Góp công vào đại thắng mùa xuân 1975:

Những trận đánh oai hùng

Thứ bảy, ngày 29/04/2017

(BDO) Bài cuối:  Trận Chánh Lộc - phất cao ngọn cờ quyết chiến, quyết thắng

Khu phố Chánh Lộc, phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một  xưa vốn có vị trí khá đặc biệt khi nằm sát nách Thành công binh (nay là trường Sĩ quan Công binh) và là hướng tiến công vào thị xã từ phía Bắc của lực lượng ta. Vì vậy, nơi đây đã xảy ra nhiều trận đánh lớn, đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng bộ đội địa phương và cơ sở nòng cốt của các đoàn thể đã cùng nhau mua vải may cờ, cắm cờ chiếm văn phòng ấp.

Địa  danh  Chánh  Lộc (phường  Chánh  Mỹ,  TP.Thủ Dầu Một) gắn liền với tên tuổi của Đội Biệt động TX.TDM. Bởi nơi đây, năm 1972, Đội 7 Biệt động TX.Thủ Dầu Một đã phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt 2 trung đội bảo an địch tại bốt Chánh Lộc.  Ông Nguyễn Văn Quỳ (Tư Quỳ), nguyên Đội trưởng Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một kể lại, tháng 5-1971, Bộ Chính trị ra nghị quyết động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát triển chiến lược tiến công với quyết tâm giành thắng lợi quyết định trong năm 1972. Trên cơ sở đó, Trung ương Cục và Quân ủy Miền hạ quyết tâm mở chiến dịch tiến công xuân - hè 1972, thực hiện đòn tấn công nhằm vào ba hướng: Trị Thiên, Đông Nam bộ và Tây nguyên. Trong đó miền Đông Nam bộ được xác định là chiến trường chính với mục tiêu giải phóng một  số  khu  vực  trọng  điểm thuộc 3 tỉnh Bình Long, Tây Ninh và Phước Long. Hướng chủ yếu là quốc lộ 13. 

Ông Nguyễn Văn Quỳ cho biết trận tấn công bốt Chánh Lộc của Đội 7 Đặc công và biệt động thị xã là trận chiến đấu thể hiện quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ. Ta đã thực hiện tốt công tác điều nghiên, nắm chắc mục tiêu, có phương án chiến đấu chính xác nên giành được thắng lợi. Bốt Chánh Lộc bị tiêu diệt đã làm cho địch đóng ở các đồn bốt xung quanh hoang mang.

Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Phân khu ủy, Bộ Chỉ huy Phân khu 5 và triển khai nhiệm vụ của lực lượng vũ  trang  thị  xã  trong  chiến dịch xuân - hè 1972, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) TX.Thủ Dầu Một đã động viên cán bộ, chiến sĩ đẩy mạnh phong trào thi đua lập công “phất cao ngọn cờ  quyết  chiến,  quyết  thắng của Hồ Chủ tịch” trong LLVT thị xã do Bộ Chỉ huy Phân khu phát động với quyết tâm giành thành tích cao nhất trong chiến dịch Nguyễn Huệ.

Thực hiện kế hoạch của Ban CHQS thị xã, trung tuần tháng 5-1972, lực lượng Đội Biệt động phối hợp với Đội 7 Đặc công thị xã tổ chức điều nghiên chuẩn bị  cho  trận  đánh  địch  đóng bốt Chánh Lộc, một vị trí địch mới bung ra đóng giữ từ đầu năm 1972, nhằm ngăn chặn lực lượng ta tiến công vào thị xã từ hướng Bắc. 

Ông Nguyễn Hồng Thắng giới thiệu cho thế hệ trẻ về những cán bộ, chiến sĩ Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một, những người có công trong trận đánh bốt Chánh Lộc vào tháng 5-1972    Ảnh: T.THẢO

Ông Nguyễn Văn Quỳ cho biết, bốt Chánh Lộc nằm về phía Bắc thị xã, cách đường 13 về phía Đông khoảng 1,5km, cách Thành công binh khoảng 1km. Bốt Chánh Lộc được xây dựng theo cấu trúc hình chữ nhật, chiều dài khoảng 60 - 70m, có bờ đê cao 1 - 1,2m, bao bọc xung quanh; từng mặt có bố trí công sự chiến đấu cá nhân, có lỗ châu mai. Địch bố phòng vòng ngoài cùng là ba hàng rào bùng nhùng. Bên trong hàng rào có bố trí mìn trái. Bên trong bốt, xung quanh có 4 lô cốt ở 4 góc, thường xuyên có 5 - 7 tên canh gác. Trong bốt còn có 5 hầm ngầm, bên trên tấn bao cát, xung quanh có nhà lính lợp tole và xếp bao cát nhằm đề phòng những trận pháo kích của ta. Với vị trí và bố phòng đó, khi ta tấn công bốt Chánh Lộc, địch đóng ở những nơi phụ cận có thể kịp thời chi viện kịp thời.

Ở  bốt  Chánh  Lộc,  địch thường xuyên có từ 1 - 2 trung đội, trang bị 3 súng đại liên, 3 súng M79, 3 máy truyền tin PRC 25, còn lại là súng cá nhân và cạc-bin… Hàng ngày, bọn chỉ huy bốt Chánh Lộc thường tổ chức 1 - 2 tiểu đội bung ra lùng sục từ 1 - 2km, chủ yếu theo dân đi làm đồng để thăm dò phát hiện dấu vết của ta đi lại hoạt động.  Đồng  thời,  chúng  còn tổ chức thám báo, dò la phát

hiện lực lượng ta bám trụ địa bàn. Ban đêm, chúng tổ chức lực lượng phục kích trong ấp. Điểm mạnh của bốt Chánh Lộc là địa hình xung quanh trống trải, nhiều đồng ruộng, có nhiều đường và dân qua lại thường xuyên. Hỏa lực của bốt và hỏa lực của các đơn vị có liên quan mạnh, dễ dàng chi viện cả hỏa lực và binh lực. Tuy nhiên, bốt cũng bộc lộ nhiều điểm yếu như đa phần lính muốn về nhà làm ăn, không muốn cầm súng. Hệ thống phòng ngự bên ngoài tương đối “cứng”, nhưng bên trong yếu, tổ chức canh phòng tuần tra lỏng lẻo, có nhiều sơ hở.

Căn cứ vào tình hình địch, thực hiện quyết tâm của Ban CHQS TX.Thủ Dầu Một, đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9-5, lực lượng biệt động phối hợp với Đội 7 Đặc công của thị xã tổ chức thành 2 mũi, tiến công bốt Chánh Lộc trên hai hướng Nam và Bắc. Ta thực hiện mật tập bất ngờ, luồn sâu, bám sát, nổ súng đồng loạt. Theo kế hoạch, ta nổ súng chậm nhất là 1 giờ 30 phút ngày 9-5. Đúng 0 giờ 10 phút ngày 9-5, đồng chí trưởng mũi 1 đánh thủ pháo lệnh sập nhà chỉ huy địch, toàn trận địa ta đồng loạt nổ súng. Sau 15 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt toàn bộ địch đóng trong bốt Chánh Lộc,  diệt  và  làm  bị  thương 64 tên địch, đánh sập 4 lô cốt, phá hủy 5 hầm ngầm, thu được nhiều vũ khí.

Ông Nguyễn Văn Quỳ cho biết, trận tấn công bốt Chánh Lộc của Đội 7 Đặc công và biệt động thị xã là trận chiến đấu thể hiện quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ. Ta đã thực hiện tốt công tác điều nghiên, nắm chắc mục tiêu, có phương án chiến đấu chính xác nên giành được thắng lợi. Bốt Chánh Lộc bị tiêu diệt đã làm cho địch đóng ở các đồn bốt xung quanh hoang mang. Một số tên tề xã ác ôn ở Chánh Hiệp ban đêm phải vào thị xã ngủ; từ đó tạo điều kiện cho địa phương đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở cách mạng trên một  hướng  quan  trọng  tiến công vào nội ô thị xã.

Nằm sát Thành công binh và lực lượng ta có thể tiến công vào TX.Thủ Dầu Một từ hướng Bắc nên Chánh Lộc là có vị trí rất quan trọng. Do đó, Chánh Lộc là một trong những địa bàn quan trọng của lực lượng ta. Sau chiến dịch Nguyễn Huệ, cán bộ về bám địa bàn, phối hợp với lực lượng mật tại chỗ, xây dựng phát triển cơ sở chính trị, binh vận, tự vệ mật, du kích mật… Ông Nguyễn Hồng Thắng, nguyên chiến sĩ biệt động TX.Thủ Dầu Một, cho biết ông tham gia biệt động năm 1965. Đến năm 1969, ông lọt ổ phục kích khi đang làm nhiệm vụ. Ông bị đày ra Phú Quốc. Đến năm 1973, ông mới được trao trả. Sau ngày trở về, ông được phân công hoạt động mật ở địa phương. Ông Nguyễn Hồng Thắng nhớ lại: Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, phong trào ở Chánh Lộc hoạt động  khá  mạnh.  Ngày  23-4-1975, Thị ủy triển khai Chỉ thị khởi nghĩa của Tỉnh ủy. Tại các xã, cấp ủy chi bộ cả mật và lộ đã truyền đạt chỉ thị đến từng cán bộ, đảng viên, cơ sở trung kiên, nòng cốt. Ở Chánh Lộc cũng vậy. Bà Út Giấy, Tư Ngọc đã tích cực vận động chị em may vải, may cờ giải phóng, chuẩn bị tham gia nổi dậy trong cuộc tổng tiến công.

Đêm 29, ông Nguyễn Hồng Thắng lên nhà bà Út Giấy nhận cờ giải phóng để sáng 30-4 cắm trên văn phòng ấp Chánh Lộc. Ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết thêm, khi thời khắc lịch sử đã đến, các lực lượng của chúng ta hừng hực khí thế tiến công. Vào lúc 10 giờ 15 phút, ông Nguyễn Hồng Thắng, cùng ông Tư Chấu (cơ sở địa phương) ra văn phòng ấp Chánh Lộc trực gác cho đồng chí Bùi Lê Hương treo cờ; sau đó phát loa giấy kêu gọi lính trong Thành công binh ra đầu hàng…

Căn cứ vào tình hình địch, thực hiện quyết tâm của  Ban  CHQS  TX.Thủ Dầu Một, đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9-5, lực lượng biệt động phối hợp với Đội 7 Đặc công của thị xã tổ chức thành 2 mũi, tiến công bốt Chánh Lộc trên hai hướng Nam và Bắc. Ta thực hiện mật tập bất ngờ, luồn sâu, bám sát, nổ súng đồng loạt.

Triệu  con  tim  hòa  chung một nhịp, với sự phối hợp của các lực lượng, 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, tại tỉnh Thủ Dầu  Một  cờ  cách  mạng  đã tung bay trên nóc nhà dinh tỉnh trưởng, cột cờ trung tâm chợ và các cơ quan công sở của địch trong thị xã. Ta hoàn toàn làm chủ tình hình nội ô thị xã, giành thắng lợi hoàn toàn, cùng cả nước viết nên thiên anh hùng ca sáng chói, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng  chiến  chống  Mỹ,  thu giang sơn về một mối.

THU THẢO

 

Từ khóa: