Những vùng đất nở hoa…Bài 4
Bài 4: Tương Bình Hiệp chuyển mình
(BDO)
Những tháng năm đấu tranh cách mạng, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) sẽ mãi mãi là nét son hào hùng trong lịch sử của địa phương và đất nước. Truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết chính là niềm tự hào, là tài sản vô giá của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Và hôm nay đây, phát huy truyền thống ấy, Đảng bộ và nhân dân phường Tương Bình Hiệp vẫn đang chung sức, chung lòng xây dựng vùng đất này phát triển theo hướng văn minh, hiện đại…
Tháng 10-2006, Lò lu Đại Hưng đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Ảnh: T.THẢO
Vùng đất tinh hoa…
Đi từ đại lộ Bình Dương rẽ vào con đường Hồ Văn Cống, ai cũng có thể bắt đầu cảm nhận được một bức tranh sinh động về vùng đất Tương Bình Hiệp hiền hòa đang mở ra. Dù đang trên đà phát triển với nhiều công trình trọng điểm mọc lên, những cánh đồng năm xưa giờ thay vào đó là những ngôi nhà mái ngói đỏ thắm khang trang khiến những người đi qua không khỏi trầm trồ, nhưng Tương Bình Hiệp vẫn mang đậm nét dấu ấn của truyền thống.
Điểm nhấn đầu tiên của vùng đất này chính là làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Dọc hai bên đường vào làng nghề là những cơ sở sản xuất, kinh doanh sơn mài. Những nghệ nhân nơi đây cho biết, làng nghề truyền thống này đã được kế tục và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước về chất lượng và độ tinh xảo, bền đẹp, nhẹ nhàng và thanh thoát. Thập niên 1980-1990 được xem là thời vàng son của làng nghề.
Trải qua nhiều thế hệ, sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đậm đà phong cách Á Đông. Sơn mài Tương Bình Hiệp không chỉ là hàng hóa mỹ nghệ đơn thuần mà đã có rất nhiều sản phẩm đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật. Những nghệ nhân của làng nghề cho biết, một điều đặc biệt khiến sơn mài Tương Bình Hiệp nổi tiếng chính là chịu đựng được khí hậu vùng hàn đới châu Âu, không bị bong nứt hoặc biến dạng. Dù không còn ở thời vàng son và trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, mãi là niềm tự hào của người dân Tương Bình Hiệp.
Không chỉ nổi tiếng với nghề sơn mài, địa danh Tương Bình Hiệp còn gắn liền với những nghề truyền thống như nghề gốm, mộc, chạm… Và Lò lu Đại Hưng chuyên sản xuất lu, khạp nằm ở ấp 1 hơn 150 tuổi là một điển hình. Lò lu Đại Hưng vẫn giữ được những phương thức sản xuất theo lối thủ công truyền thống, đó là cách nặn gốm bằng tay, chất đốt bằng củi, màu sắc cổ điển, nguyên vật liệu khai thác tại địa phương… Cơ sở này hiện đã được tỉnh Bình Dương giữ lại để bảo tồn nghề truyền thống. Tháng 10-2006, lò lu Đại Hưng đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Người có công giữ được lò lu Đại Hưng và bảo tồn, phát triển nghề là ông Bùi Văn Giang (Tám Giang), người chủ thứ 5, tới nay ông đã có hơn 25 năm gắn bó, quản lý cơ sở gốm truyền thống này.
Vùng đất anh hùng
Tương Bình Hiệp xưa nay hiền hòa là vậy. Người dân Tương Bình Hiệp chăm chỉ làm ăn, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau nhưng cũng luôn sôi sục tinh thần cách mạng. Khi đất nước còn nằm trong vòng nô lệ, lầm than, dưới ách thống trị của thực dân và đế quốc, với chính sách ngu dân, chia để trị, chúng đã đàn áp và bóc lột nhân dân hết sức dã man. Vì vậy, nhân dân Tương Bình Hiệp đã đứng lên chiến đấu ngoan cường. Những tháng năm đấu tranh kiên cường với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân Tương Bình Hiệp mãi mãi đi vào lịch sử, là niềm tự hào, là tài sản vô giá được đánh đổi bằng xương máu của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Đường Hồ Văn Cống, con đường thơ mộng dẫn vào làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp. Ảnh: T.THẢO
Ngược dòng thời gian vào những ngày đầu năm 1945, cùng với cả nước và địa phương, phong trào đấu tranh ở Tương Bình Hiệp cũng phát triển mạnh mẽ. Hòa cùng phong trào quần chúng ở TX.Thủ Dầu Một, phong trào quần chúng của Tương Bình Hiệp cũng diễn ra sôi sục. Đến tháng 6-1945, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Nâu, Kiều Đức Thắng, Tương Bình Hiệp đã tổ chức được lực lượng “Thanh niên Tiền phong” với hơn 400 thanh niên. Hàng đêm tại nhà vuông ở ngã tư Cây Điệp, các thanh niên tham gia huấn luyện, học tập cơ bản tác chiến và điều lệ quân sự. Tại đây, cũng đã thành lập được Đội xung phong Đề Thám để duy trì các hoạt động yêu nước, chuẩn bị khởi nghĩa. Và Đình ấp 2 xây dựng năm 1885, thờ sắc phong ông Phan Thanh Giản, cũng chính là nơi hội họp của một số cán bộ yêu nước thời kỳ đó.
Ngay sau được lệnh khởi nghĩa, toàn dân trong xã dưới sự hướng dẫn của Đội Thanh niên Tiền phong do đồng chí Nguyễn Văn Tri làm đội trưởng đã đứng lên cướp chính quyền. Sáng ngày 25-8-1945, nhận được lệnh của Ban khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Văn Tri đã hướng dẫn Đội Thanh niên Tiền phong kéo về thị xã. Khi ra đến ngã ba Suối Giữa gặp một chiếc xe chở đầy lính Nhật chạy về TX.Thủ Dầu Một, đồng chí Nguyễn Văn Tri ra lệnh cho Thanh niên Tiền phong cướp xe Nhật, buộc chúng giao xe, súng đạn cho lực lượng ta.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, cùng với cả nước và địa phương, lịch sử Tương Bình Hiệp cũng bước sang một trang mới. Tuy nhiên, với vị trí chiến lược, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Tương Bình Hiệp là địa bàn vô cùng ác liệt. Địch thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét để tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta. Vì đây chính là khu đệm để chúng tiến hành đánh vùng “Tam giác sắt”, nơi lực lượng kháng chiến của miền Nam xây dựng thành một trong những căn cứ địa anh hùng. Ngoài ra, địch còn cho pháo bắn hủy diệt xóm làng nhưng chi bộ Đảng và nhân dân Tương Bình Hiệp vẫn kiên trì bám trụ, liên tục chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhờ biết phát huy truyền thống và những bài học kinh nghiệm, “Đảng tin dân, dân tin Đảng” mà Đảng bộ và nhân dân Tương Bình Hiệp đã hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Và hôm nay, phường Tương Bình Hiệp đang trên đường phát triển. Ông Võ Trung Hiếu, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Tương Bình Hiệp phấn khởi cho biết: “Từ khi lên phường, bộ mặt một địa phương vùng ven như Tương Bình Hiệp có nhiều khởi sắc. Điện, đường, trường, trạm được thành phố quan tâm đầu tư, đã tạo một diện mạo mới cho địa phương”.
Cùng với phường Chánh Mỹ, Tân An, phường Tương Bình Hiệp được TP.Thủ Dầu Một định hướng phát triển trở thành đô thị hiện đại, phát triển dịch vụ, thương mại, biệt thự vườn, dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cao, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp đô thị… có dân cư tập trung ở các khu đô thị, khu nhà ở có kiến trúc riêng. Theo đó, song song với phát triển thương mại - dịch vụ, nghề thủ công mỹ nghệ tiếp tục được chú trọng với cơ cấu tương ứng là 54% - 40% và nông nghiệp khoảng 6%.
Ông Võ Trung Hiếu cho biết thêm, để phát triển đúng định hướng, thời gian qua, phường Tương Bình Hiệp được thành phố ưu tiên vốn đầu tư cải tạo và xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phường luôn đoàn kết, thống nhất, tập trung huy động mọi nguồn lực, phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra, đưa Tương Bình Hiệp phát triển văn minh, hiện đại, xứng đáng với truyền thống của vùng đất anh hùng… (Còn tiếp)
THU THẢO