Nỗ lực khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh
(BDO) Dịch tả heo châu Phi xuất hiện vào tháng 5-2019 gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Giáo. Đến nay, với những nỗ lực dập dịch, hỗ trợ các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn đã góp phần khôi phục hoạt động chăn nuôi.
Nhiều trang trại lớn đang tăng tái đàn sau khi dịch tả heo châu Phi được khống chế. Trong ảnh: Trang trại heo của Công ty TNHH Nông nghiệp Trường Thịnh (xã An Thái, huyện Phú Giáo). Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo cho biết, đợt dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn huyện vào năm 2019 tại 501 cơ sở chăn nuôi heo bị bệnh dịch. Ông Trương Thanh Hóa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, cho biết huyện đã chi tổng số tiền hơn 72,7 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ các trại và hộ chăn nuôi bị thiệt hại, trong đó chi phí hỗ trợ tiêu hủy heo gần 67 tỷ đồng.
Theo ông Hóa, những năm gần đây mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tạo được hiệu quả kinh tế cao, trong khi đó việc nằm xen lẩn trong khu dân cư nảy sinh nhiều vấn đề khó khăn đối với công tác phòng, chống ngăn ngừa dịch bệnh như đợt dịch tả heo châu Phi năm 2019. “Hiện bên cạnh việc tái đàn cho các trại chăn nuôi tập trung, Phòng Kinh tế huyện phối hợp cùng cơ quan thú y đưa ra các khuyến cáo đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không vội tái đàn, nuôi với số lượng lớn trong khu vực dân cư. Bên cạnh đó, huyện Phú Giáo đang khuyến khích phát triển mô hình kinh tế trang trại đang có nhiều triển vọng phát triển mạnh. Năm 2019, kinh tế trang trại của huyện tăng thêm 16 trang trại, toàn huyện có 193 trang trại, trong đó có 24 trang trại trồng trọt, 167 trang trại chăn nuôi và 2 trang trại thủy sản.
Hiện tổng diện tích đất đang sử dụng của mô hình kinh tế trang trại toàn huyện chiếm hơn 1.279 ha, trong đó đất nông nghiệp, chủ yếu đất trồng cây lâu năm hơn 1.153 ha, đất nuôi trồng thủy sản 24,4 ha và đất chăn nuôi gần 102 ha. Có thể nói mô hình kinh tế trang trại khép kín, ứng dụng các thành tựu, công nghệ cao đang trở thành xu hướng phát triển hiện nay. Việc có mặt của gần 200 trang trại trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn Phú Giáo đã góp phần giải quyết việc làm cho 1.295 lao động tại địa phương. “Trong năm 2019 có một số trang trại chăn nuôi mới thành lập, một số trang trại lớn tăng quy mô so với trước, giá trị sản lượng hàng hóa thu được cao. Cụ thể, giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bán ra trung bình của một trang trại là hơn 1,7 tỷ đồng, góp phần đáng kể cho nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của địa phương”, ông Hóa chia sẻ.
“Công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi nâng ý thức về công tác phòng, chống dịch đã được ngành chức năng của huyện triển khai thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn chưa chú trọng việc phòng chống dịch như không thực hiện vệ sinh tiêu độc thường xuyên, không thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, vẫn sử dụng thức ăn thừa cho heo ăn… là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh có cơ hội lây lan trên địa bàn”, ông Trương Thanh Hóa cho biết. Ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y cho biết thêm, đến nay công tác hỗ trợ cho các trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã hoàn thành. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng đã tái lập đàn heo, khôi phục hoạt động chăn nuôi bình thường. Tuy nhiên, đến nay do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi nên tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và một số vật nuôi khác trên địa bàn có một số biến động, công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn đang được tiến hành từng ngày, các trại chăn nuôi vẫn tiếp tục duy trì số lượng đàn chăn thả. Hiện tổng đàn heo ước đạt 223.755 con. Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi nên sản lượng thịt heo hơi giảm mạnh, sau đó giá heo hơi đang tăng đột biến từ dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Tuy nhiên, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cũng chủ động tham mưu và đưa ra các cảnh báo đối với việc tái đàn heo, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn một cách hợp lý, tránh việc gia tăng số lượng heo nuôi ồ ạt để phòng tránh những nguy cơ giá heo xuống, xảy ra dịch bệnh có thể gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
MINH DUY