Những vụ sa thải nhân viên “rúng động” nước Mỹ
Sự sụp đổ của MF Global mới đây khiến cho toàn bộ 1.066 nhân viên của ngân hàng này bị sa thải. Chỉ trong vòng 2 thập kỷ qua, kinh tế Mỹ đã chứng kiến nhiều vụ sa thải nhân viên “khủng” của các tập đoàn lớn do tác động của suy thoái.
Dưới đây là 11 vụ sa thải nhân viên lớn nhất trong lịch sử kinh tế hiện đại Mỹ.
11. Hewlett-Packard (HP)
Lần sa thải nhân viên lớn nhất: 24.600 người
Thời điểm: 9-2008
Một trong những lý do khiến cho toàn Phố Wall thán phục cựu CEO của HP Mark Hurd là việc ông đã mạnh tay sa thải nhân viên nhằm cắt giảm chi phí trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Sự việc này xảy ra sau khi HP mua lại công ty tư vấn IT EDS của Ross Perot với 13,9 tỷ USD để đa dạng hóa mảng kinh doanh phần cứng của HP. Khi đó, Hurd đã sa thải 24.600 nhân viên mà ông thấy rằng không cần thiết khi 2 công ty hợp làm một.
10. Daimler Chrysler
Lần sa thải nhân viên lớn nhất: 26.000 người
Thời điểm: 1-2000
Sau vụ sáp nhập của Daimler và Chrysler, lập ra Daimler Chrysler, công ty này đã tiến hành sa thải 26.000 nhân viên. Đây là một ví dụ điển hình về nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế 2001. Ngoài việc sa thải công nhân và nhân viên quản lý, Chrysler còn đóng cửa 6 trong tổng số 41 nhà máy của mình. Sau gần một thập kỷ, cuối cùng 2 công ty này lại tách ra và Chrysler chính thức hoạt động độc lập vào năm 2007. Nhưng đó cũng là thời điểm bắt đầu cho một cuộc khủng hoảng mới, khiến công ty này phải xin phá sản theo chương 11 luật phá sản Mỹ.
9. U.S. Postal Service
Lần sa thải nhân viên lớn nhất: 30.000 người
Thời điểm: 3-2010
Mới đây, U.S. Postal Service (USPS) cho biết công ty này đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Và để tiết kiệm 2,1 tỷ mỗi năm, hãng này công bố từ nay đến 2012, sẽ có 28.000 nhân viên bị sa thải. Đây không phải là lần đầu tiên USPS tiến hành sa thải nhân viên do cư dân toàn cầu giờ đây đang dần từ bỏ hình thức viết thư tay. Năm 2010, để tiết kiệm chi phí và hạn chế thua lỗ, hãng này cũng đã sa thải 30.000 nhân viên, đây là lần thứ 3 trong tổng số 90.000 nhân viên bị sa thải.
8. Bank of America/Merrill Lynch
Lần sa thải nhân viên lớn nhất: 30.000 người
Thời điểm: 9-2001
Dưới sức ép giảm chi phí từ phía các cổ đông, đặc biệt là trong mảng kinh doanh thế chấp, tân giám đốc của BoA khi đó là Brian Moynihan đã quyết định sa thải 30.000 nhân viên trong tổng số 228.000 nhân viên của mình. BoA cho biết việc này sẽ giúp cắt giảm chi phí hoạt động đồng thời ngân hàng này sẽ rút khỏi những khu vực kinh doanh đem lại ít lợi nhuận. Đây cũng là một trường hợp nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2001. Tháng 12-2008, sau vụ sáp nhập với BoA, 25.000 nhân viên của Merril Lynch cũng bị sa thải.
7. Boeing
Lần sa thải nhân viên lớn nhất: 31.000 người
Thời điểm: 92001
Boeing cũng là một nạn nhân nữa của cơn suy thoái kinh tế 2001. Khủng hoảng kinh tế và vụ khủng bố 11-9 tại Mỹ đã tác động nghiêm trọng tới ngành công nghiệp hàng hàng không. Do đó, hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới này phải cắt giảm 31.000 nhân viên thuộc bộ phận máy bay thương mại của mình. Trước đó, năm 1998, Boeing cũng đã phải sa thải 28.000 nhân viên.
6. Ford
Lần sa thải nhân viên lớn nhất: 35.000 người
Thời điểm: 1-2002
Khủng hoảng kinh tế 2001 đã khiến doanh thu của Ford sụt giảm mạnh. Để cắt giảm chi phí. Ford đã bắt đầu tiến hành sa thải nhân viên. Tháng 1-2002, trong tình hình kinh tế ảm đạm, Ford là một trong hàng loạt công ty lớn sa thải số lượng lớn nhân viên như United Airlines hay Target. Tháng 1-2006, Ford lại tiếp tục sa thải thêm 23.200 nhân viên. Chỉ đến năm ngoái, công ty này mới bắt đầu tuyển thêm lao động nhờ những tín hiệu tốt đầu tiên của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ trong vòng 5 năm qua.
5. AT&T
Lần sa thải nhân viên lớn nhất: 40.000 người
Thời điểm: 1-1996
Nhằm tăng giá trị cổ đông, đầu năm 1996, AT&T đã sa thải 40.000 nhân viên. Đây là một phần trong kế hoạch tách ra làm 3 của AT&T, trở thành AT&T, NCR và Lucent. Khi đó, CEO của AT&T Robert Allen cho biết “Việc cắt giảm nhân sự này là cần thiết để bảo vệ việc làm cho 27.000 lao động khác trong 3 công ty mới”. Sau quyết định này, giá cổ phiếu của AT&T đã tăng 10%. Hiện nay, công ty này đang tiếp tục cắt giảm nhân sự do những thua lỗ trong mảng kinh doanh điện thoại di động và sản phẩm VoIP.
4. General Motors (GM)
Lần sa thải nhân viên lớn nhất: 47.000 người
Thời điểm: 2-2009
Vụ sa thải nhân viên 47.000 trong tổng số 250.000 nhân viên đầu năm 2009 của GM là một trong những nỗ lực cắt giảm chi phí do tình trạng sụt giảm doanh thu. Khi đó, doanh số bán hàng của GM giảm mạnh do khủng hoảng kinh tế 2007-2008 và cạnh tranh mạnh mẽ từ các hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản. GM đưa ra quyết định sa thải này khi đang chuẩn bị nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11 luật phá sản, cầu cứu chính phủ. Trong suốt năm 2009, GM cũng tiến hành sa thải vài nghìn nhân viên quản lý. Trước đó, tháng 6-2005, hãng sản xuất xe hơi số 1 của Mỹ này cũng đã sa thải 25.000 nhân viên.
3. Citigroup
Lần sa thải nhân viên lớn nhất: 50.000 người
Thời điểm: 11-2008
Đây là một phần trong nỗ lực cứu công ty đang trên bờ vực sụp đổ của Citigroup. Citi đã phải nhận khoản tiền 20 tỷ USD cứu trợ từ Chương trình giải cứu tài sản xấu TARP của chính phủ Mỹ để vượt qua giai đoạn khủng hoảng tồi tệ. Tuy nhiên, tập toàn tài chính này lại kinh doanh trong nhiều lĩnh vực từ bảo hiểm, ngân hàng cho doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư, ngân hàng cho khách hàng cá nhân và cho vay thế chấp, cho nên chi phí điều hành, hoạt động của nó quá lớn. Điều này khiến hội đồng quản trị và tân CEO Vikram Pandit của Citi phải đi đến quyết định sa thải số lượng lớn nhân viên trong tổng số 352.000 nhân viên đang làm việc cho công ty.
2. Sears/K-Mart
Lần sa thải nhân viên lớn nhất: 50.000 người
Thời điểm: 1-1993
Cả Sears và K-Mart đều đã thực hiện hàng loạt các vụ cắt giảm nhân sự trước khi sáp nhập vào năm 2005. Khi đó, vụ sáp nhập này được kỳ vọng sẽ tiếp kiệm cho công ty 500 triệu USD mỗi năm. Năm 1993, Sears sa thải 50.000 nhân viên trước áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ Walmart. Năm 2003, K-Mart cũng sa thải 35.000 nhân viên khi công ty đang đứng trên bờ vực phá sản. Trước đó, năm 2002, công ty này cũng sả thải 22.000 nhân viên trong nỗ lực cứu công ty khỏi nguy cơ sụp đổ.
1. IBM
Lần sa thải nhân viên lớn nhất: 60.000 nhân viên
Thời điểm: 7-1993
Năm 1993, thời điểm Louis V. Gerstner Jr., một trong những CEO vĩ đại nhất của Mỹ nửa sau thế kỷ 20, gia nhập IBM, công ty này đang trong thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng với doanh thu sụt giảm mạnh. Để giảm chi phí, IBM đã sa thải 60.000 nhân viên. Trước đó, cuối những năm 1980, công ty này cũng đã mạnh tay cắt giảm nhân sự. Năm 1985, tổng số nhân viên của IBM là 405.000 nhân viên. Từ đó đến năm 1993, sau vụ cắt giảm lao động của Gerstner, IBM chỉ còn 225.000 nhân viên. Vụ cắt giảm nhân sự này đã giúp tiết kiệm cho IBM 4 tỷ USD mỗi năm.
Theo 24/7 Wall St