Những tiết học lịch sử hấp dẫn theo chương trình mới

Thứ năm, ngày 20/10/2022

(BDO)  Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã quyết định đưa lịch sử thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ở bậc THPT với thời lượng 52 tiết/ năm học. Sau gần 2 tháng triển khai, việc dạy học môn lịch sử bắt buộc ở THPT theo chương trình GDPT 2018 đang đi vào nề nếp. Giáo viên và nhà trường đều cố gắng đổi mới phương pháp dạy học để đưa lịch sử trở thành môn học hấp dẫn, được học sinh (HS) yêu thích chứ không phải bị ép buộc học.

 Một tiết học lịch sử của cô và trò trường THPT Lý Thái Tổ, TP.Thuận An

 Trải nghiệm thú vị từ các tiết học

Sau gần 2 tháng học môn lịch sử theo chương trình mới, em Nguyễn Hoàng Quý, HS lớp 10C4, trường THPT Lý Thái Tổ (TP.Thuận An) tỏ ra khá hào hứng với những nội dung của môn lịch sử. Hoàng Quý cho hay, sau một thời gian học, em khá ấn tượng khi sách giáo khoa mới tăng tiết thực hành, luyện tập, thảo luận nhóm cho HS nhiều hơn nên việc học lịch sử trở nên hấp dẫn, hứng thú hơn. Trong tiết học, em thích nhất được các thầy cô lồng ghép các sự kiện lịch sử với những câu chuyện, nó giúp em không bị nhàm chán.

Còn với em Hà Thị Bích Thủy, HS lớp 10/6, trường THPT Thái Hòa, TX.Tân Uyên, chia sẻ: “Thay vì lối học truyền thống ghi chép một chiều như ngày xưa, hiện tại chúng em được học nhiều tiết học trải nghiệm thực tế với những nội dung hấp dẫn và thiết thực giúp chúng em dễ nắm được kiến thức của bài học hơn. Chúng em cũng được tham gia nhiều hoạt động nhằm tăng cường năng lực làm việc nhóm, rèn luyện các kỹ năng cần thiết”.

Đảm nhiệm dạy môn lịch sử lớp 10, cô Lưu Thị Thủy, giáo viên trường THPT Lý Thái Tổ, chia sẻ: Sách giáo khoa theo chương trình mới có thời lượng kiến thức phân bố vừa phải, không nặng như chương trình cũ, giảm bớt số liệu và tăng hình ảnh. Hiện nay, sẽ không còn khái niệm học là ghi chép như cũ. Giáo viên sẽ là người nêu vấn đề, hướng dẫn các em tự đi tìm kiếm, sưu tầm những thông tin chính thống cho bài học. Sau đó, các em sẽ tự thiết kế bài học theo các hình thức như diễn kịch, vẽ tranh ảnh, mô hình qua ứng dụng công nghệ thông tin... Do đó, trong mỗi tiết học, các em phát huy được tính tích cực và khả năng tư duy. Tuy nhiên, theo chương trình mới, sách giáo khoa thiên về khái niệm hơi nhiều và có những khái niệm khó và trừu tượng vượt quá tầm của HS.

Để lịch sử trở thành môn học hấp dẫn

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng nhận định: Việc dạy lịch sử trong các trường vẫn thiên về sự kiện, số liệu, chưa phát huy được nhiều sáng tạo, cá tính của HS trong việc học. Việc kiểm tra, đánh giá, thi lịch sử vẫn chỉ chú ý vào mốc, số liệu, sự kiện mà chưa quan tâm nhiều đến tư duy, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử. Vì vậy, việc đổi mới trong dạy học và kiểm tra đánh giá lịch sử là cần thiết.

Lịch sử là môn học xã hội có lượng kiến thức rộng, nhiều mốc thời gian và sự kiện, đòi hỏi phải có sự ghi nhớ. Chính điều này làm cho người học lịch sử cảm thấy khô khan, khó học. Để dạy học lịch sử hiệu quả hơn, việc đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học là điều vô cùng quan trọng. Vì thầy cô chính là người truyền lửa để HS thêm yêu môn học, đưa lịch sử trở thành môn học hấp dẫn, được HS yêu thích chứ không phải bị ép buộc học.

Từ băn khoăn đó, các giáo viên dạy môn lịch sử các trường đã chủ động tìm hiểu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt, các thầy cô đã tích cực cập nhật các phần mềm, ứng dụng để soạn các bài giảng hấp dẫn hơn. Cô Cao Kim Huệ, giáo viên dạy lịch sử trường THPT Lê Lợi, huyện Bắc Tân Uyên, chia sẻ: “Với niềm đam mê và trách nhiệm với bộ môn lịch sử, giáo viên chúng tôi cũng đã có nhiều cố gắng để đổi mới cách dạy. Chúng tôi tổ chức cho HS học lịch sử theo các phương pháp và kỹ thuật dạy học để học lịch sử vui hơn, hứng thú hơn, nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. HS phát triển được nhiều kỹ năng như thu thập và xử lý thông tin, thuyết trình, phản biện...”.

Thầy Ngô Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Lý Thái Tổ, cho biết: Dạy học lịch sử theo chương trình mới được nhà trường triển khai theo đúng tinh thần Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Giáo viên lịch sử của nhà trường được tham gia các lớp tập huấn về sách giáo khoa; thống nhất nội dung, chương trình, kế hoạch giáo dục và kế hoạch bài dạy. Thầy cô cũng chủ động hoàn thành các kế hoạch cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện của nhà trường và đã được Ban Giám hiệu phê duyệt. Nhà trường cũng đã chỉ đạo Đoàn trường thời gian tới sẽ tổ chức nhiều hoạt động về nguồn cho HS để các em có thêm nhiều hiểu biết và trải nghiệm hơn.

Việc triển khai dạy học theo chương trình GDPT 2018 ở THPT, trong đó có dạy học lịch sử đang đi vào nề nếp. Với môn lịch sử, Sở GD-ĐT cũng đã có định hướng, chỉ đạo các trường tăng cường khai thác, sử dụng nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực; đồng thời gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho HS.

 Tại Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023 có nêu rõ: Đối với môn lịch sử, cần tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực; gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho HS trong dạy học lịch sử.

 HỒNG PHƯƠNG