Nỗ lực đem lại sự hài lòng cho khách thập phương

Thứ năm, ngày 01/03/2018

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, Ban chỉ đạo (BCĐ) tổ chức lễ hội Rằm tháng giêng các địa phương trong tỉnh phối hợp kiểm tra, nhắc nhở nên tình trạng này giảm hẳn để đem lại sự hài lòng cho du khách khi chọn Bình Dương để hành hương.

(BDO)

 Nói không với đốt vàng mã

Trong những buổi chiều 27 và 28-2 (tức ngày 12 và 13 tháng giêng), chúng tôi có mặt tại miếu Ông (tên thường gọi là chùa Ông), miếu Bà (chùa Bà) ngay tại phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một ghi nhận tình trạng đốt và bán vàng mã trước cổng 2 ngôi chùa trên đã hạn chế rất nhiều. Đến với miếu Bà Lái Thiêu (chùa Bà Lái Thiêu), hình ảnh nhiều loại vàng mã được bày bán như quần áo, vàng cục, tiền… cũng thưa dần. Tuy nhiên, vẫn còn một vài khách mang túi vàng mã đến cúng và đốt ngay trong khuôn viên các miếu.

Các ngôi chùa thờ mẫu vắng dần hình ảnh người đốt vàng mã thì tại các ngôi chùa thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh tình trạng đốt, bán vàng mã hoàn toàn không có. Đó là nhờ sự nỗ lực, ra quân của BCĐ lễ hội Rằm tháng giêng ở các địa phương, cũng như Ban trị sự các ngôi chùa, miếu trong tỉnh. BCĐ đã cử các đội kiểm tra, nhắc nhở khi phát hiện tình trạng bán, đốt vàng mã quá nhiều; vận động khách hành hương, phật tử khi đến chùa chỉ mang nhang để thắp, không đưa vàng mã vào khu vực chùa để đốt như những năm trước. Trong thời gian tới, BCĐ lễ hội các địa phương cho biết sẽ siết chặt hơn nữa việc mua bán vàng mã trước chùa, miếu và động viên Ban trị sự các chùa, miếu dán thông báo không đốt vàng mã và không bố trí khu vực đốt vàng mã.

 Du khách hài lòng khi đến với lễ hội chùa Bà Bình Dương. Ảnh: T.LÝ

Chia sẻ về khuyến cáo không đốt vàng mã khi đi lễ của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bà Lê Thị Ngọc, đến từ Đồng Nai cho hay, những năm trước đến với lễ hội Rằm tháng giêng tại Bình Dương, bà thấy nhiều người mua bán vàng mã và đốt vàng mã làm ô nhiễm môi trường nhưng nay đã hạn chế rất nhiều. Theo bà, với số tiền mà mọi người bỏ ra mua ngựa, voi, tiền, vàng... chuyển sang thành tiền công đức để kiến thiết chùa, miếu hoặc để chùa, miếu làm từ thiện thì sẽ thiết thực và ý nghĩa hơn. Điều quan trọng của người đi lễ là cái tâm, chứ không phải cứ dâng nhà, xe, ngựa, voi… thì mới được độ trì.

Tạo sự hài lòng cho du khách

Nhắc đến lễ hội Rằm tháng giêng tại Bình Dương, rất nhiều du khách khi chúng tôi gặp gỡ đều đánh giá cao công tác chuẩn bị lễ hội và cảm thấy hài lòng khi hành hương đến đây. Ông Lê Văn Nụ, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh cho biết đầu năm mới, ông thường đưa gia đình đi hành hương các nơi như núi Bà Tây Ninh, chùa Bà Châu Đốc, chùa Bà Bình Dương… Mỗi nơi có một cách tổ chức riêng và nét văn hóa riêng. Riêng ở Bình Dương gia đình ông rất hài lòng khi được ăn cơm, uống nước từ thiện, được vá xe miễn phí và được hỗ trợ nhiệt tình khi gặp sự cố. Do đó cứ sau tết, điểm đến đầu tiên của gia đình ông là các ngôi chùa tại Bình Dương.

Để kéo dài “thướt đo” sự hài lòng cho du khách thập phương đến với lễ hội, BCĐ lễ hội các địa phương không chủ quan mà luôn nỗ lực để hạn chế đến mức thấp nhất những “hạt sạn” sót lại trong mùa lễ hội. Do đó, với việc phản ánh của du khách về giá giữ xe ở chùa Bà tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/chiếc xe máy, vượt giá quy định, ngành chức năng của TP.Thủ Dầu Một đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở. Từ nay đến ngày rước cộ, mỗi ngày sẽ có 2 đến 3 đoàn đi kiểm tra giá giữ xe.

Đối với việc phóng sinh, qua kiểm tra tình trạng này đã giảm hẳn. Cụ thể tại chùa Bà Thiên Hậu (phường Phú Cường), năm nay không xuất hiện người bán chim phóng sinh như mọi năm. Còn tại chùa núi Châu Thới năm trước có từ 5 - 10 điểm bán chim phóng sinh, đến nay theo ghi nhận của người viết chỉ còn 1 - 2 người bán nhưng không công khai. Theo cán bộ Phòng Nội vụ các địa phương TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An, việc phóng sinh đã được họp, nhắc nhở các chùa không khuyến khích nhưng rất khó để kiểm soát vì chưa có một công văn quy định không phóng sinh, hay biện pháp chế tài mà chủ yếu vẫn là tuyên truyền nâng cao ý thức của du khách.

Hy vọng với những nỗ lực, cố gắng của BCĐ, Ban trị sự các chùa, miếu từ nay đến hết Rằm tháng giêng sẽ đem lại sự hài lòng cho du khách khi đến hành hương tại Bình Dương.

 Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

UBND tỉnh hoan nghênh tinh thần chuẩn bị tổ chức lễ hội nghiêm túc, chu đáo của BCĐ lễ hội Rằm tháng giêng các địa phương. Từ nay đến hết lễ hội, BCĐ các địa phương cần đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn lễ hội, bảo đảm trật tự giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các địa phương cần quán triệt tới các hộ kinh doanh và người dân trong khu vực tham gia phục vụ lễ hội nâng cao ý thức cùng chung tay xây dựng hình ảnh lễ hội văn minh, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách; tránh để tình trạng lợi dụng tự do tín ngưỡng để hoạt động mê tín dị đoan, nghiêm cấm tổ chức các hoạt động chèo kéo du khách mua hàng, bán hàng kém chất lượng.

 Ông Tạ Ngọc Trung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin kiêm Phó BCĐ lễ hội Rằm tháng giêng UBND TP.Thủ Dầu Một:

Đối với các lĩnh vực khác như giá giữ xe, bảo đảm an ninh trật tự đều đã được phân công cho các đơn vị phụ trách. Theo đó, mỗi đơn vị cử 2 đến 3 đoàn kiểm tra, kịp thời xử lý. Kể từ hôm 13 tháng giêng, TP.Thủ Dầu Một đã bố trí lực lượng túc trực thường xuyên không để xảy ra tình trạng tăng giá giữ xe, chèo kéo khách...

 Ông Trần Vĩnh An, Phó ban Thường trực Ban Trị sự chùa Bà Thiên Hậu:

Về công văn khuyến cáo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban trị sự chùa đã tuyên truyền khách thập phương không đốt vàng mã. Tuy nhiên, khách thập phương khi đến lễ mỗi người một ý, họ nghĩ càng hóa nhiều vàng mã thì càng cầu xin được nhiều nên vẫn còn vài trường hợp đốt vàng mã. Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền ở các chùa, miếu, việc cấm đốt vàng mã cần có thời gian, tuyên truyền dần dần sâu rộng hơn đến từng người, từng nhà; tuyên truyền qua phương tiện truyền thông cho người dân ý thức và hiểu sâu hơn.

 THIÊN LÝ