Nỗ lực đưa ngành du lịch Bình Dương “cất cánh” - kỳ III
(BDO) Kỳ III: Phát huy lợi thế về du lịch văn hóa
Cùng với việc đầu tư phát triển du lịch sinh thái và du lịch di tích lịch sử, Bình Dương cũng chú trọng phát triển các loại hình du lịch văn hóa như tham quan di tích - danh thắng, lễ hội, làng nghề, du lịch thể thao cao cấp… Trong thời gian tới, các loại hình du lịch văn hóa sẽ được tập trung phát triển ở TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên và huyện Dầu Tiếng, với mục tiêu là thu hút du khách về Bình Dương vào các dịp lễ, tết và cuối tuần.
Đa dạng loại hình du lịch văn hóa
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), đến nay trên địa bàn tỉnh có 27 di tích - danh thắng, trong đó có 8 di tích - danh thắng cấp quốc gia với đủ loại hình, phong phú và đa dạng về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, Bình Dương còn có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, nổi bật là làng nghề gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ. Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển du lịch, qua đó đã có nhiều khu du lịch, khu nghỉ dưỡng được xây dựng và đưa vào hoạt động như Khu du lịch Đại Nam, Công viên du lịch nghỉ dưỡng Mắt Xanh, Khu du lịch Phương Nam, Du lịch xanh Dìn Ký…
Ông Võ Văn Nở, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VH-TT&DL cho biết, cùng với các di tích - danh thắng, làng nghề, điểm du lịch nghỉ dưỡng Bình Dương còn nổi tiếng với các lễ hội như Lễ hội Kỳ Yên, Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín, đua thuyền trên sông Sài Gòn… Với nhiều loại hình du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của du khách khi đến Bình Dương vào dịp lễ, tết và cuối tuần.
Với việc liên kết “3 nhà” (Nhà nước - doanh nghiệp du lịch - cơ sở sản xuất) sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề và góp phần bảo tồn nghề truyền thống của tỉnh nhà. Trong ảnh: Khách tham quan quy trình sản xuất sản phẩm sơn mài tại Bình Dương. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Trong năm 2016, có hơn 3,4 triệu lượt khách tham quan các khu, điểm du lịch, các di tích, danh thắng, lễ hội trên địa bàn tỉnh; trong đó Khu du lịch Đại Nam đón trên 2 triệu lượt khách, Khu du lịch Thủy Châu trên 150.000 lượt khách, Khu du lịch núi Cậu - hồ Dầu Tiếng đón trên 250.000 lượt khách... Doanh thu các khu, điểm du lịch trong năm qua ước đạt 680 tỷ đồng (chiếm 56,7% tổng doanh thu toàn ngành), doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 300 tỷ đồng (chiếm 25% tổng doanh thu toàn ngành).
Phát huy du lịch làng nghề
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Dương có 9 nghề truyền thống và 55 làng nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống đến nay vẫn phát huy được giá trị như làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm sứ Lái Thiêu, làng gốm sứ Tân Phước Khánh, làng guốc Phú Thọ, làng điêu khắc - chạm gỗ Phú Thọ, làng heo đất Lái Thiêu... Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, hiện chỉ có làng nghề gốm sứ phát triển ổn định, các làng nghề còn lại đang gặp nhiều khó khăn.
Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, việc phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa tốt, chưa có sự phối hợp giữa 3 nhà (Nhà nước - doanh nghiệp du lịch - cơ sở sản xuất). Bên cạnh đó, việc tổ chức các sự kiện để quảng bá những sản phẩm của làng nghề Bình Dương chưa phát huy hiệu quả. “Việc tổ chức triển lãm gốm sứ trong Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 được tổ chức quá cập rập, doanh nghiệp, đơn vị tổ chức chỉ có vài tháng chuẩn bị nên không bảo đảm được chất lượng cuộc triển lãm. Cùng với đó, công tác quảng bá triển lãm còn yếu nên ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có được đầy đủ thông tin về triển lãm. Từ đó dẫn đến những bất cập trong việc tổ chức sự kiện quảng bá, mặc dù ý định ban đầu là rất tốt”, ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương nói.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, tới đây ngành du lịch tỉnh nhà sẽ phối hợp với các địa phương, cơ sở sản xuất tại các làng nghề để xây dựng du lịch làng nghề mang đặc trưng của Bình Dương. Trong đó, những giải pháp được quan tâm nhất là các tour kết hợp tham quan di tích - danh thắng với tham quan làng nghề; đầu tư phát triển các sản phẩm thủcông độc đáo, mẫu mã đa dạng và phong phú; cùng với đó xây dựng tour trải nghiệm, cho du khách tham gia vào quy trình sản xuất các sản phẩm truyền thống…
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng từng bước quy hoạch, phân bố lại các khu vực làng nghề để phát triển du lịch đa dạng loại hình. Đại diện một số cơ sở sản xuất sản phẩm phục vụ cho ngành du lịch trên địa bàn tỉnh cho rằng, họ đang gặp khó khăn vì cơ sở sản xuất chủ yếu nằm trong khu dân cư, do đó khó làm du lịch sinh thái và làng nghề. Địa phương cần có quy hoạch đất đai để tạo điều kiện cho việc phát triển làng nghề gắn với du lịch, có như vậy mới bảo đảm phát triển du lịch bền vững. Chẳng hạn, đặc trưng của các làng gốm Bình Dương được phân bổ như: Lu hũ ở Lái Thiêu (TX.Thuận An), chén ở Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên)... Hiện tại, các lò gốm ở phường Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một) chỉ còn lại mô hình, do nhiều nguyên nhân nên không thể phát triển như trước đây. Do đó, việc phân bổ lại các khu vực làng nghề trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết.
Phát triển các loại hình du lịch mới
Cùng với việc bảo tồn, trùng tu các di tích - danh lam, phát huy du lịch làng nghề, việc phát triển các loại hình du lịch mới để thu hút du khách cũng là một trong những mục tiêu của ngành du lịch Bình Dương trong thời gian tới.
Vừa qua, Khu du lịch Đại Nam đã đưa vào sử dụng trường đua đa năng “5 trong 1” (đua ngựa, đua chó, đua xe địa hình, mô tô phân khối lớn và mô tô nước) theo tiêu chuẩn quốc tế. “Việc Công ty Cổ phần Đại Nam mở trường đua sẽ là điểm nhấn đối với ngành thể thao - du lịch của tỉnh nhà. Dự án này không chỉ tạo việc làm cho người dân mà còn giúp phát triển các ngành dịch vụ khác, đồng thời góp phần thu hút khách du lịch về Bình Dương”, ông Nguyễn Phú Yên, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói.
Hiện nay, ngành du lịch tỉnh nhà cũng đang xây dựng, phát triển các loại hình du lịch mới gắn với sông nước, du lịch mạo hiểm. Trong đó, tới đây Bình Dương sẽ triển khai loại hình thể thao nước cao cấp tại khu vực hồ Dầu Tiếng, bán đảo Tha La (huyện Dầu Tiếng), khu vực Cù lao Rùa (TX. Tân Uyên), du lịch mạo hiểm trên sông Bé; đồng thời xây dựng tuyến du lịch trên sông Sài Gòn, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo…)… Ngành du lịch của tỉnh cũng sẽ làm mới các hình thức du lịch đã được triển khai như tour thưởng thức các món ngon Bình Dương tại các điểm như bánh bèo bì Mỹ Liên, gỏi măng cụt Lái Thiêu, nem Lái Thiêu; tour khám phá Bình Dương về đêm bằng xe đạp đôi…
Theo Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, bao gồm tuyến du lịch liên tỉnh, liên khu vực (Quốc lộ 13, đường Hồ Chí Minh, đường ĐT741-742), các tuyến du lịch nội tỉnh (ĐT744, ĐT746-747), các tuyến du lịch đường sông (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé).
HOÀNG PHẠM - THOẠI PHƯƠNG
Kỳ IV: Khai thác tốt tiềm năng di tích lịch sử