Niềm tin y đức
Cách đây tròn 60 năm, ngày 27-2-1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến hội nghị cán bộ ngành y tế. Bức thư có nhiều nội dung quan trọng, nhưng Bác nhấn mạnh ba nội dung chính, đó là: Phải thật thà đoàn kết, thương yêu người bệnh và xây dựng nền y học nước nhà. Đây được ví như lời thề Hypocrat của ngành y tế Việt Nam.
(BDO)
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm qua, cán bộ, y bác sĩ, nhân viên của ngành y tế đã nỗ lực cống hiến, thể hiện y đức của người thầy thuốc, hết lòng cứu chữa người bệnh. 60 năm qua cũng là quãng thời gian thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của ngành y tế nước nhà theo hướng ngày càng hiện đại hơn, xứng đáng với sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện tốt lời dạy của Bác: “Lương y như từ mẫu” - thầy thuốc như mẹ hiền.
Từ xưa đến nay, cùng với người thầy giáo, người thầy thuốc luôn được xã hội đề cao và tôn trọng. Đã có biết bao tấm gương thầy thuốc giỏi y thuật, giàu y đức tận tụy cứu chữa, chăm sóc người bệnh, coi nỗi đau của người bệnh như chính nỗi đau của mình. Niềm tin của người bệnh đối với người thầy thuốc là vô hạn.
Truyền thống nền y học nước ta vốn đề cao y đức. Trong số các bậc danh y, Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của người mà không cầu danh lợi, kể công. Thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng của con người, tử sinh họa phúc đều ở tay mình quyết định”. Tư tưởng, quan niệm của vị y tổ về y đức đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trong xã hội, nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp. Nghề y là trị bệnh cứu người vì vậy lại càng coi trọng y đức. Phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc thể hiện ở thái độ phục vụ, chăm sóc sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh số đông đội ngũ thấy thuốc luôn tận tâm với nghề, nêu cao y đức, thì vẫn còn đó “những con sâu làm rầu nồi canh”. Đó là những người thầy thuốc thờ ơ, lạnh nhạt với người bệnh, bác sĩ “bắt tay” với nhà thuốc kê đơn giá cao để móc túi người bệnh, nạn phong bì… Những điều này đã phần nào làm giảm sút niềm tin của người bệnh nói riêng và của nhân dân.
Thiết nghĩ, ngoài việc chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục y đức, thì Đảng và Nhà nước cần có sự quan tâm về chính sách đãi ngộ thỏa đáng, chăm lo đời sống cán bộ, y bác sĩ, nhân viên ngành y tế cả vật chất lẫn tinh thần. Làm thế nào để đội ngũ những người thầy thuốc yên tâm sống với nghề và đem hết sức mình cống hiến, phục vụ người bệnh, góp phần nâng cao y đức, xứng đáng là thầy thuốc như mẹ hiền…
NHẬT HUY