Nỗ lực chi trả chế độ chính sách không dùng tiền mặt
(BDO) Với quyết tâm thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chính sách an sinh xã hội cho người có công và đối tượng bảo trợ xã hội, huyện Bắc Tân Uyên đã vận dụng nhiều cách làm linh hoạt, phù hợp với thực tế địa phương.
Đoàn viên thanh niên xã Tân Mỹ đến gia đình chính sách thăm, tặng quà, vận động nhận chi trả chế độ chính sách không dùng tiền mặt
Kiên trì vận động
Trước đây, để nhận tiền trợ cấp hàng tháng, bà Bùi Thị Khuyết, người khuyết tật nặng tại xã Tân Mỹ phải đến bưu điện để nhận tiền. Nay thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, bà Khuyết không cần đến bưu điện mà vẫn có thể nhận đầy đủ số tiền được hưởng qua tài khoản ngân hàng. Bà Khuyết cho biết: “Mấy tháng nay, vào ngày mùng 10 hàng tháng là tôi đều nhận được tiền trợ cấp qua tài khoản cá nhân. Tôi bị khuyết tật đi lại khó khăn, nên việc chi trả trợ cấp qua ngân hàng rất thuận tiện”.
Tuy nhiên hiện nay việc thực hiện chi trả chính sách không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên vẫn còn những rào cản nhất định. Nhiều người không mặn mà với hình thức này bởi người hưởng trợ cấp chủ yếu là người già, người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế tiếp cận internet, sử dụng thẻ ATM còn nhiều khó khăn. Một số người cho rằng, bản thân lớn tuổi không rành về công nghệ thông tin nên không biết sử dụng app của ngân hàng, ngại thao tác tại các trụ ATM, sợ bị lừa đảo qua mạng, hoặc điện thoại không kết nối với internet, không biết sử dụng điện thoại thông minh khi giao dịch… Bên cạnh đó, nhiều người có công không có con cháu ở cùng, không có người để ủy quyền tài khoản, do đó gặp trở ngại trong việc nhận tiền qua tài khoản ngân hàng.
Khắc phục những khó khăn này, ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Sau khi có chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chính sách, huyện đã tính toán kỹ lưỡng, thống nhất xây dựng kế hoạch để đưa ra hướng triển khai phù hợp, ưu tiên giải quyết những đối tượng đã đủ điều kiện nhận hỗ trợ và kiên trì vận động người dân không dùng tiền mặt”.
Ông Trần Văn Phương cho biết thêm huyện cũng nhanh chóng kết nối dữ liệu thông tin các đối tượng với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, xác thực định danh chính xác, tránh nhầm lẫn thông tin các đối tượng để bảo đảm việc chi trả tiền trợ cấp trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng, đủ, kịp thời và chính xác.
Cách làm linh hoạt
Thống kê toàn huyện hiện có 81,42% người có công và hơn 1.042 đối tượng bảo trợ xã hội đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt. Trong khi các đối tượng thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội rất rộng như người có công, người hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội, địa bàn phân bổ rộng nên việc thực hiện chi trả chế độ an sinh qua tài khoản cần có cách làm mới, linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế.
Để thực hiện chi trả chế độ ưu đãi qua tài khoản, các xã, thị trấn đã tiến hành rà soát, thu thập tài khoản và phối hợp với các đơn vị có liên quan mở tài khoản cho người có công, đối tượng xã hội. Theo bà Lê Huỳnh Lê, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bắc Tân Uyên, địa phương đã mời tất cả người có công nhận chế độ ưu đãi hàng tháng để triển khai việc chi trả qua tài khoản thay vì nhận tiền mặt như trước đây và giải thích rõ để mọi người hiểu. Phòng đã phối hợp với ngân hàng mở tài khoản và phát hành thẻ ATM cho người thụ hưởng.
Cũng theo bà Lê Huỳnh Lê, với người có công bảo đảm sức khỏe thì mở tài khoản chính chủ, các trường hợp đau ốm, già yếu, đi lại khó khăn thực hiện mở tài khoản thông qua người được ủy quyền hoặc chi trả bằng tiền mặt. Đoàn Thanh niên huyện cũng phối hợp hỗ trợ người có công khi mọi người đến rút tiền tại ATM hoặc tại ngân hàng.
KIM HÀ