Những sự kiện lớn thế giới năm 2011
Thế giới năm nay chứng kiến làn sóng biểu tình chưa từng có tràn khắp các lục địa; một cơn địa chấn kèm sóng thần rung chuyển địa cầu, dẫn đến cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất trong gần 30 năm qua.
Động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân Nhật Bản
Trưa ngày 11-3, một cơn động đất mạnh 9 độ Richter thình lình tấn công miền đông bắc Nhật Bản. Khi dân chúng đang còn hoảng loạn chạy tìm đường thoát thân thì những cột nước đen ngòm sầm sập từ biển đổ vào, cuốn phăng người, nhà cửa, xe cộ, đường sá. Máy bay bị xô đẩy như những bao diêm, tàu thủy bay lên nóc nhà, lửa khói ngùn ngụt bốc lên từ các nhà máy. Sức hủy diệt của sóng thần trùm tấm chăn tan hoang lên ba tỉnh đông bắc Nhật. Hơn 20.000 người chết hoặc mất tích trong khoảnh khắc.
Cơn địa chấn mạnh nhất trong vòng một thế kỷ qua còn gây nổ tại các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và gây nên cuộc khủng hoảng hạt nhân lớn nhất thế giới kể từ năm 1986. Nỗi lo vì phóng xạ còn dai dẳng và lan xa đến tận Tokyo và thậm chí các nước láng giềng. Sẽ phải mất đến 40 năm nữa để vô hiệu hóa hoàn toàn những nguy cơ chết người từ các lò phản ứng.
Trong thiên tai, cả thế giới, trong đó có Việt Nam đã đoàn kết với nhân dân Nhật. Thế giới khâm phục tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường của người Nhật. Với sức mạnh của một xã hội đoàn kết và kỷ luật, Nhật Bản khiến thế giới tin tưởng chắc chắn rằng họ sẽ vươn lên sau thảm họa.
Mùa xuân Arab
Hàng nghìn người tập trung tại quảng trường Tự do ở thủ đô Cairo của Ai Cập hôm 10-2 để tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ.
Vụ tự thiêu của một thanh niên bán hàng rong tại Tunisia ngày 17-12 năm ngoái đã thổi bùng lên “Mùa xuân Arab” - làn sóng biểu tình và nổi dậy với mức độ và quy mô lớn chưa từng thấy. Người dân biểu tình để phản đối tình trạng tham nhũng, thất nghiệp, suy thoái kinh tế, vi phạm nhân quyền, giá lương thực tăng vọt và nghèo đói tràn lan. Biểu tình nhanh chóng lan sang Ai Cập, Libya, Bahrain Yemen, Jordan và nhiều nước khác. Nó cuốn phăng nhiều chính phủ lâu đời ở Trung Đông và Bắc Phi, dẫn đến cuộc chiến tranh khốc liệt, đưa nhiều chính phủ đến bên bờ vực của sự sụp đổ.
Mùa xuân Arab là sự kiện độc nhất vô nhị trong thế giới Arab. Nét đặc trưng của phong trào này là người dân sử dụng biện pháp chống đối dân sự - biểu tình, đình công, tuần hành – và truyền thông xã hội để tổ chức các hoạt động chống đối, liên lạc với nhau và thu hút sự chú ý của dư luận. Người sử dụng mạng xã hội đi tiên phong trong tất cả các diễn tiến của Mùa xuân.
Tawakel Karman, người được trao giải Nobel Hòa bình năm nay, là một trong những thủ lĩnh nổi bật trong phong trào Mùa xuân Arab. Danh hiệu "Nhân vật của năm" cũng dành cho người biểu tình. Mùa xuân Arab được dự đoán là sẽ còn duy trì ảnh hưởng lâu dài, lan sang các châu lục khác.
Cuộc chiến Libya và cái chết thảm khốc của Gadhafi
Được tiếp lửa từ Mùa xuân Arab, những cuộc biểu tình phản đối chế độ của đại tá Moammar Gadhafi nhanh chóng biến thành xung đột vũ trang với quân chính phủ, làm nhiều người thiệt mạng. Tòa án Công lý quốc tế ra lệnh truy nã cha con Gadhafi, trong khi ông này thề quyết tử trên đất quê hương. Pháp, Anh, Mỹ tố cáo Tripoli tiêu diệt người biểu tình và với nghị quyết của Hội đồng Bảo an trong tay, liên quân NATO đêm 19-3 khởi động những cuộc oanh kích cấp tập nhằm tiêu diệt toàn bộ sức kháng cự phòng không cũng như quân lực của viên đại tá.
Thủ đô Tripoli thất thủ trước cuộc phản công của phe đối lập được NATO hậu thuẫn. Cuối tháng 10, ông Gadhafi bị bắt khi đang trên đường trốn khỏi thành phố quê nhà. Người đàn ông 69 tuổi này sau đó chết một cách bi thảm trong tay những thanh niên nổi dậy, và thi thể bị phơi ra cho những con mắt tò mò.
Cuộc nổi dậy ở Libya được coi là triệt để nhất trong "Mùa xuân Arab" do toàn bộ chế độ cũ ở nước này cùng người lãnh đạo cấp cao nhất (ông Gadhafi) bị loại bỏ. Nhưng cái chết đó không ngay lập tức đưa đến ổn định và đoàn kết cho người Libya, họ sẽ còn phải vật lộn để khắc phục hậu quả cuộc chiến đẫm máu và hòa giải dân tộc. Cuộc chiến Libya cũng cho thấy sức mạnh chính trị và quân sự của phương Tây trong việc can dự vào những cuộc khủng hoảng.
Thảm sát tại Na Uy
Trong khi các thế lực Hồi giáo nổi lên ở Trung Đông, Bắc Phi, thì bóng ma của tư tưởng bài Hồi và cực hữu đang tìm lại lý do tái xuất ở châu Âu. Na Uy, đất nước vốn nổi tiếng yên bình với xã hội cởi mở và đa văn hóa, chấn động bởi vụ khủng bố đẫm máu nhất kể từ thế chiến II. Anders Behring Breivik, một kẻ cực hữu, đã đánh bom tòa nhà chính phủ ở Oslo và khi số thương vong không nhiều như ý muốn, y đến một nơi cắm trại của các thanh thiếu niên, xả đạn giết chết thêm gần 70 người. Y tỏ thái độ bình thản, và nói rằng việc bắn giết là cần thiết để phản đối đạo Hồi và xã hội đa văn hóa.
77 người chết vì ý muốn điên rồ của một kẻ cực hữu chính là lời cảnh báo không chỉ với Na Uy mà cả châu Âu. Mối lo ngại này ngày càng gia tăng trong bối cảnh cuộc sống của người châu Âu bị phủ bóng đen bởi suy thoái kinh tế, thất nghiệp và khủng hoảng nợ công. Chủ nghĩa cực hữu sẽ là trọng tâm mới mà các cơ quan tình báo và an ninh trên khắp châu Âu phải quan tâm.
"Chiếm phố Wall" lan ra toàn cầu
Hai người tham gia cuộc biểu tình "Chiếm phố Wall" diễn kịch tại quảng trường Duarte ở thành phố New York, Mỹ hôm 17-12.
Sự ưu ái quá mức của chính phủ Mỹ đối với giới ngân hàng, tình trạng thất nghiệp dai dẳng là nguyên nhân dẫn đến làn sóng biểu tình mang tên “Chiếm Phố Wall”. Phong trào bắt đầu từ giữa tháng 9 tại thành phố New York, Mỹ, với sự tham gia của những người thuộc 99% nghèo phản đối 1% quá giàu. Quy mô của cuộc biểu tình tăng nhanh chóng, phong trào nhanh chóng lan rộng ra hàng trăm thành phố của Mỹ.
"Chiếm phố Wall" New York đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình tại châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Đại Dương. Vào thời điểm cao trào, các nhà tổ chức tuyên bố biểu tình sẽ nổ ra tại 951 thành phố thuộc 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh hưởng của “Chiếm phố Wall” bên ngoài nước Mỹ thể hiện rõ rệt nhất ở châu Âu, lục địa đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng.
Internet và các trang xã hội, cũng như trong Mùa xuân Arab, trở thành công cụ đắc lực trong hoạt động tập hợp lực lượng của “Chiếm phố Wall”. Người ta đưa phong trào lên các mạng xã hội hàng đầu như Facebook, Twitter thu hút sự chú ý của dư luận. Hàng trăm trang web liên quan tới “Chiếm phố Wall” đã ra đời.
Trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt
Gần ngày kỷ niệm 10 năm vụ khủng bố ngày 11-9-2001, cả thế giới bất ngờ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo tin trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt. Y mất mạng trong một chiến dịch đặc biệt và cực kỳ bí mật do biệt kích Mỹ tiến hành trong lãnh thổ Pakistan. Hầu như tất cả báo chí thế giới ngày 1 và 2-5 đều đăng trang nhất tin bin Laden bị tiêu diệt, với các các phản ứng khác nhau. Sau gần một thập kỷ của cuộc chiến chống khủng bố, điệp vụ trừ khử bin Laden mới hoàn thành.
Mặc dù vậy, cái chết của bin Laden không đương nhiên dẫn tới sự sụp đổ của Al-Qaeda hay tình trạng thoái trào của chủ nghĩa khủng bố. Ý thức hệ của Al-Qaeda không phải là một con người cụ thể, mà là một trường phái tư tưởng được nhiều người ủng hộ. Trên thực tế, việc truy lùng các thủ lĩnh khủng bố khác vẫn tiếp tục, và sự tan biến của y khỏi cõi đời cũng không dẫn đến sự chấm hết các cuộc khủng bố liên miên ở khắp các châu lục.
Quân sự Trung Quốc phát triển vượt bậc
Trung Quốc đang vươn lên vị thế một cường quốc quân sự của thế giới trong những năm qua và năm 2011 chứng kiến sự phát triển vượt bậc của quân lực nước này.
Sau khi chính thức xác nhận việc nâng cấp tàu sân bay Shi Lang được mua từ Ukraina năm 1998, Trung Quốc hoàn tất việc hoán cải hàng không mẫu hạm đầu tiên vào tháng 8 và liên tục thực hiện 3 cuộc thử nghiệm trên biển đối với tàu chiến này. Trung Quốc cũng tích cực thử nghiệm J-20, máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm. Những hình ảnh chụp lại các chuyến bay thử nghiệm của J-20 liên tiếp được tung lên các trang mạng của Trung Quốc, giúp dư luận hình dung một cách rõ ràng một trong những vũ khí chủ lực của cường quốc phương Đông trong tương lai.
Việc Trung Quốc sắp đưa Shi Lang vào hoạt động thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Mỹ và Nhật Bản từng công khai yêu cầu Trung Quốc giải thích về mục đích sở hữu tàu sân bay này. Máy bay J-20 cũng là một đề tài được bàn tán nhiều trong năm 2011. Sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc khiến các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ hay khối ASEAN quan tâm sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il qua đời
Bán đảo Triều Tiên - nơi còn tồn tại cuộc chiến tranh dai dẳng từ những năm 1950 - nay đang ở thời điểm cực kỳ nhạy cảm và có thể sắp chuyển sang một giai đoạn mới. Bối cảnh này được tạo ra từ cái chết của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il. Ông qua đời ngày 17-12 do đau tim, và sự ra đi của ông đang khiến hàng triệu người Triều Tiên khóc như mưa.
Ông Kim lãnh đạo Triều Tiên 17 năm qua. Trong thời gian đó quan hệ giữa Bình Nhưỡng với các láng giềng và phương Tây phần nhiều là căng thẳng bởi nước này phát triển chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, tập trung ưu tiên quân sự. Điểm sáng nhất trong các mối quan hệ chằng chéo ở bán đảo Triều Tiên là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất năm 2000. Giờ, cả hai nhà lãnh đạo trong cuộc gặp đó đều đã sang thế giới bên kia.
Sự ra đi đột ngột của Chủ tịch Kim gây nên những tác động đối với tình hình khu vực và thế giới. Đàm phán phi hạt nhân hóa đang dang dở. Triều Tiên là quốc gia có vũ khí hạt nhân và tiềm lực quân sự lớn, các cường quốc Mỹ, Nga, Trung và láng giềng Nhật, Hàn đều quan tâm sát sao đến các diễn biến trong quá trình chuyển giao quyền lực ở điểm nóng này.
Biển Đông vào tầm ngắm quốc tế
Những vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc với tàu Việt Nam và lực lượng của Philippines trên Biển Đông trong các tháng 3, 5 và 6 khiến khu vực này đột nhiên nóng trên báo chí quốc tế. Nhiều tuyên bố qua lại của các chính phủ, nhiều hội nghị khoa học quốc tế về Biển Đông, đến các thương vụ mua sắm khí tài hải quân, đã đưa khu vực này "vào radar quốc tế", như lời đánh giá của một học giả nổi tiếng của Việt Nam.
Biển Đông trở thành chủ đề nóng nhất trong Hội nghị của ASEAN và Đông Á, nơi có sự hiện diện lần đầu của tổng thống Mỹ. Bất chấp sự không hài lòng của Trung Quốc, đại diện của nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Ấn Độ và ASEAN đều đã đề cập việc giải quyết tranh chấp Biển Đông trong các diễn đàn đa phương. Thành tựu đáng chú ý nhất trong nỗ lực lâu dài về Biển Đông là các bên đã ra được Bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sau gần 9 năm.
Việc Mỹ tuyên bố điều 2.500 quân đến bắc Australia; Ấn Độ nhấn mạnh chiến lược hướng Đông; Nhật Bản ra nhiều tuyên bố quan tâm đến an ninh Biển Đông; cũng như các động thái của những quốc gia liên quan trực tiếp đến tranh chấp, cho thấy vấn đề này đang ngày càng được quốc tế quan tâm hợp lý và theo hướng có lợi cho hòa bình ổn định khu vực.
Dân số thế giới đạt 7 tỷ người
Ngày 31-10, dân số thế giới đạt mức 7 tỷ với sự ra đời của một bé gái ở Philippines. Như vậy chỉ sau 12 năm, số người trên hành tinh tăng thêm một tỷ. Đây là niềm vui cho nhân loại bởi nó chứng tỏ rằng điều kiện y tế và chăm sóc sức khỏe đã được cải thiện, và tuổi thọ trung bình của loài người ngày càng tăng. Dân đông thì lực lượng lao động cũng đông, tạo động lực cho kinh tế thế giới
Nhưng 7 tỷ người cũng là một gánh nặng và gia tăng sức ép lên trái đất và môi trường sống của chúng ta. Người đông, xe đông, tiêu thụ tài nguyên nhiều, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng cùng những vấn đề xã hội như thất nghiệp và tệ nạn gia tăng sẽ là những điểm xấu mà nhân loại phải đối mặt khi dân số tăng.
Đến nay, bà mẹ trái đất vẫn còn chịu đựng được 7 tỷ đứa con. Nhưng đến cuối thế kỷ này, dự báo sẽ có 10 tỷ người và khi đó trái đất sẽ phải phình to ra 2,8 lần so với hiện nay mới cáng đáng được sứ mệnh - và điều đó là viễn tưởng. Vì vậy vấn đề bảo tồn và sử dụng hiệu quả tài nguyên để cải thiện chất lượng cuộc sống đang được những người tiến bộ quan tâm hàng đầu.
Theo VNE