Những thành tựu trong văn học nghệ thuật

Thứ sáu, ngày 23/10/2015

(BDO)  LTS: Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà được quan tâm, đầu tư để phát triển. 5 năm qua, nhiều công trình, tác phẩm của văn nghệ sĩ đã được hỗ trợ để giới thiệu đến bạn đọc. Thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Đại hội Hội VHNT tỉnh nhiệm kỳ VII (2015-2020), Báo Bình Dương giới thiệu đến bạn đọc về một số thành tựu của VHNT tỉnh giai đoạn 2010-2015.

 Bài 1: Xuất bản nhiều sách mới

 Có 4 đầu sách được xuất bản trong dịp này là các tuyển tập Văn học, Mỹ thuật và Ảnh nghệ thuật Bình Dương (giai đoạn 2010-2015), Âm nhạc Bình Dương - Những giai điệu thời gian. Đây cũng là những công trình chung ghi dấu ấn sáng tác của văn nghệ sĩ là hội viên các chuyên ngành trong tỉnh.

 2 trong số 4 tuyển tập chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh

 Những tác phẩm được công bố với độc giả, đã được giải cao qua những vòng thi trong hay ngoài tỉnh nay được tập hợp trang trọng trong những tập sách. Các tác giả cũng rất vui khi được tập hợp, giới thiệu tác phẩm rộng rãi đến với công chúng yêu VHNT.

Tuyển tập thơ - văn xuôi có 31 tác giả với 121 tác phẩm thơ văn. Bạn đọc sẽ gặp lại những cây bút quen thuộc trên tạp chí Văn nghệ Bình Dương, các ấn phẩm báo chí văn nghệ ngoài tỉnh, những người đã từng đoạt giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ. Hầu hết các hội viên mảng thơ -văn xuôi, văn nghệ dân gian chỉ làm VHNT như một nghề tay trái nhưng ai cũng “nặng ân tình” với văn chương. Có thể thấy điều này ở các tác phẩm “Mẹ và mùa xuân”, “Cô dạy học trò làm theo Bác”… của Lê Minh Vũ. Bạn đọc cũng sẽ gặp lại những người viết quen thuộc như: Nguyễn Hiếu Học, Phan Đức Nam, Nguyễn Tiến Đường, Phan Thị Hai, Nguyễn Công Dinh…

Tuyển tập Âm nhạc ghi lại nhiều bài hát hay, đã phổ biến rộng rãi trong thời gian qua trong các chương trình văn nghệ quần chúng, chương trình văn nghệ của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương và các tỉnh, thành, Trung ương… Sách gồm 149 ca khúc của 33 tác giả. Vẫn là những nhạc sĩ đã rất quen thuộc với công chúng trong các ca khúc viết về Bình Dương, về tình yêu biển đảo, quê hương… Chúng ta có thể bắt gặp ở đây các nhạc sĩ như Võ Đông Điền với ca khúc “Về thăm lại Bình Dương”, “Quê hương một khúc dân ca”… Hay nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến với “Ngọt ngào tháng Tư”, “Tình yêu nơi Trường Sa”… Nhạc sĩ Lệ Hồng với “Nhớ xuân xưa”, “Một chiều trên quê hương”…

Tuyển tập Ảnh nghệ thuật và Mỹ thuật là những ấn phẩm ảnh rất đẹp ghi lại các tác phẩm giá trị của các tác giả. Đó là những đứa con tinh thần sau những năm tháng miệt mài sáng tác. Tuyển tập Ảnh nghệ thuật gồm 69 tác phẩm ảnh “ưng ý” nhất của 15 hội viên phân ngành nhiếp ảnh của hội. Những bức ảnh ghi dấu những chuyến đi và nó thể hiện đầy đủ từng khoảnh khắc của cuộc sống, của các làng nghề truyền thống hay những nhà máy hiện đại ở Bình Dương. Có thể nói, nhiếp ảnh Bình Dương đã giúp quảng bá hình ảnh của con người, vùng đất Bình Dương hiền hòa, năng động trong quá khứ cũng như hiện nay. Với tập ảnh mỹ thuật Bình Dương, độc giả lại có thể thưởng thức các bức tranh đẹp của các họa sĩ như: Nguyễn Hữu Sang, Nguyễn Văn Quý, Lê Thanh Tùng, Phạm Thị Hồng Xuyến… Tuyển tập này tập hợp tác phẩm của 31 họa sĩ với 111 tác phẩm sơn mài, sơn dầu, bút sắc… Mỹ thuật thời gian qua cũng là thế mạnh của VHNT Bình Dương. Các họa sĩ vẫn sống cho niềm đam mê hội họa của mình và được ghi nhận bởi những giải thưởng trong tỉnh, khu vực và Trung ương trong các cuộc thi dành cho họa sĩ trong 5 năm qua.

Bằng sự hỗ trợ từ tinh thần đến vật chất của Hội VHNT tỉnh, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lĩnh vực VHNT ngày càng phát triển. Văn nghệ sĩ tỉnh nhà cũng hy vọng sẽ được tiếp tục nhận được sự khích lệ động viên kịp thời để họ say mê sáng tạo, tiếp tục sáng tác những tác phẩm VHNT giá trị, chất lượng để trình làng đến công chúng…

 Bài 2: Các bộ môn ngành sân khấu: Phát triển từ phong trào quần chúng

 QUỲNH NHƯ