Ni trưởng Thích nữ Pháp Như: “Lễ tưởng niệm Thánh tổ Ni đại Ái đạo nhằm tôn vinh công hạnh và ân đức của bậc Thánh tổ Ni”
(BDO) Trong 2 ngày 2 và 3-3-2017, Phân ban Ni giới tỉnh Bình Dương đăng cai tổ chức (cấp toàn quốc) Lễ tưởng niệm Thánh tổ Ni đại Ái đạo - vị Ni đầu tiên của Ni đoàn dưới thời Đức Phật. Nhân dịp này, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với Ni trưởng Thích nữ Pháp Như, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh, Phó Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh về chương trình lễ này.
- Thưa Ni trưởng, ý nghĩa của lễ này như thế nào?
- Hàng năm, cứ đến ngày 6-2 (âm lịch) thì Ni chúng các ngôi chùa Ni, tổ chức lễ tưởng niệm Thánh tổ Ni đại Ái đạo (Kiều Đàm Di Mẫu) rất trang trọng nhằm tôn vinh công hạnh của ngài. Đây cũng là việc để mọi người nhớ đến Thánh tổ Ni đại Ái đạo như một ân sư, như người mẹ hiền. Năm nay, Bình Dương được Ban Ni giới Trung ương GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đồng ý chọn là đơn vị đăng cai đại lễ này.
Các hoạt động Phật sự trong 2 ngày lễ nhằm tôn vinh công đức, đạo hạnh của Thánh tổNi đại Ái đạo cũng như học tập những tấm gương cao quý của chư vị Trưởng lão Ni giới Phật giáo Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Thông qua đó còn khẳng định Ni giới luôn được sự quan tâm từ lúc Đức Phật còn tại thế và hôm nay được Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương, Phân ban Ni giới Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND tỉnh, Ban Tôn giáo Sở nội vụ tỉnh, các ngành chức năng tỉnh và địa phương sở tại đã tạo điều kiện tốt nhất để Ni giới GHPGVN tổ chức, thực hiện nhiều công tác Phật sự trọng đại. Đặc biệt là hỗ trợ của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh để kiện toàn công tác tổ chức.
Ni trưởng Thích nữ Pháp Như (bìa trái) cùng Ni giới Bình Dương luôn quan tâm đến công tác từ thiện xã hội
- Ni trưởng cho biết về công tác chuẩn bị cho đại lễ cũng như những chương trình chính?
- Sau khi có quyết định về việc đăng cai tổ chức đại lễ này, Phan ban Ni giới tỉnh đã họp rất nhiều lần, xin ý kiến của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Phân ban Ni giới Trung ương, sự hỗ trợ của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể... để phân công công việc cụ thể cho từng ban thực hiện. Đến nay, mọi việc đã hoàn thành theo tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau để hoàn thành 2 ngày đại lễ với dự kiến khoảng hơn 1.000 người tham dự. Các hoạt động chính có thể kể đến như: Tọa đàm với chủ đề “Lịch sử hình thành và phát triển Ni giới”. Ngoài ra, còn có đêm hoa đăng; văn nghệ; phát quà cho người nghèo…
- Thưa Ni trưởng, đóng góp của Ni giới Bình Dương cho Phật giáo nói riêng và xã hội nói chung trong thời gian qua như thế nào?
- Trong các nhiệm kỳ qua, Phân ban Ni giới luôn có những đóng góp tích cực cho GHPGVN Trung ương, địa phương cũng như góp phần ổn định kinh tế, xã hội. Bằng những việc làm cụ thể, nhiều chùa Ni là trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, tổ chức lớp học tình thương, nấu cơm chay miễn phí cho bệnh nhân nghèo… Những hoạt động thường xuyên của Ni giới có thể kể đến như cứu trợ người dân trong và ngoài nước gặp thiên tai, tặng sách, vở, học bổng, xe đạp cho học sinh nghèo đến trường. Hàng chục tỷ đồng được Ni giới vận động từ các nhà hảo tâm để làm từ thiện trong những năm qua cũng là cố gắng rất lớn của Ni chúng cho công tác an sinh xã hội. Thời gian tới, Ni giới Bình Dương tiếp tục tu tập, đoàn kết, phụng sự đạo pháp, phụng sự dân tộc. Với tinh thần ban vui cứu khổ, từ bi hỷ xả của người con Phật, chúng tôi sẽ góp công sức giúp mọi người ngày một an lạc, hạnh phúc hơn nữa.
- Xin cảm ơn Ni trưởng!
Sau nhiều lần tổ chức, Lễ tưởng niệm Thánh tổ Ni đại Ái đạo đã trở thành một lễ hội văn hóa của Ni giới, hội đủ chư Ni cả nước thuộc các hệ phái. Sự kiện trọng đại này góp phần tăng thêm sức mạnh đoàn kết, trưởng dưỡng đạo tâm tăng cường đạo lực trong năng lượng tu tập, nhất là củng cố nề nếp, đạo phong đạo hạnh, thực hành Giới học, Định học, Tuệ học của Ni giới Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Lễ tưởng niệm năm nay còn có buổi tọa đàm với chủ đề “Lịch sử hình thành và phát triển Ni giới” với các bài tham luận nội dung tập trung như: Vai trò và sự đóng góp của Thánh tổNi đại Ái đạo trong việc thành lập Ni giới; Sự hình thành và phát triển của Ni giới Việt Nam trong những thế kỷ đầu Phật giáo du nhập vào Việt Nam; Vai trò của Ni giới Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo; Những đóng góp của Ni giới từ ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay; Ni giới trong vai trò sự nghiệp giáo dục; Sự đóng góp của Ni giới trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, hoằng pháp, từ thiện - xã hội...
QUỲNH NHƯ (thực hiện)