Những vấn đề bổ sung, sửa đổi trong quy định số 30-QĐ/TW ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành chương VII, chương VIII, Điều lệ Đảng
(BDO) (Tiếp theo số báo thứ sáu, ngày 28-10)
Lý do sửa đổi, bổ sung: Hướng dẫn 46 khóa XI quy định việc bỏ phiếu biểu quyết kỷ luật Đảng phải tiến hành 2 lần; trong đó, lần 1 bỏ phiếu biểu quyết “có kỷ luật hay không kỷ luật”, trường hợp biểu quyết “có kỷ luật” thì bỏ phiếu lần 2 để biểu quyết quyết định hình thức kỷ luật cụ thể. Quá trình thực hiện, các tổ chức Đảng cấp dưới cho là chưa phù hợp. Mặt khác, hiện nay các lỗi vi phạm đã được xác định rõ về hình thức kỷ luật theo Quy định 181- QĐ/TW ngày 30-3-2013 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Vì vậy, chỉ quy định chung trong một mẫu phiếu biểu quyết kỷ luật như đã thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội X là phù hợp.
Đồng thời, bổ sung việc sau khi bỏ phiếu biểu quyết quyết định kỷ luật, nếu số phiếu phân tán, không có hình thức kỷ luật nào quá bán thì thực hiện cộng dồn phiếu để xác định hình thức kỷ luật cụ thể; qua đó nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức Đảng cấp dưới trong việc xem xét, thi hành kỷ luật và khắc phục tình trạng đùn đẩy lên cấp trên phải giải quyết. Quy định trên chỉ áp dụng cho việc biểu quyết quyết định hình thức kỷ luật, không áp dụng cho biểu quyết đề nghị thi hành kỷ luật hay giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng.
6. Điều 39
Tại điểm 7.1 và 7.2, Khoản 7, Điều 39, Hướng dẫn 46 trước đây quy định: “7.1 Việc giải quyết khiếu nại về kỷ luật Đảng được tiến hành từ Ủy ban Kiểm tra hoặc cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật. Sau khi được giải quyết, nếu đảng viên hoặc tổ chức Đảng bị thi hành kỷ luật không đồng ý, có khiếu nại tiếp thì tổ chức Đảng cấp trên tiếp tục giải quyết cho đến Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương”. “7.2 Bộ Chính trị là cấp giải quyết khiếu nại kỷ luật cuối cùng đối với các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức đảng viên, trừ trường hợp do Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật. Ban Chấp hành Trung ương là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với hình thức khai trừ đảng viên và các hình thức kỷ luật do Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định”.
Quá trình thực hiện quy định trên cho thấy: Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng phải qua nhiều cấp; nhiều trường hợp khiếu nại lên đến Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương; Trung ương phải thành lập nhiều đoàn giải quyết khiếu nại rất tốn kém và kéo dài thời gian giải quyết; kết quả giải quyết khiếu nại ở cấp Trung ương hầu hết là giữ nguyên hình thức kỷ luật.
Do đó, bổ sung, sửa đổi hai điểm 7.1 và điểm 7.2 như sau: “7.1 Việc giải quyết khiếu nại về kỷ luật Đảng được tiến hành từ Đảng ủy cơ sở, Đảng ủy cấp trên cơ sở, Ủy ban Kiểm tra, Ban Thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy từ cấp huyện và tương đương trở lên. Đảng viên là cấp ủy viên các cấp, thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý, chi bộ đã quyết định xử lý kỷ luật theo thẩm quyền, nếu có khiếu nại thì do cấp ủy cơ sở hoặc Ban Thường vụ cấp ủy quản lý đảng viên đó giải quyết khiếu nại kỷ luật lần đầu. Sau khi được giải quyết, nếu đảng viên hoặc tổ chức Đảng bị thi hành kỷ luật không đồng ý, có khiếu nại tiếp thì tổ chức Đảng cấp trên tiếp tục giải quyết. 7.2 Ban Bí thư là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với hình thức kỷ luật khai trừ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức do cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương trở xuống quyết định; còn đối với các hình thức kỷ luật do Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định thì Ban Chấp hành Trung ương là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng”.
Ngoài các nội dung trên, quy định còn được chỉnh sửa, lược bỏ hoặc bổ sung một số từ, cụm từ, nội dung cho phù hợp với thực tế hiện nay.
ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG