Nỗ lực cho mùa mới
(BDO) Năm 2023 là một năm khó khăn của ngành gỗ Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp (DN) Bình Dương. Nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất; thậm chí một số DN phải đóng cửa... Điều này khiến cho ngành xuất khẩu gỗ “lỗi hẹn” với mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra trong năm 2023.
Theo các chuyên gia, thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên, nhận định năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số khó khăn cho ngành. Bên cạnh các khó khăn về đầu ra khi ngành đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của ngành. Sắp tới DN gặp không ít thách thức là phải “xanh”. Bên cạnh đó, từ tháng 10-2023, theo quy định hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nếu vượt quá tiêu chuẩn, DN sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải”. Điều này đòi hỏi DN phải nỗ lực hơn...
Nói như vậy không phải là không có những điểm tựa cho niềm hy vọng mới. Bởi theo nhìn nhận của các chuyên gia hơn 10 năm nay ngành gỗ đã có những bước phát triển vượt bậc. Với nội lực của ngành, mục tiêu xuất khẩu năm 2024 có thể đạt được bởi đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, khi thị trường suy giảm, một mặt các DN gấp rút tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới. Ngành gỗ đang chứng kiến một đợt dịch chuyển mới. Các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng sự hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là thị trường các nước siêu giàu Trung Đông để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới.
Chính phủ đã và đang tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và quy định nhằm triển khai hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS) và thỏa thuận 301 (Hoa Kỳ)… Tất cả hứa hẹn một mùa mới thuận lợi hơn, phát triển hơn.
KHẢI ANH