Những vaccine nào có thể phòng, chống được bệnh bạch hầu?
(BDO) Hiện có một số loại vaccine dịch vụ phòng lây nhiễm bệnh bạch hầu, người dân có thể chủ động đi tiêm.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.
Theo đại diện Trung tâm Tiêm chủng, Viện Kiểm định vaccine (Bộ Y tế), để bảo vệ người dân phòng tránh được dịch bệnh bạch hầu, cách tốt nhất và hiệu quả nhất hiện nay chính là tiêm phòng vaccine.
Hiện có các loại vaccine dịch vụ, người dân có thể chủ động tiêm để phòng bệnh bạch hầu như:
Vaccine Adacel:
Là vaccine được chỉ định gây miễn dịch chủ động cho người từ 4-64 tuổi. Vaccine Adacel có thể được lựa chọn cho liều thứ 5 của vaccine Bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào (DTaP) tiêm cho trẻ 4-6 tuổi.
Vaccine sử dụng cho người lớn tiêm một mũi, và cần nhắc lại sau 5-10 năm nhằm tăng cường miễn dịch đối với các bệnh Bạch hầu - uốn ván - ho gà.
Vaccine Tetraxim:
Được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi.
Lịch tiêm của vaccine là tiêm 3 mũi cơ bản:
- Mũi 1 tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.
- Mũi 2: Tiêm vào thời điểm 1 tháng sau mũi 1.
- Mũi 3: Tiêm vào thời điểm 1 tháng sau mũi 2.
- Mũi nhắc lại: Tiêm 1 mũi 1 năm sau loạt chủng ngừa cơ bản.
Ngoài ra có thể tiêm nhắc lại 1 mũi khi được 5 đến 13 tuổi.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu, nên cho trẻ tiêm các mũi phòng bệnh nhắc lại vào các thời điểm khi trẻ đến mốc 16-18 tháng tuổi, mốc 4-7 tuổi, mốc 9-15 tuổi vì khả năng bảo vệ của vaccine phòng bạch hầu bị suy giảm theo thời gian.
Bên cạnh đó, các trường hợp như: Phụ nữ trước hoặc đang mang thai, người trên 50 tuổi, người mắc bệnh mãn tính cũng nên tiêm vaccine để phòng bệnh bạch hầu.
Theo TTXVN