 5, 6 trở đi, giá xăng, dầu, gas tăng trở lại 3 đợt liên tiếp, kết thúc kỳ giảm giá dài từ tháng 2, 3, 4 do dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, giá vàng cũng liên tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2020, từ mức giá bán bình quân trong tháng 1 là 4,390 triệu đồng/chỉ, đến tháng 6, giá vàng bình quân đã tăng đến 4,872 triệu đồng/chỉ. Tỷ giá ngoại tệ, trong 6 tháng năm 2020 dao động thường xuyên nhưng vẫn trong xu hướng đi lên cùng với tất cả các nhóm hàng lương thực thực phẩm trên thị trường.
Số liệu thống kê chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn của Cục Thống kê tỉnh, cho thấy CPI tháng 6 năm 2020 tăng 0,98% so với tháng trước. Trong đó, chỉ có 1/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm (-0,09%); 3/11 nhóm hàng tăng (hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,43%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,19%; giao thông tăng 3,6%); còn lại các nhóm hàng hóa khác tương đối ổn định. Điều này đã đẩy CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh tăng 3,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực tăng 2,94%; thực phẩm tăng 4,98%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,95%.
Kiềm chế đà tăng giá
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020 CPI tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, dù giá xăng dầu trong nước liên tiếp được điều chỉnh giảm trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Trong nhóm hàng làm CPI tăng, tác động lớn nhất là giá thịt heo. “Giá thịt heo đang ở mức rất cao đó là một trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đối với lạm phát của năm nay”, đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến mới đây với 63 tỉnh, thành sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2020. Theo Thủ tướng, việc hạ nhiệt được giá thịt heo sẽ góp phần kiểm soát tốt CPI trong thời gian tới, nếu không thì yếu tố này chẳng nào “lửa mồi” đối với lạm phát trong các tháng còn lại của năm. Vì vậy, các ngành, địa phương cần vào cuộc để đưa giá thịt heo về mức bình quân 60.000 - 65.000 đồng/kg.
Dự báo xu hướng tăng giá của các mặt hàng thiết yếu tiếp tục diễn ra và đó là những yếu tố dự báo lạm phát luôn chực chờ quay trở lại. Vì vậy, CPI bình quân cả năm 2020 so với năm 2019 sẽ tăng nếu không quyết liệt kiểm soát. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã đề ra mức lạm phát cơ bản ở mức dưới 4% để hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay. Chính phủ đã có một số hành động chuẩn bị, bao gồm thúc đẩy các dự án đầu tư công đã được phê duyệt, các địa phương cần tập trung nhiều cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, các ngành hải quan, thuế, tài chính… tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thu - chi ngân sách nhằm cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ mức lạm phát dưới 4% trong năm 2020.
THANH HỒNG