Nỗ lực dạy học môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở

Thứ sáu, ngày 20/12/2024

(BDO) Năm học 2024-2025 là năm thứ 4 các trường THCS áp dụng dạy và học các môn tích hợp. Tuy nhiên, việc bố trí giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học vẫn là bài toán khó đặt ra cho ngành giáo dục.

Còn nhiều khó khăn

Tích hợp liên môn là một điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Theo đó, 2 môn độc lập là Lịch sử, Địa lý được tích hợp thành môn Lịch sử và Địa lí; 3 môn độc lập: Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên. Tích hợp môn trong Chương trình GDPT 2018 nhằm hướng đến phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Mặc dù đã là năm thứ 4 tiến hành dạy môn tích hợp nhưng hiện tại trong quá trình triển khai thực hiện, các trường THCS cũng như đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh đang gặp phải một số khó khăn nhất định. 


Giáo viên Trường THCS Nguyễn Viết Xuân hướng dẫn học sinh nội dung bài học môn Lịch sử - Địa lý

Thầy Nguyễn Văn Đức, giáo viên bộ môn Khoa học tự nhiên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, hiện tại thầy đang phụ trách dạy môn Khoa học tự nhiên của khối lớp 6. “Đối với khối lớp 6 và 7, giáo viên có thể đảm nhận dạy cả 3 môn nhưng qua lớp 8 với lượng kiến thức chuyên môn khá sâu nên một giáo viên khó có thể đảm nhận giảng dạy cả 3 môn. Giáo viên đa phần được đào tạo dạy đơn môn, dù đã được tập huấn, bồi dưỡng nhưng hằng năm vẫn khó đáp ứng được giảng dạy có chất lượng các bộ môn tích hợp này”.

Cũng theo thầy Đức, môn Khoa học tự nhiên hiện tại chủ yếu ghép cơ học giữa các môn Hóa học, Sinh học và Vật lý, chưa thể hiện rõ tính tích hợp, liên môn. Chương trình các môn học này chưa có sự tích hợp tương ứng với tên gọi của môn học.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Kiều Hương, giáo viên Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (TP.Thủ Dầu Một) chia sẻ: “Dạy đơn môn đã khó, dạy tích hợp lại khó gấp nhiều lần. Điều này đồng nghĩa với việc giáo viên không chỉ am hiểu kiến thức của một môn mà phải nâng cao kiến thức rộng hơn, ở cả các lĩnh vực của các môn tích hợp. Đối với bộ môn Lịch sử - Địa lý, hiện tại một giáo viên vẫn có thể đảm nhận dạy học được nhưng với lượng kiến thức 2 môn gộp lại thì giáo viên vẫn gặp khó trong quá trình giảng dạy. Hiện tại tôi vẫn đảm nhiệm dạy phần Lịch sử, một giáo viên khác đảm nhận việc dạy môn Địa lý”.  

Nhiều giáo viên cũng cho rằng, mặc dù gọi là tích hợp nhưng cơ bản vẫn riêng biệt, có chăng chỉ khác với lúc trước là môn nào sách đó thì nay gộp lại chung thành một cuốn. So với khi thực hiện đơn môn, kiểu thiết kế này còn bộc lộ những hạn chế; đội ngũ giáo viên và các trường còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức dạy môn tích hợp liên môn này. 

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Khó khăn của việc dạy học tích hợp ở các trường THCS cũng chính là khó khăn chung của ngành giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng như ngành GD&ĐT tỉnh cũng đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ cho các địa phương và cơ sở giáo dục. Dù Bộ GD&ĐT đã tiến hành tập huấn dạy tích hợp cho giáo viên nhưng trên thực tế không thể đảm bảo yêu cầu chất lượng. Do đó, dù là môn tích hợp nhưng thực chất vẫn là dạy đơn môn theo kiểu chung nhưng vẫn riêng.


Thầy và trò Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai trong một giờ học môn Khoa học tự nhiên

Ghi nhận thực tế việc triển khai dạy tích hợp ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều trường học đã bảo đảm môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử - Địa lý do 1 giáo viên đảm nhận ở khối lớp 6 hoặc khối 6-7. Tuy nhiên, đến lớp 8, kiến thức đi vào chuyên sâu thì một giáo viên khó có thể đảm nhận hết các phân môn nên dù là môn tích hợp nhưng lại dạy riêng lẻ theo từng phân môn. Đến tiết phân môn nào, giáo viên phụ trách phân môn đó sẽ trực tiếp giảng dạy. 

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bàu Bàng cho biết, hiện tại các trường THCS trên địa bàn huyện đã tiến hành áp dụng một giáo viên dạy môn tích hợp cho khối 6,7. Còn khối 8,9, phòng cũng đã triển khai cho các trường dạy nhưng thấy hiệu quả không cao. Từ thực tế đó, các trường học trên địa bàn huyện đều đưa ra giải pháp nhiều giáo viên dạy môn tích hợp cho khối 8,9 để đảm bảo chất lượng giảng dạy và đây cũng là cách sắp xếp hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại. Do đa phần giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn nên khi phân công dạy các môn tích hợp, các trường học vẫn phải phân công giáo viên dạy đơn môn để đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Theo Sở GD&ĐT, trước những khó khăn chung trong dạy học môn tích hợp ở bậc THCS, ngành GD&ĐT đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên dạy môn tích hợp. Sở cũng chỉ đạo cho các trường bố trí linh hoạt giáo viên giảng dạy theo phân môn phụ trách nhằm hướng tới hiệu quả giảng dạy cao nhất cho học sinh. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Hiệu trưởng cũng sinh hoạt thường xuyên nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, giảng dạy; đề xuất những trường, những cá nhân dạy môn tích hợp hiệu quả chia sẻ kinh nghiệm và cũng là cách để động viên giáo viên thực hiện...

Dạy học tích hợp là một xu hướng tất yếu trong giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, để triển khai thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng hy vọng với các giải pháp đưa ra, địa phương sẽ triển khai thực hiện trên tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo nhưng đảm bảo khoa học, hợp lý, bám sát chương trình, yêu cầu của Bộ GD&ĐT, phù hợp với điều kiện thực tế.

Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 xác định rõ, dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết hiệu quả các vấn đề trong học tập và cuộc sống; thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng. Để đạt được điều đó, từ năm 2024, một số trường đại học đã bắt đầu đào tạo ngành sư phạm khoa học tự nhiên trình độ đại học. Đây được xem là tín hiệu vui, bước đổi mới quan trọng đối với các trường THCS trong công tác giảng dạy môn tích hợp.

HỒNG PHƯƠNG - KHẮC THỊNH