Những tiết lộ mới từ WikiLeaks - Kỳ 1: Libya nổi sóng ngầm từ lâu
Điện tín do WikiLeaks tiết lộ cho biết nội bộ Libya đã có nhiều bất đồng từ các quan chức cấp cao lẫn con trai nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Mới đây, website WikiLeaks lại công bố thêm hàng trăm ngàn điện tín từ các cơ quan ngoại giao Mỹ ở nước ngoài gửi về cho Washington. Trong đó, các thông tin về Libya gây nhiều chú ý khi quốc gia Bắc Phi đang là tâm điểm thời sự thế giới.
Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tripoli được thành lập vào năm 2006 và là nơi tập trung chủ yếu các thông tin liên quan đến Libya. Trước đó, thông tin về Libya do các cơ quan ngoại giao Mỹ thu thập hầu hết được chuyển tải từ các nước trung gian.
Chủ tịch NTC Mustafa Jalil được Mỹ nhắm từ lâu - Ảnh: AFP
Cảm tình viên của Mỹ
Theo tài liệu từ WikiLeaks, từ lâu Mỹ đã có cảm tình với Mustafa Jalil, Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) của phe nổi dậy hiện nay và coi ông này là lựa chọn khả dĩ nếu “xảy ra chuyện” ở Libya.
Mustafa Jalil, sinh năm 1952, tại thành phố Al-Bayda, phía đông Libya. Ông lấy bằng cử nhân nghiên cứu đạo Hồi và tiếng Ả Rập của ĐH Libya vào năm 1975. Sau đó, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống tư pháp Libya trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp vào năm 2007.
Khi chính biến bắt đầu tại Libya hồi tháng 2, ông Jalil là một trong những quan chức đầu tiên của chính quyền Gaddafi bỏ sang phe đối lập. Khi đó, nhân vật này còn khá lạ lẫm với dư luận bên ngoài. Tuy nhiên, ông Jalil đã được giới ngoại giao Mỹ chú ý từ lâu và đánh giá là một người có đầu óc cải cách, là tiếng nói phản biện thẳng thắn nhất trong chính quyền.
Ngày 25.1.2010, Đại sứ Mỹ tại Libya Gene Cretz lần đầu tiên gặp gỡ Jalil để thảo luận về Chương trình phát triển luật thương mại tại Libya do Washington bảo trợ. Trong cuộc gặp, ông Jalil đã nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho những chương trình cải cách pháp luật và nói Mỹ là nơi có thể khơi gợi những ý tưởng mới cho Libya. Sau cuộc gặp Đại sứ Cretz đánh giá Jalil là người “đáng được kính trọng và công bằng”. Ngoài ra, Jalil từng nhiều lần tuyên bố sẽ “không cho phép các lực lượng an ninh đứng trên pháp luật”.
Theo điện tín của Đại sứ quán Mỹ tại Tripoli, ông Jalil đã nộp đơn từ chức Bộ trưởng Tư pháp hồi tháng 1.2010 để phản đối những bất công trong hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, đơn của ông không được chấp nhận do chính quyền Libya không cho phép từ chức mà chỉ bãi nhiệm khi cần thiết. Khi đó, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi từng tuyên bố: “Bộ trưởng Tư pháp có quyền nói những gì ông ấy muốn, nhưng không nên nói ở đây”. Tài liệu của WikiLeaks dẫn lời một số nhà quan sát cho rằng nếu không có sự ủng hộ của Saif al-Islam Gaddafi, con trai thứ hai của ông Gaddafi, thì ông Jalil đã bị thanh trừng từ lâu.
Saif al-Islam từng kêu gọi cải cách
Theo các điện tín đề ngày 28.8.2008, Saif al-Islam Gaddafi từng kêu gọi cải cách sâu rộng chế độ ở Libya. Saif al-Islam, người từng được cho là sẽ kế vị ông Gaddafi, đề xuất nhiều chương trình cải cách xã hội, chính trị, kinh tế và tuyên bố Libya đã “trì trệ” trong một thời gian dài. Ông này cũng từng chỉ trích hệ thống chính quyền nước này “lộn xộn, thiếu hiệu quả” và thất bại trong việc bảo đảm các nhu cầu cơ bản cho người dân.
Cho nên, Saif al-Islam nói Libya cần có một hiến pháp mới đủ sức mở đường cho cấu trúc chính quyền minh bạch hơn. Năm 2006, “thái tử” nhà Gaddafi từng phát biểu tại một diễn đàn thanh niên ở thành phố Sirte về một hiến pháp mới cho Libya nhưng đã bị những người bảo thủ chỉ trích nặng nề. Vì thế, trong bài phát biểu năm 2007, Saif al-Islam đã đề cập một cách khéo léo hơn và gọi sự thay đổi là một “khế ước xã hội” giúp đất nước phát triển.
Cũng theo hồ sơ từ WikiLeaks, Saif al-Islam đã đề ra một sự chuyển tiếp Libya sang một xã hội dân sự mạnh mẽ hơn để phát triển và đảm bảo tốt nhất “dân chủ, tự do và quyền con người”. Ông này còn nói Libya cần cải cách tư pháp, tôn trọng nhân quyền và tự do báo chí.
Khi những kế hoạch cải cách của Saif al-Islam vẫn chỉ mới là những tuyên bố thì chính biến bùng nổ ở Libya. Hiện nay, ông đang cùng cha mình ẩn náu và cương quyết không chịu đầu hàng với lời thề chiến đấu tới cùng với phe nổi dậy.
>>Kỳ 2: Quan tâm về an toàn điện hạt nhân
Theo TNO