Những thợ trẻ xuất sắc của ngành cao su

Thứ sáu, ngày 12/08/2016

(BDO) Nói đến công việc cạo mủ cao su, có lẽ nhiều người nghĩ rằng chỉ cần chăm chỉ, cần cù là thành công. Nhưng khi trò chuyện với hai trong công nhân (CN) tiêu biểu dưới đây, lắng nghe chia sẻ cùng họ mới hiểu rằng, nghề cạo mủ cao su không chỉ bằng bàn tay khéo léo, sự cần cù, chăm chỉ, mà CN cạo mủ cần linh hoạt, tâm huyết và sáng tạo không ngừng.

Chị Lê Thị An: Nỗ lực vượt khó

Vượt lên những khó khăn đặc thù của nghề, chị Lê Thị An (31 tuổi) CN khai thác mủ của Đội 3 Nông trường cao su Nhà Nai (thuộc Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa) vẫn nỗ lực hoàn thành công việc cũng như chăm lo gia đình được vẹn toàn.


Chị Lê Thị An
(giữa) được vinh danh Người thợ trẻ toàn quốc năm 2016 do Trung ương Đoàn trao tặng. Ảnh: H.THỦY

Kể về nghề cạo mủ cao su, chị An tâm sự: Năm 2003, cha mất, gia đình có đông anh chị em nên chị phải nghỉ học rồi xin vào làm CN khai thác mủ cao su. Năm 2006, chị An được chọn đi thi tay nghề khai thác mủ cấp nông trường và đoạt giải nhất. Các năm sau, chị liên tiếp giành giải cao trong các hội thi tay nghề. Cụ thể: Năm 2007, chị An đoạt giải khuyến khích cấp công ty, năm 2008 chị tiếp tục “rinh” về giải thí sinh trẻ xuất sắc nhất cấp công ty. Năm 2014, chị An đoạt giải nhì cấp công ty và cũng trong năm này, chị tham gia thi tay nghề khai thác mủ cấp tập đoàn và đoạt giải khuyến khích. Ngoài ra, chị An còn nhận được nhiều giấy khen khác của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, giải thưởng “Thanh niên tiêu biểu ngành cao su” lần thứ 3, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Mới đây nhất, chị vừa được vinh danh Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2016 do Trung ương Đoàn trao tặng.

Anh Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Công đoàn Nông trường cao su Nhà Nai (thuộc Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa) cho biết, chị An là một CN xuất sắc và đa tài. Chị tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ của nông trường. Chị còn là một tổ trưởng công đoàn rất nhiệt tình và hết mình vì CN. “Hiện chúng tôi đang tạo điều kiện giúp chị An học lên cao hơn để bổ sung vào đội ngũ quản lý của nông trường”, anh Hưng cho biết thêm.

Anh Nguyễn Văn Luyện: Thành công nhờ ham học hỏi

Những ngày mới vào nghề còn bỡ ngỡ nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, anh Nguyễn Văn Luyện (33 tuổi), là CN khai thác mủ Nông trường cao su Long Nguyên (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng) quyết tâm học hỏi các lớp anh chị CN khai thác mủ đi trước nên dần dần tay nghề càng thành thạo. Lô cao su do anh Luyện đảm nhiệm chăm sóc và lấy mủ đem về sản lượng luôn vượt trội hơn các anh chị đồng nghiệp.


Anh Nguyễn Văn Luyện
(giữa) được tuyên dương Người thợ trẻ tỉnh Bình Dương lần thứ 5

Anh Luyện kể: “Năm 2004, tôi xin vào làm CN ở Nông trường cao su Long Nguyên. Buổi đầu làm việc, do chưa có kinh nghiệm nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ, động viên của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp nên tôi đã gắn bó với công việc nhiều hơn”. Những năm gần đây, giá mủ cao su liên tục giảm mạnh, lương của CN cạo mủ có phần giảm hơn so với trước, nhiều CN nghỉ việc. Trước những khó khăn đó, anh Luyện đã xác định tư tưởng vững vàng, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn chung của công ty, bằng việc thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật cạo mủ, chăm sóc vườn cây để tăng năng suất lao động. Tuy đơn giá bình quân ngày công giảm nhưng bù lại năng suất cao, anh vẫn duy trì được mức thu nhập ổn định cho gia đình. Không những thế anh còn vận động, động viên anh, chị em CN khác gắn bó với công ty và hướng dẫn, giúp họ tăng năng suất lao động để bảo đảm thu nhập và yên tâm công tác. Nhiều năm liền anh được công ty, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tặng giấy khen, bằng khen… Mới đây nhất là danh hiệu Người thợ trẻ giỏi tỉnh Bình Dương do Tỉnh đoàn trao tặng. Đây là những phần thưởng cao quý, là động lực giúp anh Nguyễn Văn Luyện phấn đấu nhiều hơn nữa góp phần để những dòng nhựa trắng từ sản phẩm mủ cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng vươn xa khắp thế giới.

HUỲNH THỦY