Nigeria: Ngôi làng nơi đàn ông và phụ nữ nói 2 ngôn ngữ khác nhau
(BDO)
Trẻ em trai và trẻ em gái ở làng Ubang, Nigeria. (Nguồn: odditycentral.com)
Người ta thường nói “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” để ngụ ý rằng nam giới và nữ giới có cá tính, năng lực, bản lĩnh,...hoàn toàn khác nhau.
Tuy nhiên tại Ubang, một ngôi làng độc đáo tại Nigeria, điều này còn được thể hiện vô cùng rõ ràng khi đàn ông và phụ nữ nói bằng 2 ngôn ngữ riêng biệt.
Cụ thể, cùng một món đồ, phụ nữ và đàn ông ở làng sẽ dùng các từ khác hẳn nhau. Ví dụ, đối với từ “quần áo,” nam giới sử dụng từ “nki,” trong khi nữ giới nói “ariga;” “Kitchi” có nghĩa là cây dành cho đàn ông, trong khi phụ nữ nói “okweng.”
Đây không chỉ là một số khác biệt nhỏ về cách phát âm, mà là các từ hoàn toàn khác nhau. Điều thú vị là sự khác biệt này đã tồn tại trong thời gian dài nên ai cũng có thể nhớ và hiểu được.
Nhà nhân chủng học Chi Chi Undie nói với BBC: “Có rất nhiều từ mà đàn ông và phụ nữ nói chung nhưng cũng có những từ khác nhau hoàn toàn dành cho 2 giới tính. Những từ này về căn bản là hai từ vựng hoàn toàn khác nhau, phát âm không giống nhau và các chữ cái cũng không giống nhau.”
Điều thú vị là ở làng Ubang, cả đàn ông và phụ nữ đều hiểu các từ của nhau. Các bé trai và bé gái được dạy cho cả hai ngôn ngữ. Tuy nhiên, các bé trai được kỳ vọng sẽ chỉ sử dụng ngôn ngữ riêng liên quan tới giới tính của mình khi lên 10 tuổi.
Tộc trưởng Oliver Ibang nói: “Sẽ có những lúc đàn ông sử dụng nhầm sang ngôn ngữ của phụ nữ, nhưng sẽ không ai nhắc anh ấy về việc phải sửa lỗi. Chỉ khi đàn ông sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ liên quan tới giới tính của mình, lúc ấy anh ta mới được xem là trưởng thành."
Không ai thực sự biết làm thế nào hoặc tại sao làng Ubang lại có truyền thống dùng 2 ngôn ngữ, nhưng hầu hết người dân địa phương đều tin vào một truyền thuyết tôn giáo.
Theo đó, Chúa tạo ra Adam và Eve là người Ubang và ban cho họ hai ngôn ngữ khác nhau. Chúa dự định sẽ ban cho mỗi nhóm dân tộc hai ngôn ngữ theo cách này, nhưng nhận ra rằng sẽ không có đủ ngôn ngữ để chia cho cả thế giới. Vì vậy Chúa chỉ làm điều này với Ubang và khiến ngôi làng trở nên khác biệt.
Nhà nhân chủng học Chi Chi Undie tin rằng hai ngôn ngữ này là kết quả của “văn hóa hai giới tính,” nơi đàn ông và phụ nữ hoạt động trong hai lĩnh vực riêng biệt và sống trong những thế giới riêng biệt hiếm khi liên quan tới nhau. Tuy nhiên, cô thừa nhận đây là một lý thuyết yếu.
Ngày nay, khi tiếng Anh trở nên ngày càng phổ cập cho những người trẻ tuổi ở Nigeria, hai ngôn ngữ của Ubang có nguy cơ bị mất vĩnh viễn. Ngoài ra, các ngôn ngữ này chỉ được dạy theo phương thức truyền miệng. Vì vậy, nếu muốn bảo tồn truyền thống độc đáo này, tất cả đều phụ thuộc vào lớp trẻ hiện tại của Ubang, về việc họ có muốn bảo tồn truyền thống văn hóa hay không./.
Theo TTXVN