Nợ công Mỹ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn
Giới đầu tư và người dân Mỹ đã thở phào nhẹ nhõm sau khi đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đạt được thỏa thuận về vấn đề nợ công. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo, nền kinh tế lớn nhất thế giới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn cho dù đã nâng được trần nợ, cũng như sẽ cắt giảm gần 1.000 tỷ USD chi tiêu chính phủ trong vòng 10 năm tới.
Trong tuyên bố đưa ra vào rạng sáng 1-8 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Barack Obama cho rằng, chính phủ đã đạt được thỏa thuận với các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ về cắt giảm thâm hụt ngân sách và nâng mức trần vay nợ quốc gia, cho phép Mỹ thoát khỏi tình trạng vỡ nợ và chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị tại Washington.
Tổng thống Barack Obama.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Harry Reid, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện cho biết, thỏa thuận này sẽ không làm tất cả các nghị sĩ của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ hài lòng, nhưng cả 2 đảng đều phải chịu chấp nhận "lùi 1 bước" để nước Mỹ không rơi vào vỡ nợ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, người luôn gây sức ép với Tổng thống Barack Obama về vấn đề cắt giảm thâm hụt ngân sách cho rằng, thỏa thuận trên là thành công của đảng Cộng hòa.
Ông Mitch McConnell khẳng định, nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử không phải tuyên bố vỡ nợ. Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố, đây không phải là thỏa thuận tốt đẹp nhất, còn Tổng thống Barack Obama cũng cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế Mỹ cho dù lưỡng đảng đã đạt được thỏa thuận về trần nợ.
Theo thỏa thuận mới đạt được, mức trần nợ quốc gia của Mỹ tăng lên thêm 2,4 nghìn tỉ USD, chia làm hai giai đoạn, đổi lấy việc cắt giảm chi tiêu 917 tỉ USD trong 10 năm tới, kèm theo chương trình giảm thâm hụt ngân sách 1,5 nghìn tỉ USD thông qua cải cách thuế và cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội.
Ngày 2-8 (theo giờ địa phương), Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật này, cho phép chính quyền của Tổng thống Barack Obama tiếp tục vay tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo, đang thiếu hụt tiền mặt nghiêm trọng và nếu mức trần nợ không được nâng lên trước ngày 2-8, chính phủ có thể trễ hạn thanh toán với các cựu chiến binh, các nhà thầu của chính phủ và những người nhận phúc lợi xã hội.
Tờ New York Times ngày 31-7 cho biết, Bộ Tài chính Mỹ đang đưa ra các kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp nước Mỹ bị vỡ nợ. Nhưng ngòi nổ đã được tháo vào phút 89.
Chỉ số chứng khoán của Nhật đã tăng 1,8%, chỉ số chứng khoán Mỹ và đồng USD cũng đã tăng một chút so với đồng yên Nhật và franc Thụy Sĩ. Giá vàng đã giảm hơn 1% (trên sàn Comex, giá vàng giao ngay giảm 0,8%, xuống còn 1.614 USD/ounce sau khi lên 1.632USD/ounce hôm 29-7), cho thấy các nhà đầu tư đã bắt đầu ngừng tích trữ sau thông tin kể trên.
Sáng 1-8, giá dầu thô giao tháng 9 trên sàn New York cũng tăng gần 1,6USD lên 97,29USD/thùng, giá lúa mì, ngô, đậu tương cũng đều tăng mạnh. Tuy nhiên, sáng 1-8, nhiều tờ báo hàng đầu của Mỹ như New York Times, Washington Post, USA Today… đã chỉ trích thỏa thuận cắt giảm chi tiêu và nâng trần nợ của chính phủ.
Theo những tờ báo kể trên, thỏa thuận vừa đạt được sẽ ảnh hưởng đến các chương trình dành cho tầng lớp trung lưu và người nghèo, cũng như cản trở đà phục hồi của nền kinh tế.
Theo CAND