Ninh Thuận áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm ứng phó với khô hạn
(BDO)
Hệ thống tưới nước tiết kiệm phun mưa cho vườn nho được người dân xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) áp dụng trong mùa khô hạn 2020.
Để giải bài toán thiếu nước sản xuất vào mùa khô hạn, nhiều nông hộ ở tỉnh Ninh Thuận đã chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên các loại cây trồng khác nhau nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong mùa khô hạn.
Trong lúc nhiều chủ vườn nho phải dừng sản xuất do khô hạn, vườn nho hơn 2 sào (2.000m2) trồng các giống nho đỏ Red Cardinal, nho NH 01-152 của gia đình chị Phạm Thị Lệ Dung (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) vẫn xanh mướt như không hề chịu tác động của nắng hạn mấy tháng qua.
Hiện tại, những giàn nho trĩu quả của gia đình chị Dung đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Chị Dung cho hay, trước đây, gia đình áp dụng cách tưới tràn rất lãng phí nước, vào mùa khô hạn nguồn nước khan hiếm nên chỉ bơm nước tưới cầm chừng để cứu cây nho chứ không thể sản xuất.
Qua tìm hiểu các cách tưới tiết kiệm, năm 2018 gia đình đã đầu tư gần 15 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới chôn ngầm dưới đất theo phương thức tưới phun mưa tự động. Nhờ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, gia đình yên tâm sản xuất trong mùa khô hạn.
Cách đó không xa, vừa cột dây những cành nho tươi tốt vươn ngọn trong nắng gió, anh Nguyễn Thành Quang (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) cho hay, nhà trồng 5 sào nho đỏ (5.000m2), những năm trước cứ vào mùa khô hạn nhiều cây nho lại bị chết khô do không đủ nước tưới.
Tháng 10/2019, anh Quang đầu tư gần 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa cho toàn bộ vườn nho. Nhờ đó, mùa khô năm nay gia đình không còn nỗi lo thiếu nước tưới.
[Tìm giải pháp chống hạn cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên]
Theo chia sẻ của anh Quang, tưới nước tiết kiệm giúp giữ được độ ẩm của đất theo nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây nho, cây không bị kiệt sức do thiếu nước tưới.
Bên cạnh đó, tưới tiết kiệm không gây ra hiện tượng úng cục bộ như tưới tràn, giúp bộ rễ cây nho phát triển khoẻ, có thể đưa phân bón trực tiếp vào nguồn nước tưới, giúp giảm thiểu lượng phân bón bị thất thoát do bốc hơi hoặc bị rửa trôi do tưới tràn quá nhiều.
Các nông hộ cho biết, chi phí đầu tư thiết bị tưới phun mưa cho 1 sào (1.000m2) từ 5-7 triệu đồng, tưới nhỏ giọt từ 10-12 triệu đồng.
Phương pháp tưới nước tiết kiệm không chỉ giúp cây trồng hấp thụ nước hiệu quả, các hộ cũng có thể tính toán được từng loại cây trồng sử dụng lượng nước bao nhiêu để cân đối nguồn nước tưới hợp lý.
Sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm còn giúp giảm được nguồn nhân công, tiết kiệm thời gian chăm sóc cây.
Nhờ hiệu quả mang lại, hiện nay cùng với áp dụng tưới tiết kiệm cho cây nho, nhiều nông hộ cũng đang nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm trên một số loại cây trồng như cây măng tây xanh, nha đam, hành, ngò, đậu phộng và một số cây hoa màu khác. Đặc biệt, nhờ áp dụng tưới nước tiết kiệm, bà con nông dân có thể mở rộng sản xuất trên các vùng đất cát bạc màu, góp phần hạn chế quá trình hoang mạc hóa đất đai.
Điển hình tại vùng đất cát ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, gia đình anh Từ Văn Phúc là một trong những hộ áp dụng khá hiệu quả mô hình tưới tiết kiệm trên cây măng tây xanh.
Những năm gần đây hạn hán xảy ra liên tục ở địa phương khiến nguồn nước khan hiếm, vào mùa Hè nhu cầu tưới tăng cao nên gia đình anh Phúc phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng lấy nước nhưng cũng vẫn thiếu nước tưới do mạch nước ngầm sụt giảm.
“Để có nước sản xuất cho 5 sào măng tây, năm 2018, gia đình đầu tư gần 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa tự động và tưới nhỏ giọt. Tưới tiết kiệm chỉ cần xả van tưới tự động là xong, thời gian rảnh mình đi làm các công việc khác. Do lượng nước tưới tự động được điều tiết đủ để giữ ẩm cho cây măng tây mà nước lại không bị thất thoát chảy tràn ra ngoài nên tiết kiệm được một lượng nước khá lớn,” anh Phúc chia sẻ.
Để tiết kiệm nước, hiện nay, các hộ dân đang áp dụng hai cách tưới tiết kiệm là tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt. Hệ thống tưới nước tiết kiệm được lắp đặt khá đơn giản gồm máy bơm, bồn nước, đường ống lắp van điều tiết đặt khắp vườn.
Theo tính toán, tưới tiết kiệm giúp tiết giảm từ 20-40%, thậm chí với một số loại cây trồng có thể tiết kiệm được 60-70% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống.
Ngoài ra, có thể kết hợp bón phân, thuốc bảo vệ thực vật qua hệ thống tưới, giúp giảm chi phí sản xuất.
Theo ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận, việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng và áp dụng công nghệ tưới tiên tiến là một trong những giải pháp khả thi nhằm sử dụng nguồn nước tưới hợp lý và hiệu quả trước ảnh hưởng của thời tiết khô hạn năm nay.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.500ha đất sản xuất gồm cây nho, táo, mía, mãng cầu, bưởi, mít, cây rau màu, cỏ chăn nuôi áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm.
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm vào sản xuất được các cơ quan chuyên môn đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách tưới truyền thống.
Để ứng phó với tình trạng khan hiếm nguồn nước tưới vào mùa khô, ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích và sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật lắp đặt mô hình tưới nước tiết kiệm trên diện tích các loại cây trồng khác nhau.
Có thể thấy, hệ thống tưới tự động đang có những ưu điểm vượt trội hơn với phương pháp tưới truyền thống.
Tuy nhiên, không phải ai cũng mạnh dạn để lựa chọn và đầu tư một hệ thống tưới nước tiết kiệm. Số đông bà con vẫn chưa đủ điều kiện đưa công nghệ này vào sản xuất.
Để khuyến khích các nông hộ mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, tỉnh Ninh Thuận cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi về vốn để đầu tư và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho các loại cây trồng.
Bên cạnh đó, ngành chức năng phối hợp với các đơn vị cung ứng vật tư, thiết bị tưới nước tiết kiệm tăng cường các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Từ đó, các mô hình tưới nước tiết kiệm sẽ được nhân rộng, góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất ở vùng đất vốn xảy ra tình trạng khô hạn thường xuyên như Ninh Thuận./.
(Theo TTXVN/Vietnam+)