NHỮNG VẤN ĐỀ BỔ SUNG, SỬA ĐỔI TRONG QUY ĐỊNH SỐ 30-QĐ/TW, NGÀY 26-7-2016 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ THI HÀNH CHƯƠNG VII, CHƯƠNG VIII, ĐIỀU LỆ ĐẢNG

Thứ ba, ngày 25/10/2016

(BDO) (Tiếp theo số báo thứ hai, ngày 24-10)

II. Về các nội dung cụ thể của quy định

Phần I: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp

1. Về Điều 30

1.1 Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo:

1.1.1. Về chủ thể kiểm tra, giám sát (Điểm 1.1, Khoản 1)

Bổ sung “Ban Thường vụ Đảng ủy cơ sở” là chủ thể kiểm tra, giám sát: Vì “Ban Thường vụ Đảng ủy cơ sở” là tổ chức Đảng hoàn chỉnh, có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp điều hành, giải quyết công việc của Đảng ủy giữa hai kỳ họp; có nhiệm vụ chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp trên (kiểm tra chấp hành) và của cấp mình trong Đảng bộ. Bỏ quy định “cơ quan Ủy ban kiểm tra” là chủ thể kiểm tra vì theo quy định hiện hành, cơ quan Ủy ban kiểm tra là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ủy ban kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng. Như vậy, chủ thể kiểm tra, giám sát bao gồm: Chi bộ, Đảng ủy bộ phận, cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên; Ủy ban kiểm tra; các ban Đảng, Văn phòng cấp ủy (gọi chung là các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy); Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn. (Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn chỉ là chủ thể kiểm tra vì có chức năng lãnh đạo công tác kiểm tra; không có chức năng kiểm tra, giám sát).

1.1.2. Về đối tượng kiểm tra, giám sát: Bổ sung chi ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy cơ sở là đối tượng kiểm tra, giám sát cho phù hợp với Quy định 263-QĐ/TW, ngày 8-10-2014 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng vi phạm: Như vậy, đối tượng kiểm tra, giám sát trong Quy định là: Chi ủy, chi bộ, Đảng ủy bộ phận, Ban Thường vụ Đảng ủy cơ sở, Đảng ủy cơ sở; cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; Ủy ban kiểm tra, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn; đảng viên.

1.2.Về các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy tiến hành công tác kiểm tra, giám sát (Điểm 1.2, Khoản 1)

Quy định bổ sung các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy: “Chủ trì giải quyết tố cáo theo quy định của Bộ Chính trị hoặc cấp ủy cùng cấp về giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc cấp ủy cùng cấp quản lý”. Vì các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy ngoài việc tham mưu cho cấp ủy tiến hành công tác kiểm tra, công tác giám sát; còn được giao nhiệm vụ chủ trì giải quyết tố cáo theo Quyết định 210-QĐ/TW, ngày 8-11-2013 của Bộ Chính trị hoặc cấp ủy cùng cấp về giải quyết tố cáo.

1.3 Về Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát (Điểm 1.3, Khoản 1)

Bổ sung nội dung: “Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng”. Để Ủy ban kiểm tra các cấp xác định đó là nhiệm vụ của mình và có trách nhiệm phổ biến các văn bản về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng và kết quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.

1.4 Về lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát (Điểm 2.1, Khoản 2)

Bổ sung nội dung: “Cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng”. Để cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp có sự lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến về công tác này đối với Ủy ban kiểm tra các cấp và các tổ chức Đảng.

1.5 Về thực hiện giải quyết tố cáo, giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng và tiến hành các nhiệm vụ kiểm tra khi thật sự cần thiết (Tiết 2.2.2, Điểm 2.2, Khoản 2). Cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy thực hiện giải quyết tố cáo, giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng và tiến hành các nhiệm vụ kiểm tra khi thật sự cần thiết. Cấp ủy lãnh đạo toàn diện, đối với tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm ở các lĩnh vực nhạy cảm, quan trọng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành thì cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy có thể quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. (Còn tiếp)