Những sáng kiến bạc tỷ
(BDO) Giám đốc trẻ Trần Ngọc Bình hiện công tác tại Nhà máy gạch ngói Bến Cát thuộc M&C Bình Dương là một gương mặt điển hình trong phong trào thi đua sản xuất. Những sáng kiến của anh đã giúp công ty tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm.
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, anh Bình về Xí nghiệp đá số 3 trực thuộc M&C Bình Dương công tác với vai trò là kỹ thuật viên. Đến năm 2002, khi Nhà máy gạch ngói Bến Cát ra đời, anh được điều về nhận nhiệm vụ với vai trò là giám đốc nhà máy. Giai đoạn này, không những Bình Dương mà các tỉnh, thành khác nhu cầu về gạch, ngói phục vụ cho việc xây dựng tăng cao; Nhà máy gạch ngói Bến Cát phải hoạt động hết công suất mới đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Khi công nghệ làm gạch, ngói phổ biến, áp lực cạnh tranh, cùng với đó là trách nhiệm bảo vệ môi trường cho cộng đồng đã đặt ra cho chàng giám đốc trẻ nhiều trăn trở.
Trước việc nhiều đối thủ cũng có những sản phẩm tương tự, bài toán tiết kiệm chi phí để hạ giá thành sản xuất là một vấn đề không dễ dàng giải quyết đối với công ty. Cùng với đó là việc chứng kiến anh chị em công nhân làm quần quật bên lò nung hoạt động 24/24 giờ, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe đã làm anh suy nghĩ rất nhiều. Bên cạnh đó, việc giảm thải tác động đến môi trường sống xung quanh cũng là một áp lực lớn. Giám đốc Trần Ngọc Bình đã mất rất nhiều thời gian, tâm huyết để tìm cách tháo gỡ những khó khăn, hạn chế mà nhà máy đang gặp phải.
Giải pháp được anh Bình đưa ra là việc xếp lên và nâng xuống goong bằng xe cải tiến được thay thế bằng ballet và xe nâng. Ban đầu phương án này gặp thất bại liên tiếp do goong thường bị sạt lở, đổ, cạ vào vách lò; trong khi đó khối xếp chưa chuẩn đã ảnh hưởng đến chất lượng nung. Với sự quyết tâm, kiên trì, cuối cùng phương pháp này cũng được anh nghiên cứu thành công, giúp năng suất lao động tăng lên gấp đôi.
Cũng kiên trì với việc tiết kiệm nhiên liệu, nay anh Bình đã mạnh dạn cải tiến nhiên liệu nung đốt: dùng cám vỏ trấu, xỉ than và một số phế thải công nghiệp khác thay thế than đá. Ưu điểm phương pháp này là không những giúp nhà máy giảm giá thành mua nhiên liệu, mà còn giảm thiểu tối đa khí thải có hại ra môi trường.
Bằng hai sáng kiến thay đổi phương pháp lên xuống goong và nhiên liệu đốt, anh Bình đã giúp công ty tiết kiệm mỗi năm hàng tỷ đồng. Riêng trong năm 2015, ứng dụng hai giải pháp này, Nhà máy gạch ngói Bến Cát đã tiết kiệm được hơn 6 tỷ đồng.
Nói về sự nỗ lực của mình, anh Bình chia sẻ: “Những lúc khó khăn đừng nên bi quan vội, vì đây chính là cơ hội để nhà máy nhận ra những hạn chế của mình. Từ đó, chú trọng đổi mới công tác quản lý, kiên quyết khắc phục nhanh chóng những yếu kém, tinh giảm các hoạt động không cần thiết để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động. Đối với tôi, khó khăn đó chính là cơ hội”.
PHÙNG HIẾU