Nỗ lực kéo giảm các tiêu chí về tai nạn giao thông
(BDO) Quý I-2022, kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương phát triển ổn định. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực, bằng việc kéo giảm số vụ tai nạn giao thông (TNGT), số người bị thương, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Tuy nhiên, số người chết vì TNGT tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, các cấp, các ngành đang nỗ lực kéo giảm số người chết vì TNGT trên địa bàn.
Kiểm soát tải trọng sẽ được lực lượng chức năng tăng cường thực hiện trong thời gian tới.
Theo thống kê từ Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong quý I-2022, toàn tỉnh xảy ra 143 vụ TNGT, làm chết 72 người, làm bị thương 103 người và làm hư hỏng 223 phương tiện. So với cùng kỳ năm 2021, giảm 102 vụ, tăng 10 người chết, giảm 132 người bị thương. Các vụ TNGT xảy ra trên đường bộ; đường thủy và đường sắt không xảy ra tai nạn.
Thượng tá Phạm Quang Trưởng, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, cho biết tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây đang diễn biến phức tạp, do lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa cũng như người tham gia giao thông tăng cao so với trước. Điều này đã gây áp lực rất lớn cho lực lượng CSGT trong công tác bảo đảm TTATGT trên toàn tỉnh.
Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP.Thủ Dầu Một đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Trước tình hình đó, phòng CSGT Công an tỉnh đã chỉ đạo CSGT Công an các huyện, thị, thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch, chuyên đề về công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT. Việc làm này giúp tình hình TTATGT trong quý I-2022 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát với số vụ TNGT, số người bị thương được kéo giảm sâu, không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép, các nhóm đối tượng tụ tập lạng lách đánh võng gây mất TTATGT.
Tuy số vụ TNGT giảm sâu nhưng số người chết lại tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Các vụ tai nạn gây chết người chủ yếu xảy ra trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát và huyện Dầu Tiếng.
Theo Ban ATGT tỉnh, nguyên nhân chính xảy ra các vụ TNGT xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người tham gia giao thông chưa cao, vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ, trật tự đô thị còn xảy ra nhiều. TNGT gây hậu quả từ nghiêm trọng trở lên do người tham gia giao thông vi phạm các lỗi chiếm tỷ lệ cao như: Đi không đúng phần đường, làn đường, không chú ý quan sát, chuyển hướng không an toàn. Tai nạn giữa xe ô tô và mô tô chiếm tỷ lệ cao…
Cảnh sát giao thông TP.Thủ Dầu Một kiểm tra thủ tục hành chính người điều khiển phương tiện vi phạm lỗi quá tốc độ trên địa bàn phường Định Hòa.
Lực lượng chức năng phường Phú Hòa ra quân nhắc nhở, xử lý vi phạm lòng đường vỉa hè tại địa phương.
Để kiểm soát và kiềm chế hiệu quả các tiêu chí về TNGT cần tiếp tục có sự phối hợp đồng bộ từ các cấp, các ngành, lực lượng chức năng… trong việc triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp, kế hoạch, chuyên đề, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trên toàn địa bàn.
Phòng, chống hiệu quả tình trạng đua xe trái phép Trong quý I-2022, Cảnh sát giao thông Công an các địa phương trong tỉnh đã tăng cường ra quân tuần tra kiểm soát, thực hiện quyết liệt kế hoạch chuyên đề về phòng, chống thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe mô tô chạy thành đoàn, đua xe, cổ vũ đua xe trái phép. Kết quả, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng đua xe trái phép. Tuy nhiên, vẫn còn diễn ra tình trạng thanh thiếu niên tập trung điều khiển xe chạy thành đoàn, gây cản trở giao thông, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Qua triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 104 trường hợp thay đổi đặc tính xe, 72 trường hợp không có bộ phận giảm thanh, 10 trường hợp lạng lách, đánh võng. |
Mới đây, Ban ATGT tỉnh đã yêu cầu Ban ATGT các huyện, thị, thành phố bên cạnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về TTATGT trên địa bàn, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đến người dân nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia … của người tham gia giao thông. Ban ATGT tỉnh cũng yêu cầu tiếp tục triển khai việc xây dựng các mô hình về ATGT như: Tuyến đường do các đoàn thể quản lý; khu phố, ấp, khu dân cư an toàn giao thông; thanh niên tình nguyện tham gia bảo đảm TTATGT…
Trung tá Trần Phương Toàn, Phó trưởng Công an TX.Tân Uyên, cho biết tình hình TTATGT trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Do đó, Công an thị xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT tăng cường xử lý đối với các lỗi vi phạm là nguyên cơ bản xảy ra TNGT, như không chấp hành tín hiệu đèn, chạy quá tốc độ, sai làn đường… Đặc biệt, Công an thị xã tiếp tục tăng cường lực lượng tuần tra tại những tuyến đường, khu dân cư có nhiều hàng quán nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, Công an thị xã tiếp tục tham mưu cho Ban ATGT thị xã chỉ đạo các xã, phường, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tờ rơi, trang mạng, hội nhóm đoàn thể… để nâng cao hơn nữa ý thức của người tham giao thông tại địa phương.
Dự báo, trong thời gian tới, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, để kiểm soát có hiệu quả TNGT, lực lượng CSGT sẽ tập trung thực hiện các chuyên đề: Xử lý phương tiện vi phạm quá tải, quá khổ và tự ý thay đổi thiết kế; kiểm tra, phát hiện và xử lý người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy và nồng độ cồn; phòng, chống đua xe trái phép… Cùng với đó, Công an tỉnh kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch cấm phương tiện theo giờ để giảm tải trên các tuyến huyết mạch, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông…
“Trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, trật tự đô thị; đồng thời kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. Song song đó, cần nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển vận tải hành khách công cộng; khuyến khích các tầng lớp nhân dân, trước hết là cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông đã đề ra. Trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT...” (Ông Nguyễn Anh Minh, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải |
Bình Minh