Những vùng đất nở hoa... – Bài cuối
(BDO) Bài cuối: Phú Cường - “Vườn hoa Ba Đình” năm ấy
Trong những ngày tháng Tám lịch sử này, chúng tôi tìm đến phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một - nơi cách đây 72 năm, quảng trường trước nhà việc Phú Cường đã trở thành “vườn hoa Ba Đình” của tỉnh. Rạng sáng ngày 25-8-1945, gần 3 vạn đồng bào từ các huyện rầm rập tiến về tỉnh lỵ cùng với 2 vạn dân ở TX.Thủ Dầu Một để giành chính quyền với rừng cờ đỏ sao vàng tung bay dọc theo hai phố chợ Thủ, xóa bỏ chính quyền do phát xít Nhật, lập ra chính quyền cách mạng của giai cấp công - nông.
Khí thế cách mạng triều dâng
“Tung bay là tung bay cờ đỏ sao vàng/...Muôn năm Hồ Chí Minh...” (Bài ca Lá cờ tháng Tám của nhạc sĩ Phan Thanh Nam). 72 năm qua, mỗi khi thu về, lòng mỗi người dân đất Việt nói chung và người dân Thủ Dầu Một - Bình Dương nói riêng lại bồi hồi nhớ về mùa thu lịch sử tháng 8-1945. Hòa chung rừng cờ trong nắng Ba Đình, tại nhà việc Phú Cường, cờ (cờ của lực lượng Thanh niên Tiền phong (TNTP) lúc bấy giờ) và cờ đỏ sao vàng cũng phấp phới tung bay. Nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, phong kiến; cùng cả nước đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi hoàn toàn, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…
Vòng xoay ngã sáu, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: P.V
Trở lại dòng lịch sử cách đây 72 năm, ngày 25-8-1945, tại tỉnh Thủ Dầu Một đã diễn ra một cuộc biểu dương lực lượng của 5 vạn đồng bào để giành chính quyền. Trong đó có 3 vạn đồng bào từ các huyện và 2 vạn đồng bào ở nội ô thị xã. Dọc theo hai bên phố chợ Thủ, rừng cờ vàng sao đỏ và cờ đỏ sao vàng tung bay. Mọi người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Chính quyền về tay Việt Minh”; “Việt Nam độc lập muôn năm”; “Đả đảo chính quyền Nguyễn Văn Sâm”… 5 vạn đồng bào, cùng lực lượng vũ trang đã hợp thành sức mạnh tổng hợp trong cuộc tổng khởi nghĩa.
Sau đó tại nhà việc Phú Cường, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban Khởi nghĩa tỉnh đã đọc diễn văn nêu rõ: “Từ nay, xóa bỏ chính quyền do phát xít Nhật dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công- nông…”. Sau cuộc mít tinh, 5 vạn đồng bào tiếp tục diễu hành trên khắp đường phố, hô vang khẩu hiệu cách mạng, phân công chiếm công sở, cơ quan còn lại của địch, bắt tay sai phản động. Đến 2 giờ chiều cùng ngày, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Thủ Dầu Một kết thúc thắng lợi cùng với nhân dân Sài Gòn và một số tỉnh khác.
Nói về sự kiện lịch sử này, ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), nguyên Tỉnh đội trưởng, Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một, cho biết ở tỉnh Thủ Dầu Một, không khí chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra sôi nổi trong tháng 7 và đầu tháng 8. Tỉnh ủy chủ trương sử dụng lực lượng TNTP, Đội tự vệ làm nòng cốt vũ trang để tạo thế lực bảo vệ cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Ngày 17 và 18-8-1945, Xứ ủy Nam kỳ quyết định khởi nghĩa. Đêm 23-8-1945, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã họp mở rộng tại chợ Bưng Cầu (phường Hiệp An) để kiểm điểm lực lượng, phân công cán bộ, lập ra Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Văn Công Khai làm Trưởng ban. Tại cuộc họp, Tỉnh ủy cũng quyết định dời sở chỉ huy về ngã ba Lò Chén (Chánh Nghĩa) để thuận tiện việc chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh lỵ.
Trở lại dòng lịch sử cách đây 72 năm, ngày 25-8-1945, tại tỉnh Thủ Dầu Một đã diễn ra một cuộc biểu dương lực lượng của 5 vạn đồng bào để giành chính quyền. Trong đó có 3 vạn đồng bào từ các huyện và 2 vạn đồng bào ở nội ô thị xã. Dọc theo hai bên phố chợ Thủ, rừng cờ vàng sao đỏ và cờ đỏ sao vàng tung bay. Mọi người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Chính quyền về tay Việt Minh”; “Việt Nam độc lập muôn năm”; “Đả đảo chính quyền Nguyễn Văn Sâm”… 5 vạn đồng bào, cùng lực lượng vũ trang đã hợp thành sức mạnh tổng hợp trong cuộc tổng khởi nghĩa. |
Trong những ngày 23 và 24-8, trên thực tế các lực lượng cách mạng đã làm chủ tình hình. Lính bảo an, cộng hòa không dám ra khỏi đồn bót, lính Nhật ở thành Xăn Đá và sân bay Phú Hòa cũng không dám đàn áp. Khí thế cách mạng như triều dâng nước đổ. Khắp nơi trong tỉnh, cán bộ xuống tận xã vận động nhân dân nổi dậy cướp chính quyền.
Đến chiều ngày 24-8, một tổ tự vệ đã cắm cờ trên Dinh Chánh Tham biện. Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh và đồng chí Văn Công Khai đã đến nhà việc Phú Cường để chỉ huy khởi nghĩa. Đêm 24 rạng sáng ngày 25-8, lực lượng tự vệ của công nhân cao su và các huyện trong tỉnh tiến về tỉnh lỵ, chia thành nhiều bộ phận đóng ở các nơi để hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa. Cùng với các đội tự vệ khởi nghĩa cướp chính quyền, các đoàn thể quần chúng gấp rút sắp xếp tổ chức, đội hình, phân công bảo vệ thôn xóm, đường phố. Nhân dân thức thâu đêm may cờ đỏ sao vàng, dán khẩu hiệu chuẩn bị cho thời khắc hành động vào ngày hôm sau...
Cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Thủ Dầu Một thắng lợi, góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng tại địa phương. Đây là thắng lợi của cả một quá trình trui rèn ý chí cách mạng, kiên cường đấu tranh, bất chấp hy sinh của các tổ chức, lực lượng quần chúng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một; là thắng lợi của khối đoàn kết toàn dân, trên cơ sở liên minh công - nông dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng.
Phát huy truyền thống
Trong những ngày tháng 8 lịch sử này, chúng tôi tìm đến phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một - nơi mà cách đây 72 năm, quảng trường trước nhà việc Phú Cường đã trở thành “vườn hoa Ba Đình” của tỉnh. Ở đây vẫn nhộn nhịp với phố ngân hàng, tiệm vàng, trung tâm thương mại… và rất nhiều địa điểm văn hóa, lịch sử, thu hút một lượng lớn khách thập phương vào những dịp lễ, tết hàng năm. Đặc biệt, chợ Thủ - một trong những chợ buôn bán sầm uất của huyện Bình An (thời triều Nguyễn), đến nay vẫn giữ được nét độc đáo vốn có.
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Phú Cường cho biết, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Phú Cường luôn đoàn kết, thống nhất một lòng, chung tay xây dựng và phát triển đô thị để xứng tầm là phường trung tâm của TP.Thủ Dầu Một. Trong đó, công tác quy hoạch xây dựng và chỉnh trang đô thị được đặc biệt quan tâm. Hệ thống đường giao thông trên địa bàn đã được đầu tư hoàn chỉnh, các dự án phát triển đô thị đang được thi công. Và sau khi các tuyến đường được chỉnh trang, nâng cấp, nhà ở và các công trình xây dựng của nhân dân cũng ngày càng khang trang, làm thay đổi diện mạo đô thị của phường.
Đặc biệt, hiện nay phường Phú Cường đang tập trung thực hiện Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”. Theo đó, Đảng ủy, UBND phường đã đề ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông và chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Qua triển khai thực hiện, tình hình mua bán, lấn chiếm lòng, lề đường đã được chấn chỉnh; trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường, khu vực chợ được bảo đảm, góp phần xây dựng đô thị văn minh.
“Phát huy truyền thống cách mạng, để xứng đáng là phường trung tâm của TP.Thủ Dầu Một, phường Phú Cường đang tập trung thực hiện chương trình hành động vềxây dựng vàphát triển giai đoạn 2015-2020; trong đó nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Để thực hiện tốt chương trình, chúng tôi tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, góp phần cùng thành phố và cả tỉnh đi lên đô thị văn minh, hiện đại…”, ông Nguyễn Văn Sang cho biết thêm.
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Phú Cường luôn đoàn kết, thống nhất một lòng, chung tay xây dựng và phát triển đô thị để xứng tầm là phường trung tâm của TP.Thủ Dầu Một. Trong đó, công tác quy hoạch xây dựng và chỉnh trang đô thị được đặc biệt quan tâm. Hệ thống đường giao thông trên địa bàn đã được đầu tư hoàn chỉnh, các dự án phát triển đô thị đang được thi công. Và sau khi các tuyến đường được chỉnh trang, nâng cấp, nhà ở và các công trình xây dựng của nhân dân cũng ngày càng khang trang, làm thay đổi diện mạo đô thị của phường.
(Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một)
THU THẢO