Những tín hiệu vui sau một năm thực thi hiệp định UKVFTA

Thứ hai, ngày 28/03/2022

(BDO)

Tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh theo hiệp định UKVFTA còn rất lớn. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù thời gian thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) còn tương đối ngắn và thực thi trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng trao đổi thương mại Việt Nam-Vương quốc Anh vẫn tăng trưởng hơn 17% so với năm 2020, đạt 6,6 tỷ USD.

Những kết quả tích cực như vậy cho phép chúng ta lạc quan vào tác động tích cực của UKVFTA đối với cả Việt Nam và Vương quốc Anh.

UKVFTA - đòn bẩy mạnh mẽ cho thương mại song phương

UKVFTA được ký chính thức tại London, Vương quốc Anh (UK) ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.

65% thuế quan đã được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam-Anh. Trong 6 năm đầu tiên sau khi UKVFTA có hiệu lực, Vương quốc Anh sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam.

Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% thuế quan, phù hợp với các nước EU khác trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Thuế suất đối với thương mại hàng hóa song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam tiếp tục được áp dụng như được lặp lại từ EVFTA.

UKVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang tham gia.

Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), các cam kết trong UKVFTA được kỳ vọng giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư-thương mại theo hướng hiện đại, minh bạch và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nói chung.

Đặc biệt, với những cam kết sâu về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, UKVFTA được mong đợi là một đòn bẩy mạnh mẽ cho việc thúc đẩy trao đổi thương mại-đầu tư song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Đại diện cơ quan chức năng, các chuyên gia tham luận tại tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phát biểu khai mạc Hội thảo "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và định hướng sắp tới," Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết thời điểm Hiệp định này chính thức có hiệu lực cũng là lúc cả Việt Nam và Vương quốc Anh phải đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động kinh tế thương mại khác.

Tuy khởi đầu trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhưng trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt 6,6 tỷ USD, tăng trưởng 17,2% so với năm 2020.

Mức tăng trưởng 2 chữ số này đã giúp kim ngạch song phương chính thức phục hồi về mức kim ngạch năm 2019, sau khi bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng 16,4% còn Vương quốc Anh xuất khẩu sang Việt Nam tăng 24%.

“Số liệu này cho thấy UKVFTA thực sự là con đường cao tốc hai chiều, giúp thúc đẩy trao đổi thương mại song phương theo hướng ngày càng cân bằng hơn” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh, đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vỏ container, cước phí vận chuyển đường biển tăng cao và kinh tế Anh chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam được cấp mới với số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 53 triệu USD, tăng trưởng 157% so với cùng kỳ, duy trì mức đầu tư trực tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam ở mức 4 tỷ đô la Mỹ.

Hiện nay, Vương quốc Anh đang nằm trong nhóm 12 nước có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam.

Nhìn lại một năm thực thi Hiệp định, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cũng thừa nhận, quan hệ kinh tế hai bên có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.

Dù thời gian thực thi Hiệp định còn tương đối ngắn để có đánh giá đầy đủ nhưng với số liệu ban đầu có thể thấy quá trình thực thi đã mang lại kết quả tích cực với cả hai bên.

Không chỉ đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, việc thực thi UKVFTA đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tại Anh.

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Anh (VBUK) cho biết sau khi UKVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam tại Anh đã được nhiều doanh nghiệp sở tại quan tâm và kết nối hợp tác.

Ông Kiên cho rằng Hiệp định thực sự là “cú hích” cho các doanh nghiệp Việt tại Anh cũng như trong nước, trong bối cảnh sau Brexit, chính phủ Anh đang mở cửa nhằm tạo các cơ hội hợp tác, giao thương với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, một đối tác chiến lược của Anh tại Đông Nam Á.

Còn nhiều dư địa để khai thác

“Những kết quả tích cực như vậy cho phép chúng ta lạc quan vào tác động tích cực của UKVFTA đối với cả Việt Nam và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, dư địa để hai nước khai thác tiềm năng của FTA này còn rất lớn” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Việc Vương quốc Anh đang tích cực đẩy mạnh quá trình đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại sau khi hoàn tất Brexit cùng với việc Việt Nam đã và đang tham gia 15 FTA, trong đó có các FTA lớn như Hiệp định CPTPP, RCEP, EVFTA và đặc biệt là cả hai nước đang cùng thúc đẩy UKVFTA sẽ tạo ra những cơ hội hấp dẫn để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, tận dụng các thế mạnh của nhau, từ đó gia tăng hơn nữa giá trị gia tăng từ hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và Định hướng sắp tới." (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, để biến các tiềm năng trở thành lợi ích thực sự, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và Vương quốc Anh cần tiếp tục đánh giá, xác định những khó khăn, vấn đề còn tồn tại và tìm ra các giải pháp khắc phục một cách hiệu quả nhất.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái cho rằng việc thực thi Hiệp định đã phần nào giúp hai bên vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra và là một trong các yếu tố giúp giảm bớt gánh nặng cho cả hai nền kinh tế khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Đây là một trong những Hiệp định mà chúng ta đã có những bước chuẩn bị kỹ trước đó và đã có Kế hoạch hành động mang tính tổng thể được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Vương quốc Anh cũng đã thiết lập những cơ chế trao đổi thường xuyên để giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình thực thi.

Nghị sỹ Graham Stuart - Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia bày tỏ sự lạc quan về hợp tác song phương giữa hai nước trong thời gian tới, đồng thời cho rằng UKVFTA chính là động lực để thúc đẩy thương mại dịch vụ hàng hóa tăng trưởng cao hơn nhiều so với kết quả thương giữa hai nước những năm trước khi có Hiệp định.

Nghị sỹ Stuart cũng mong muốn hai bên tăng cường thúc đẩy chuỗi cung ứng, hiện thực hoá các mục tiêu đã đặt ra trong Hiệp định này.

Anh là một thị trường lớn mà các doanh nghiệp Việt còn nhiều cơ hội khai thác. Hiện tại, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Việt Nam, song thị phần của Việt Nam tại thị trường này còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh.

Ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam rất lớn trong bối cảnh kinh tế Anh sẽ phục hồi nhanh sau đại dịch, nhu cầu hàng tiêu dùng tại Anh gia tăng và chính phủ nước này dỡ bỏ mọi quy định hạn chế đi lại quốc tế từ ngày 18/3.

Lấy ví dụ về xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết đây là mặt hàng có tiềm năng lớn tại thị trường Anh nhưng hiện chưa được khai thác triệt để.

Trong cả năm 2021, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 5.000 tấn gạo thơm sang Anh, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu của nhà nhập khẩu Anh và khả năng của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Để tận dụng hiệu quả hơn Hiệp định này, theo các chuyên gia, bên cạnh sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước thì các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, nắm vững nội dung, cam kết của Hiệp định; chú trọng tìm hiểu thông tin thị trường, nhu cầu tiêu dùng, và tuân thủ các quy định của Anh.

Đồng thời các doanh nghiệp cần quan tâm, chú trọng việc cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu cũng như tăng tính cạnh tranh với hàng hóa của các nước xuất khẩu khác.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam và Vương quốc Anh tổ chức các hoạt động đa dạng khác để góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực và hiệu quả nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định UKVFTA./.

Theo TTXVN