Nỗ lực đưa Bình Dương trở thành trung tâm năng lượng tái tạo

Thứ ba, ngày 07/01/2025

Điện mặt trời thế hệ mới không chỉ là một giải pháp kinh tế và môi trường, mà còn mở ra cơ hội kinh doanh và phát triển bền vững cho các hộ gia đình. Với sự hỗ trợ từ chính sách và công nghệ, điện mặt trời thế hệ mới sẽ là xu hướng phát triển trong thời gian tới, góp phần đưa Bình Dương trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

 Bình Dương xây dựng hệ thống trạm sạc điện nhằm hỗ trợ sự phát triển giao thông xanh. Trong ảnh: Trạm sạc điện tại phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một

 Thúc đẩy sử dụng năng lượng bền vững

Những năm gần đây, Bình Dương đã thu hút được nhiều dự án điện mặt trời với quy mô đa dạng, từ hệ thống điện mặt trời nhỏ lẻ trên mái nhà cho đến các trang trại điện mặt trời lớn. Những dự án này không chỉ có các doanh nghiệp tham gia mà còn có các hộ gia đình. Điều này cho thấy sự quan tâm và nhận thức ngày càng cao của người dân về lợi ích của năng lượng tái tạo.

Ông Phan Thanh Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng tái tạo tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay những công nghệ quang điện tiên tiến kết hợp với hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) đang không ngừng nâng cao hiệu suất và tối ưu chi phí. Điện mặt trời thế hệ mới không chỉ dành riêng cho hộ gia đình mà còn phù hợp với mô hình thương mại và nhà máy công nghiệp. Đáng chú ý, chi phí lắp đặt các hệ thống này đã giảm đáng kể, giúp nhiều đối tượng dễ dàng tiếp cận năng lượng sạch.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), nhận định việc sử dụng hiệu quả điện mặt trời đối với các hộ gia đình không chỉ giúp giảm chi phí tiền điện mà còn góp phần thúc đẩy xu hướng sử dụng năng lượng bền vững. Từ 10 năm trước, Biwase đã đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản xuất theo hướng tự động hóa, sử dụng, sản xuất năng lượng tái tạo từ điện lò nhiệt, điện khí biogas, điện mặt trời, khai thác từ các nguồn năng lượng tự nhiên xanh, nguyên vật liệu tái tạo sạch… sản xuất điện phục vụ cho mọi hoạt động tại các nhà máy nhằm trung hòa carbon, phát triển theo đúng định hướng xanh, bền vững.

Tại hội thảo “Điện mặt trời thế hệ tiếp theo” do Sở Công thương phối hợp với Hiệp hội Năng lượng tái tạo tỉnh tổ chức vừa qua, các chuyên gia tiếp tục khẳng định với công nghệ tiên tiến, điện mặt trời thế hệ mới hoạt động dựa trên nguyên lý chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành điện năng, sử dụng hệ thống quang điện và bộ inverter. Phần năng lượng dư thừa có thể được lưu trữ trong pin để sử dụng vào ban đêm hoặc khi cần thiết. Hệ thống này mang lại nhiều lợi ích vượt trội, như: Giảm phụ thuộc vào lưới điện quốc gia, tiết kiệm chi phí, cung cấp nguồn điện ổn định, bảo đảm an ninh năng lượng. Đây không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn góp phần giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Hội thảo còn giới thiệu nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn trong lĩnh vực kinh tế năng lượng mới, như mô hình kinh doanh chênh lệch giá với BESS, mô hình trạm sạc xe điện thông minh tích hợp năng lượng mặt trời. Những bước tiến này không chỉ thúc đẩy phát triển bền vững mà còn góp phần xây dựng Bình Dương thành trung tâm năng lượng tái tạo hiện đại của cả nước.

Phát triển hiệu quả tiềm năng

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển điện mặt trời mái nhà nối lưới đạt 185MW. Đối với các khu công nghiệp, nhu cầu điện mặt trời tự sản xuất và tiêu thụ kết hợp với hệ thống lưu trữ năng lượng dự kiến đạt 3.200MW vào năm 2030 và tăng lên 5.359MW vào năm 2050. Ngoài khu công nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình cũng có tiềm năng phát triển điện mặt trời với công suất đạt 3.200MW vào năm 2030.

Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, như Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp hay Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tiêu thụ, đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng nổ điện mặt trời mái nhà. Sở Công thương đang trình UBND tỉnh ban hành các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai các chính sách này.

Theo Sở Công thương, việc phát triển điện mặt trời thế hệ mới không chỉ đáp ứng mục tiêu năng lượng tái tạo mà còn góp phần thúc đẩy Bình Dương trở thành trung tâm kinh tế xanh và bền vững. Bình Dương cũng chú trọng xây dựng hệ thống trạm sạc điện nhằm hỗ trợ sự phát triển giao thông xanh. Sở Công thương cũng đang phối hợp với các địa phương để cập nhật vị trí các trạm sạc vào quy hoạch chung, với mục tiêu mỗi đơn vị hành chính cấp xã sẽ có ít nhất 5 trạm sạc điện.

 Tại Bình Dương, chúng tôi nhận thức rõ việc phát triển điện mặt trời là để xây dựng một nền tảng năng lượng vững chắc, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Quy trình triển khai phát triển điện mặt trời, chúng tôi luôn kết hợp chặt chẽ giữa việc cải tiến công nghệ và tăng cường mức độ nhận thức của cộng đồng, bảo đảm rằng mỗi dự án không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường”.

(Ông Phan Thanh Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng tái tạo tỉnh Bình Dương)

 TIỂU MY