Nỗ lực giảm chi phí logistics

Thứ năm, ngày 26/09/2019

(BDO) Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, thu hút đầu tư lớn của cả nước. Tỉnh đã và đang có nhiều nỗ lực nâng cao năng lực, giảm chi phí dịch vụ logistics, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 Hoạt động vận tải, xếp dỡ tại Trung tâm logistics ICD Tân Cảng Sóng Thần Ảnh: DUY CHÍ

 Nhiều cố gắng

Theo các doanh nghiệp (DN), hiện chi phí logistics trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng vẫn ở mức cao. Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty CP ICD Tân Cảng Sóng Thần, cho biết hạn chế của dịch vụ logistics tại tỉnh thể hiện trên 4 lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực và tài chính. Cụ thể, tổng diện tích trung tâm logistics, IDC (cảng cạn), kho trên tổng diện tích khu công nghiệp trên địa bàn đạt thấp (khoảng 3%). Bên cạnh đó, hệ thống cảng sông trên sông Sài Gòn và Đồng Nai chưa khai thác. Cùng với đó, những năm gần đây tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng đường bộ song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển...

Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Bình Dương, thông tin thời gian qua các DN trong hiệp hội đã nỗ lực liên kết, đưa ra các giải pháp nhằm cắt giảm chi phí, kịp thời đề xuất chủ trương, chính sách hợp lý giúp DN logistics phát huy nội lực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và năng lực cạnh tranh quốc gia theo chủ trương của Chính phủ.

Đầu tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Logistics Bình Dương đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp cho Đề án “Giảm chi phí logistics cho DN Bình Dương”. Đề án hướng đến 3 mục tiêu: Hoạch định chiến lược phát triển ngành logistics dựa trên nguyên tắc liên kết vùng; xây dựng hạ tầng logistics đường sông và đường sắt kết nối các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; nâng cao dịch vụ logistics theo hướng chuyên môn hóa để giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh.

Tại cuộc họp, lãnh đạo hiệp hội đã giới thiệu đề án thông qua đánh giá hiện trạng ngành dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh và một số địa phương lân cận. Trên cơ sở tổng hợp và phân tích thông tin từ số liệu thứ cấp và sơ cấp để làm rõ thực trạng hệ thống hạ tầng logistics tại khu vực Bình Dương, bao gồm hiện trạng các cảng và ICD, ga hàng hóa; hiện trạng kho bãi, trung tâm phân phối; hạ tầng thương mại - dịch vụ; hạ tầng giao thông kết nối; dịch vụ vận tải… Từ đó, đề án xây dựng các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics cho DN tỉnh nhà, bao gồm: Phát triển hạ tầng, hỗ trợ DN logistics, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác cạnh tranh và liên kết vùng, đề xuất cơ chế chính sách hoàn thiện.

Tiến sĩ Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp trường Đại học Bách khoa Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, cho biết khi đề xuất triển khai các phương án cắt giảm chi phí logistics cần xem xét tổng thể các phí logistics và ảnh hưởng đến chi phí đó. Nếu Bình Dương cắt giảm được chi phí logistics cũng là một yếu tố nâng tầm thu hút đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên, đây là thách thức không nhỏ, đòi hỏi Bình Dương phải đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng logistics. Việc đánh giá đúng thực trạng ngành logistics hiện nay ra sao, ở mức độ nào, từ đó đề xuất các giải pháp xây dựng hướng phát triển của ngành logistics, hạ chi phí dịch vụ logictics cho DN là vấn đề rất quan trọng hiện nay.

Phát triển thế mạnh logistics đường sông

Theo đại diện Tổng Công ty Becamex IDC, hạ tầng logistics, các trung tâm logistics mà Becamex đã và đang nghiên cứu thực hiện, trong đó phát triển dự án logistics đường sông, đường sắt cùng những tiện ích khác là hướng đi mà tổng công ty đang nghiên cứu triển khai. Nếu triển khai xây dựng các cảng đường sông tại khu vực phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên và xã An Tây, TX.Bến Cát theo tính toán ban đầu chi phí logistics sẽ giảm đến gần một nửa.

Theo đánh giá, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của Bình Dương được quy hoạch, đầu tư khá tốt, vừa làm nhiệm vụ liên hoàn trong giao thông đối nội vừa kết nối thông suốt với hệ thống giao thông của vùng, giao thông quốc gia. Đây là một yếu tố thuận lợi để kết nối với các cảng đường sông trên địa bàn tỉnh và khu vực.

Ông Nguyễn Quang Sang, Công ty TNHH TM&DV Phương Nam, cho biết nếu xây dựng trung tâm logistics đường sông sẽ liên kết các trung tâm logistics với các trung tâm tập kết hàng hóa đô thị trong quy hoạch các cảng cạn. Trong đó các trung tâm logistics được ưu tiên ở khu vực cảng cạn gần khu công nghiệp, gần trung tâm hàng hóa lớn để giảm chi phí lưu kho.

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết Đề án “Giảm chi phí logistics cho DN Bình Dương” nên đi vào xây dựng những phương án cụ thể, phù hợp với thực tế địa phương và năng lực của các DN logistics trên địa bàn. Để đề án triển khai hiệu quả, trước mắt cần có giải pháp thiết thực nhằm cắt giảm chi phí cho DN. Hiện nay, để cắt giảm chi phí logistics, về phía DN, trước mắt cần sử dụng dịch vụ logistics trọn gói; chủ động trong quản lý cung ứng nguồn nguyên liệu, sản xuất, vận chuyển; kiểm soát được thời gian giao nhận hàng để làm chủ thị trường và tăng sức cạnh tranh cho DN.

 Theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, việc thành lập Hiệp hội Logistics Bình Dương nhằm tạo điều kiện cho các DN hoạt động trên lĩnh vực logistics phối hợp với nhau, phát huy thế mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động và kết nối hỗ trợ các hiệp hội, DN trong tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó góp phần giảm chi phí hàng hóa, bảo đảm cho DN giao nhận hàng hóa đúng thời gian, đáp ứng nhu cầu của DN trong xu thế hội nhập. Việc thành lập hiệp hội cũng góp phần phát triển dịch vụ logistics minh bạch, lành mạnh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội tỉnh nhà.

 TIỂU MY