Những thành tựu trong văn học nghệ thuật - Bài cuối

Thứ ba, ngày 27/10/2015

(BDO) Bài cuối: Mỹ thuật - phát triển từ vùng đất giàu truyền thống

Bình Dương được coi là vùng đất phát triển ngành nghề mỹ thuật từ rất sớm. Và, từ cái nôi truyền thống này, mỹ thuật Bình Dương ngày càng phát triển hơn nữa, thể hiện đậm nét từ nghệ thuật đến cuộc sống hàng ngày…

Các tác giả đoạt giải cao trong Triển lãm Mỹ thuật Đông Nam bộ - năm 2014 Ảnh: Q.NHƯ

Theo đánh giá thành tựu 5 năm qua về mỹ thuật; nghệ thuật tạo hình ở Bình Dương lâu nay có thế mạnh riêng trong khu vực, với truyền thống mỹ thuật hơn 100 năm, là chiếc nôi của ngành sơn mài, điêu khắc, gốm sứ nổi tiếng khắp cả nước. Do đó, lực lượng hội viên (HV) nghệ thuật tạo hình chiếm số lượng đông đảo nhất trong các Phân hội trực thuộc Hội VHNT tỉnh. Tính đến nay, Phân hội Mỹ thuật có 50 HV, trong đó có 17 người là HV Hội Mỹ thuật Việt Nam. “Xác định được thế mạnh truyền thống của địa phương, Hội VHNT Bình Dương đã tập trung nhiều nguồn lực, nhiều biện pháp, tăng cường đầu tư kinh phí thông qua các trại sáng tác, các cuộc thi, các đợt trưng bày triển lãm ở địa phương, khu vực và cấp toàn quốc, đã có gần 300 tranh tượng mỹ thuật đã được HV sáng tác trong 5 năm qua với nhiều đề tài đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên diện mạo mới trong lĩnh vực tạo hình”, ông Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nhận xét.

Liên tiếp trong nhiều năm, tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực VII Đông Nam bộ, các tác giả Bình Dương đã đoạt được 1 trong 6 giải thưởng cao nhất trong mỗi kỳ triển lãm cấp khu vực. Có thể kể tên các tác phẩm tiêu biểu như: Ngày xuân (sơn mài - Nguyễn Quang Sơn) đã đoạt giải B (không có giải A - năm 2009); Tân Vĩnh Hiệp (sơn mài - Nguyễn Tấn Công) đoạt giải B - năm 2012, tác phẩm Phố 1 (gỗ + sắt - tác giả Nguyễn Hoài Huyền Vũ) đoạt giải B - năm 2014; Cây phong ba (Gỗ của Nguyễn Hùng Việt) đoạt giải C, năm 2013; Háo hức (sơn dầu của Phạm Thị Hồng Xuyến) đoạt giải C - năm 2015…

Tuyển tập Mỹ thuật Bình Dương (2010-2015) cũng đã ghi dấu các tác phẩm có giá trị, được đánh giá cao có thể kể đến như: Theo lời Bác gọi của họa sĩ trẻ Châu Trâm Anh. Tác phẩm đặc tả chân dung anh hùng Núp, bằng chất liệu đá, quy cách 80x180cm. Tác phẩm này được giải ba cuộc vận động sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (năm 2013). Đây cũng là tác phẩm được chọn triển lãm trong mỹ thuật toàn quốc. Họa sĩ Nguyễn Tấn Công - một trong những họa sĩ của Bình Dương trung thành với chất liệu sơn mài cũng đã có nhiều tác phẩm đoạt giải trong các triển lãm mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ. Họa sĩ Nguyễn Hữu Duy với bức tranh đặc tả Lò gốm Chánh Nghĩa với chất liệu khắc gỗ, quy cách 50x70cm cũng đã được giải ba trong Triển lãm Mỹ thuật Bình Dương (30-4-2014).

Chiêm ngưỡng các tác phẩm của họa sĩ ở Bình Dương, chúng ta thấy yêu quý hơn vùng đất anh hùng, hiền hòa và rất giàu truyền thống về mỹ thuật này…

 

 QUỲNH NHƯ