Những thầy thuốc“Nơi đầu sóng ngọn gió”
(BDO) Thầy thuốc dù làm việc ở đâu cũng mang trong mình trọng trách cao cả đó là chữa bệnh cứu người. Có những thầy thuốc mà mỗi khi nhắc đến nơi họ làm việc người ta thường ví rằng đó là “Nơi đầu sóng ngọn gió” của các bệnh viện. Đó chính là những thầy thuốc làm việc ở Khoa Cấp cứu (KCC)- nơi mà cường độ làm việc luôn khẩn trương, nơi thường phải đối mặt với những bệnh nặng “thập tử nhất sinh” và cả những va chạm với người bệnh, người nhà của người bệnh... Thế nhưng, bằng đam mê nghề nghiệp, bằng tình yêu thương người bệnh, họ đã vượt qua tất cả để tiếp tục làm việc, phục vụ bệnh nhân. Họ như “con tằm nhả tơ” ngày ngày mang niềm vui đến với bao người bệnh và người thân của người bệnh...
Bệnh nhân mới nhập viện đang được điều dưỡng Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh tiếp nhận bệnh bên ngoài phòng cấp cứu
Nơi đối mặt với nhiều khó khăn
Áp lực công việc lớn, những thầy thuốc ở KCC luôn phải chạy đua với thời gian để cứu chữa kịp thời, mang lại sự sống cho bệnh nhân. Thế nhưng, không phải lúc nào bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng chịu hợp tác để thầy thuốc giải quyết công việc được nhanh chóng, hiệu quả. Việc người bệnh, người nhà người bệnh chửi mắng, đe dọa, quậy phá hầu như ở KCC bệnh viện nào cũng đều gặp phải. Bác sĩ (BS) Huỳnh Phước Quang, Trưởng KCC, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, cho biết khó khăn nhất mà những thầy thuốc ở đây gặp phải là áp lực từ phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. “Ở KCC có 3 trường hợp: Một là cấp cứu khẩn cấp, với những bệnh này sẽ được BS nhận định và đưa nhanh vào bên trong, thầy thuốc phải chạy đua với thời gian mới cấp cứu kịp thời. Hai là cấp cứu nhưng không khẩn cấp, đó là những bệnh nhân nhập viện nhưng qua nhận định của thầy thuốc thấy có thể trì hoãn (như viêm ruột thừa) để làm các thủ tục liên quan như xét nghiệm, cận lâm sàng để có sự chuẩn bị tốt hơn cho ca mổ. Ba là cấp cứu nhưng không thuộc diện cấp cứu, đó là những lúc phòng khám hết giờ làm việc hay đêm khuya bệnh nhân bị tiêu chảy phải vào KCC sẽ được BS khám, cho toa thuốc về nhà tự chăm sóc. Trường hợp cấp cứu khẩn cấp sẽ được ưu tiên số 1 và người thầy thuốc sẽ biết điều đó để bố trí, sắp xếp thứ tự ưu tiên cấp cứu khi bệnh nhân nhập viện. Tuy nhiên, một số người vì thấy người thân của mình không được ưu tiên số 1 trong khi chưa hiểu bệnh tình người thân của mình thế nào đã vội chửi mắng, đe dọa, thậm chí hành hung thầy thuốc...”, BS Quang nói.
Đến bây giờ, chị Trần Huỳnh Kỳ Thoại, Điều dưỡng trưởng KCC, Trung tâm Y tế TX.Thuận An vẫn còn nhớ một tình huống “khó đỡ” trong nghề cách đây hơn 10 năm. Chị kể, đó là một ca trực đêm vào năm 2008, có một bệnh nhân bị đau vai vào cấp cứu ở khoa, sau khi được chuyển đi chụp hình ảnh mới phát hiện bị gãy xương đòn, khi chị tiến hành làm giấy chuyển viện và giải thích cho bệnh nhân phải lên tuyến trên (do thời điểm này Trung tâm Y tế TX.Thuận An chưa triển khai kỹ thuật này) thì mới phẫu thuật được. Nhưng mới nghe chị nói đến đây, bệnh nhân này liền lớn tiếng quát mắng, chửi tục thẳng vào mặt chị và nói: “Vậy sao không chịu nói sớm, làm mất thời gian đi chụp phim...”. Lúc đó, chị mới vào nghề chưa được bao lâu, lại là con gái nên bị chửi chị cũng thấy rất hoang mang. Sợ có chuyện không hay có thể tiếp diễn, chị đã phải nhờ BS trực chung ca và bảo vệ bệnh viện đến hỗ trợ mới xử lý xong tình huống đêm trực đó. “Chưa khám, chưa chụp hình ảnh làm sao biết bệnh nhân bị gì để chỉ định. Cũng có nhiều người bệnh như bệnh nhân này vì nóng nảy, không kiềm chế bản thân và không hiểu về công việc của thầy thuốc nên chỉ nhìn thấy trước mắt và có lời lẽ không hay, đe dọa người thầy thuốc đang khám bệnh, cứu chữa cho mình...”, điều dưỡng Thoại nói. Đó chỉ là một trong những câu chuyện buồn mà điều dưỡng Thoại và đồng nghiệp thường xuyên gặp phải trong công việc hàng ngày.
Nghề đã chọn người
Ngày nào cũng vậy, bất kể cuối tuần hay lễ tết, những BS, điều dưỡng ở KCC ở các bệnh viện cũng tất bật, khẩn trương với công việc cấp cứu cho những bệnh cũ (nhập viện từ kíp trực trước) và bệnh mới vào. Trở lại KCC BVĐK tỉnh đúng vào Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, tôi chợt nhận ra, nghề thầy thuốc cao quý ấy không phải tự nhiên mà các BS, điều dưỡng làm việc nơi đây theo đuổi, ấy là do “Nghề đã chọn người”. Ở nơi đó, sự im lặng luôn bao trùm nhưng ẩn chứa sau đó là tinh thần làm việc hết sức tích cực, khẩn trương của các BS, điều dưỡng để giành lại sự sống từ tay tử thần cho bệnh nhân trong cơn nguy kịch.
BS Huỳnh Phước Quang, Trưởng KCC BVĐK tỉnh vừa tham gia cùng ê kíp trực sáng 27-7 cấp cứu cho một bệnh nhân rối loạn nhịp tim qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân này được người nhà chuyển đến KCC và được các BS chẩn đoán bị “cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất”. Sau khoảng 30 phút được BS Quang cùng các BS, điều dưỡng khoa phối hợp cứu chữa kịp thời, nhịp tim của bệnh nhân đã ổn định trở lại. Nhìn bệnh nhân đã khỏe trở lại, từ BS, điều dưỡng đến người nhà bệnh nhân ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Gặp chúng tôi bên ngoài phòng cấp cứu, BS Quang chia sẻ, mọi tình huống khó khăn nhất ở bệnh viện đều nằm ở KCC. Bởi thế, những thầy thuốc làm việc ở đây phải đủ kiến thức chuyên môn, luôn chạy đua với thời gian và có kỹ thuật nhanh gọn lẹ thì mới cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
KCC BVĐK tỉnh là nơi tiếp nhận đủ các loại bệnh, từ tai nạn giao thông, chấn thương sọ não đến các bệnh nặng khác như tai biến mạch máu não, đột quỵ, tim mạch, xuất huyết tiêu hóa, sốc sốt xuất huyết... và luôn trong tình trạng kín giường. Mỗi lần có dịp ghé qua đây ghi nhận tình hình, chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh các BS, điều dưỡng làm việc và trao đổi hết sức khẩn trương. Với cường độ làm việc nặng, căng thẳng nên những thầy thuốc ở đây được bố trí làm việc 8 giờ (một tua) và nghỉ 24 giờ để có đủ thời gian tái tạo sức lao động. Một tua trực của khoa có 4 BS và 20 điều dưỡng, nhưng các BS, điều dưỡng luôn phải làm việc liên tục mới giải quyết hết công việc. Sau khi cùng đồng nghiệp cấp cứu cho một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa nặng ổn định, BS Trần Lan Viên, trực cấp cứu ngày 27-2 lại quay sang cầm trên tay một chồng bệnh án để đến từng giường thăm khám cho những bệnh nhân đang được theo dõi tại khoa. Đang thăm khám giữa chừng lại có ca bệnh nặng được đưa vào, BS Viên cùng đồng nghiệp lại tức tốc quay sang xử lý ngay. Chia sẻ với chúng tôi, BS Viên cho biết công việc của những thầy thuốc ở KCC luôn căng thẳng và nhiều áp lực. Trung bình một ngày khoa tiếp nhận cấp cứu cho khoảng 300 bệnh và hầu như ngày nào cũng có bệnh nặng. “Chính môi trường làm việc áp lực nơi đây đã tạo cho người thầy thuốc luôn trong tư thế vận động, từ đó giúp mình ngày càng nâng cao tay nghề, học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong giải quyết công việc. Có lẽ, một phần do tuổi trẻ xông xáo, một phần vì yêu nghề và muốn mang kiến thức mình học được ra giúp bệnh nhân nên dù cường độ làm việc khá áp lực, nhưng mình sẽ luôn cố gắng để vượt qua. Mỗi khi tham gia cùng đồng nghiệp cứu chữa cho một bệnh nhân nặng nào đó qua cơn nguy kịch, không chỉ mình mà tất cả BS, điều dưỡng trong khoa đều cảm thấy rất vui, nhẹ lòng. Đó cũng chính là niềm vui nghề nghiệp, là động lực để mình gắn bó với khoa, tiếp tục đem kiến thức của mình cùng đồng nghiệp cứu chữa cho những bệnh nhân khác...”, BS Viên chia sẻ.
Hầu như mọi bệnh nặng đều được chuyển đến KCC để điều trị. Những thầy thuốc áo trắng ở KCC ở các bệnh viện bởi thế luôn phải đối diện với những tình trạng bệnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Họ phải “chiến đấu” thầm lặng từng phút, từng giờ với “thần chết” để giành lại sự sống cho bệnh nhân giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết. Xin mượn chia sẻ của BS Quang để kết thúc bài viết: “Có một bệnh nhân mà tôi từng tham gia điều trị, cứu sống cách đây hơn 10 năm. Sau đó rất lâu, tình cờ gặp lại, cô ấy đã nói rằng ngày cô ấy được BS cứu sống trong cơn “thập tử nhất sinh” năm ấy cũng là ngày sinh thứ 2 của cô và bày tỏ sự cảm ơn với BS. Quả thật, tôi không nhớ cô ấy là ai, nhập viện trong trường hợp nào và cảm thấy rất vui khi cô ấy vẫn nhớ đến tôi sau nhiều năm gặp lại. Hạnh phúc của người thầy thuốc chỉ đơn giản vậy thôi, mình cứu sống được một người bệnh là đã mang niềm vui, hạnh phúc đến với họ và người thân của họ...”.
HỒNG THUẬN