Nỗ lực đẩy mạnh xây dựng các mô hình sân chơi công nghệ trong trường học

Thứ ba, ngày 14/08/2018

Việc triển khai thí điểm sân chơi công nghệ là một nỗ lực của các ngành chức năng tỉnh Bình Dương nhằm đưa giáo dục STEM đến với cộng đồng. Mô hình này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên các bậc học trong tỉnh. Để hiểu rõ hơn về mô hình này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ (KHCN).

(BDO)

 Học sinh thích thú với mô hình lắp ráp tại Ngày hội khoa học sáng tạo do Sở KHCN tổ chức. Ảnh: TIỂU MY

 - Ngày hội giới thiệu các mô hình trải nghiệm sáng tạo và sân chơi công nghệ do Sở KHCN tổ chức mới đây là sự kiện khá mới mẻ trên địa bàn tỉnh. Xin ông cho biết thêm ý nghĩa của các mô hình này?

- Các mô hình trải nghiệm sáng tạo và cả sân chơi công nghệ thật ra là những hình thức không phải mới trong giáo dục. Hiện tại, trong chương trình phổ thông cũng đã có giờ học trải nghiệm cho các em học sinh và ở nhiều trường, các giáo viên đã rất linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức mô hình trải nghiệm có hiệu quả, giúp học sinh nâng cao hiểu biết khi kết hợp giữa lý thuyết và thực tế. Sân chơi công nghệ cũng là hình thức khá phổ biến, đặc biệt ở những thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, đó là nơi mà các em học sinh có cơ hội tiếp xúc với công nghệ và phát huy khả năng sáng tạo cũng như thao tác linh hoạt thông qua tương tác trực tiếp với sự hướng dẫn của giáo viên để thực hiện ý tưởng của mình trong việc thiết kế, lắp ráp, lập trình vận hành những thiết bị đơn giản. Tuy nhiên, đối với tỉnh Bình Dương thì những hoạt động này chưa được phổ biến, đặc biệt trong các trường phổ thông.

STEM là viết tắt của Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, lồng ghép và bổ trợ cho nhau.

Ngày hội giới thiệu các mô hình trải nghiệm sáng tạo và sân chơi công nghệ do Sở KHCN tổ chức vừa qua có các nội dung chính như: Giới thiệu các mô hình hoạt động, mô hình sáng tạo của một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh qua trình diễn và triển lãm tại ngày hội; tổ chức trải nghiệm thực tế cho khoảng 300 em học sinh với sự tài trợ của các tổ chức giáo dục ngoài tỉnh. Ở nội dung này, các em học sinh được hướng dẫn tham gia thực hành các thí nghiệm khoa học mô phỏng một số hiện tượng như núi lửa phun trào, bong bóng ma thuật… tham gia lắp ráp, điều khiển robot, tham gia hoạt động sáng tạo với chủ đề: Em xây dựng thành phố thông minh…

Bên cạnh đó là nội dung giới thiệu mô hình Sân chơi công nghệ đến với phụ huynh và các em học sinh. Đây là một dự án triển khai thí điểm do Sở KHCN khởi xướng, phối hợp cùng Tỉnh đoàn và trường Đại học Thủ Dầu Một theo mô hình “3 nhà” (Nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp)...

Sở KHCN hy vọng việc tổ chức ngày hội là tiền đề góp phần tạo sự liên kết, hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị và các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh để thúc đẩy phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo, giáo dục STEM trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của giáo dục STEM trong việc thúc đẩy hình thành kiến thức, kỹ năng, tạo nền tảng phát triển tinh thần khởi nghiệp từ cấp giáo dục phổ thông?

- Giáo dục STEM có vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề một cách toàn diện. Tinh thần khởi nghiệp liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó cần tư duy đổi mới sáng tạo. Như vậy, có thể nói giáo dục STEM đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng về tư duy, kỹ năng cần thiết cho hoạt động khởi nghiệp.

- Sở KHCN sẽ làm gì để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường phổ thông, thưa ông?

- Tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 do Sở KHCN chủ trì triển khai thực hiện, trong đó có nội dung đưa kiến thức về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào trường phổ thông. Việc này dự kiến sẽ được sở triển khai trong giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã có phê duyệt đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” thì nội dung này trùng với nhiệm vụ được giao cho ngành giáo dục, do đó Sở KHCN sẽ có sự phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp.

- Bình Dương đang xây dựng thành phố thông minh, mà theo đó nhu cầu về nhân lực chất lượng cao là đòi hỏi tất yếu. Như vậy, tỉnh đã có chiến lược hay kế hoạch để đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực tương lai gắn với phương pháp giáo dục STEM chưa, thưa ông?

- Năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Thành phố thông minh Bình Dương với kế hoạch hành động đi kèm khá cụ thể và chi tiết, trong đó tỉnh chú trọng xây dựng thành phố thông minh lấy KHCN, chất lượng nguồn nhân lực là các yếu tố trụ cột quan trọng với cốt lõi là mô hình “3 nhà”.

Đổi mới sáng tạo và KHCN là những yếu tố đã và đang được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Cụ thể, hàng năm tỉnh đều tổ chức cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật, trong đó phong trào sáng tạo khoa học - kỹ thuật ở lứa tuổi thanh thiếu niên được quan tâm, khuyến khích phát triển. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng việc nâng cao năng lực sáng tạo của cộng đồng thông qua mô hình hoạt động của Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp và kế hoạch phát triển hệ thống phòng thí nghiệm thực nghiệm fablab trên địa bàn tỉnh. Đây có thể được xem là việc đầu tư có tính chất chiến lược trong xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai của tỉnh. Trong quá trình triển khai các hoạt động này, Sở KHCN sẽ nghiên cứu đề xuất để phát triển mô hình giáo dục STEM theo hướng kết nối và phát huy năng lực của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng với hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, việc triển khai thí điểm Sân chơi công nghệ như đã đề cập cũng là một nỗ lực nhằm đưa giáo dục STEM đến với cộng đồng thông qua mô hình đầu tiên là tiếp cận về robotics. Nếu dự án thí điểm được triển khai thành công sẽ là cơ sở để phát triển mô hình này trên diện rộng và phát triển thêm nhiều mô hình khác.

- Xin cảm ơn ông!

TIỂU MY (thực hiện)