Những vườn cây đặc sản giữa lòng thành phố
(BDO) Từ lâu, TP.Thuận An đã nổi tiếng với những vườn cây măng cụt trăm năm tuổi. Trước diện tích vườn cây ăn trái ngày càng thu hẹp, các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân nhằm gìn giữ vườn cây “di sản” này, đồng thời giữ gìn thương hiệu “Măng cụt Lái Thiêu”...
Ông Nguyễn Tâm Phúc bên “cụ” măng cụt hơn 150 tuổi trong vườn nhà
Nghĩa tình với “cụ măng”
Từ sự giới thiệu của Hội Nông dân phường An Thạnh, chúng tôi tìm đến vườn măng cụt của ông Nguyễn Tâm Phúc (52 tuổi, khu phố Thạnh Phú). Đi sâu vào những con đường “xương cá” trong vườn cây rộng 2,7 ha, chúng tôi choáng ngợp trước những “cụ” măng, thân sần sùi to phải đến hai người ôm của gia đình ông Phúc. Hiện gia đình ông Phúc có 30 cây măng cụt trên 70 tuổi và 5 cây đã hơn 100 tuổi. Chỉ tay vào những cây măng cụt sừng sững phủ bóng mát rượi, ông Phúc kể: “Vườn măng này được ông bà trồng vào khoảng những năm 1950. Tôi nghe gia đình kể lại rằng không ít lần bom đạn rơi vào vườn măng khiến nhiều cây bị chết cháy hoặc gãy ngã. Quân địch rút, ông bà quay trở lại chăm sóc vườn cây. Cây nào chết thì ông bà lại trồng dặm cây mới. Nhờ có vườn măng này mà gia đình tôi vượt qua những năm kinh tế khó khăn. Vì vậy, gia đình tôi quý từng gốc măng”.
Theo ông Phúc, nhờ những chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương, năng suất của vườn măng cụt được cải thiện hơn so với trước đây. Sau khi trừ các chi phí, gia đình ông “bỏ túi” khoảng vài chục triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, so với trước đây, thu nhập của gia đình ông Phúc từ vườn măng cụt đã giảm đáng kể. Trong khi đó, việc chăm sóc măng cụt ra trái ngày càng khó khiến nhiều chủ vườn không còn “kiên nhẫn” phải chặt bỏ trồng cây khác hoặc xây nhà trọ cho thuê. Tuy vậy, ông Phúc cho biết vẫn quyết tâm giữ lấy vườn măng này.
Tạm biệt ông Phúc, chúng tôi đến thăm vườn cây trái rộng 1ha của ông Nguyễn Văn Sáng (ngụ khu phố Bình Phước, phường Bình Nhâm). Từ lâu, khu vườn này được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tham quan và học tập kinh nghiệm làm vườn. Với thu nhập 1 năm vài trăm triệu đồng trên mảnh đất “vàng” này, có người bảo với ông rằng: “Sao mà cực khổ tự nhốt mình với tấm áo luôn ướt đẫm mồ hôi, tay chân lấm lem bùn đất. Ông chỉ cần bỏ ra vài trăm mét đất, xây chục ki-ốt cho thuê đã là ngồi không mà hưởng”. Thế nhưng, ông Sáng lại có một cách nhìn khác: “Tiền không mua được cây, tôi không nhiều tiền nhưng cũng không thiếu tiền. Mỗi ngày tôi đi một vòng trong vườn hái chanh, chuối, rau lá lốt đã bán hơn 300.000 đồng. Như vậy mỗi tháng đã hơn 10 triệu đồng, vợ chồng tôi đã đủ sống. Con cái đã lớn, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Tôi sẽ giữ lại không gian xanh giữa lòng đô thị có vạn người mê, có tiền không thể mua được” .
Nhiều chính sách hỗ trợ
Hiện nay, TP.Thuận An có diện tích vườn cây ăn trái hơn 1.000 ha, trong đó số lượng cây măng cụt trên 50 năm tuổi chiếm 11% số lượng cây măng cụt trên địa bàn. Thế nhưng, trong những năm qua, vườn cây ăn trái đã có biểu hiện sụt giảm về năng suất, chất lượng. Theo nhiều chủ vườn, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do tình hình thời tiết trong những năm gần đây thay đổi bất thường. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp đã khiến môi trường đất, nước bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây ăn trái, nhất là loại cây “khó tính” như măng cụt. Kết quả là măng cụt ra trái không nhiều cùng với việc thương hiệu “Măng cụt Lái Thiêu” đang bị măng cụt của địa phương khác cạnh tranh về giá bán dẫn đến thu nhập của nông dân giảm đáng kể. Từ đó, người dân cũng ngại đầu tư vào vườn cây.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh và TP.Thuận An đã đưa ra một số chương trình và chính sách hỗ trợ vườn cây ăn quả đặc sản, trong đó có măng cụt. Gần đây nhất là Quyết định số 63/2016/QĐ- UBND ngày 20-12-2016 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển vườn cây giai đoạn 2017-2021. Ông Trương Công Thạch, Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Thuận An cho biết, nhờ chính sách hỗ trợ trên đã giúp nông dân ý thức được trách nhiệm với vườn cây ăn trái đặc sản truyền thống; đáp ứng được sự mong đợi của nhiều hộ dân có vườn cây và góp phần phục hồi vườn cây, cải thiện được đời sống cho nông dân.
Theo ông Thạch, ngoài chính sách trên, UBND tỉnh và TP.Thuận An còn nghiên cứu tìm biện pháp để cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng để giữ được vườn cây và tăng thu nhập cho nông dân. Hàng năm, địa phương đều có kế hoạch tổ chức nạo vét, khai thông dòng chảy các hệ thống thoát nước để chủ động việc tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn, giữ ngọt. Bên cạnh đó, các ngành chức năng còn đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân để sản xuất trái cây đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Song song đó, TP.Thuận An cũng thực hiện đồng bộ 4 khâu sản xuất, thu mua, chế biến - bảo quản và tiêu thụ với chương trình liên kết “bốn nhà”. Trong đó vai trò của Nhà nước là “cầu nối” để liên kết các nhà còn lại. Đồng thời, UBND thành phố còn có chính sách hỗ trợ vốn cho nhà nông, doanh nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; thông tin rộng rãi và kịp thời những giống tốt, chất lượng cao và địa chỉ cung ứng giống cho các nhà vườn; tổ chức phát động phong trào sản xuất để thu hút nông dân các xã, phường ven sông Sài Gòn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào vườn cây và tham gia đăng ký xây dựng phát triển thương hiệu “Măng cụt Lái Thiêu” để tăng giá trị sản phẩm trái cây đặc sản Thuận An và giữ vững top 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam bầu chọn tháng 8-2012.
UBND TP.Thuận An cũng đã giao cho Hội Nông dân thành phố sở hữu, quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” nhằm bảo tồn và làm tăng giá trị trái măng cụt Lái Thiêu; duy trì, củng cố Câu lạc bộ “Chăm sóc cây ăn trái chất lượng cao” tại xã An Sơn. Bước đầu, câu lạc bộ hoạt động đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên và góp phần duy trì vườn cây ăn trái đặc sản. Hội Nông dân còn hỗ trợ các hội viên triển khai thực hiện mô hình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây măng cụt. Ngoài ra, UBND TP.Thuận An còn phối hợp với các ban ngành chức năng quy hoạch phát triển du lịch vườn cây Lái Thiêu mang tính đồng bộ và tập trung quy hoạch chi tiết khu du lịch Cầu Ngang là trung tâm khu du lịch sinh thái.
Thời gian qua, UBND TP.Thuận An đã chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện cho Hội Nông dân thành phố phối hợp triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ vườn cây ăn trái, giúp nông dân tăng thu nhập. Từ năm 2017 đến 2019, UBND TP.Thuận An đã hỗ trợ gần 13 tỷ đồng cho chủ vườn cây cải tạo, chăm sóc vườn cây ăn trái trên địa bàn. Bên cạnh đó, hệ thống kênh rạch đã thông thoáng hơn, các mương vườn của hộ dân không còn ngập úng trong thời gian quá 24 giờ/ngày. Từ đó, các loại cây ăn trái bắt đầu có dấu hiệu phục hồi dần, sâu bệnh hạn chế xuất hiện trên cây và năng suất dần cải thiện. Cụ thể vào năm 2017, 1ha măng cụt trung bình chỉ thu hoạch trái được khoảng 27 tạ nhưng đến năm 2019 thu được 36,5 tạ. |
QUANG TÁM – N.HẬU