Những phút cuối trong cuộc đời Kennedy

Thứ tư, ngày 20/11/2013

"Phòng cấp cứu chật cứng người nhưng im lặng đáng sợ. Tất cả các chuyên gia giỏi nhất về thần kinh, gây mê, tiết niệu và tim mạch đã được gọi đến", bác sĩ phẫu thuật thần kinh Robert Grossman nhớ lại những phút cuối của tổng thống Mỹ Kennedy 50 năm trước.

Cách đây 50 năm, vào trưa ngày 22-11-1963, bác sĩ Grossman đang nói chuyện với đồng nghiệp ở bệnh viện Parkland ở Dallas, đột nhiên chuông điện thoại réo vang. Cảnh sát thông báo Tổng thống Kennedy vừa bị bắn và yêu cầu ông đến ngay phòng cấp cứu.

Hay tin sét đánh, bác sĩ Robert Grossman cùng đồng nghiệp cấp trên Kemp Clark trao đổi thêm với nhau vài giây rồi vội vã đến tòa nhà chính trong bệnh viện. Khi trông thấy từ xa một đoàn xe cứu thương và cảnh sát đang nối đuôi lao tới phòng cấp cứu đặc biệt, hai chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật thần kinh chạy thục mạng về phía đó. Tổng thống Kennedy được đưa tới phòng cấp cứu số 1 lúc 12h43, bác sĩ Grossman và Clark có mặt lúc 12h48.

 

Tổng thống thứ 35 của Mỹ John F. Kennedy. Ảnh: Wikipedia

"Ngay khi mở cửa ra là bạn đã có thể nhận thấy rõ ràng ai đang nằm trên giường bệnh", bác sĩ Grossman nhớ lại. Tổng thống Kennedy được đặt trên một chiếc giường giữa phòng và vẫn mặc nguyên bộ quần áo trên người, trừ chiếc jacket lễ phục. Một nhân viên đặc vụ đã cởi chiếc áo này để che tổng thống không cho các phóng viên chụp ảnh khi đưa ông vào viện cấp cứu.

Có lẽ do trường hợp quá đặc biệt của bệnh nhân mà các bác sĩ bệnh viện Parkland đã không cởi chiếc áo sơ mi trắng của Tổng thống Kennedy. Họ thao tác với một sự cẩn thận cao độ và chỉ cắt đi chiếc cà vạt màu thẫm và mở chiếc cổ áo của ông mà thôi.

Căn phòng cấp cứu chật cứng người nhưng không khí im lặng một cách đáng sợ. Tất cả các chuyên gia giỏi nhất về mổ, giải phẫu thần kinh, gây mê, tiết niệu, răng miệng và tim mạch đã được gọi đến khu vực cấp cứu nhưng họ trao đổi với nhau rất ít. Bác sĩ Grossman hồi tưởng: "Tôi nghĩ tất cả mọi người đã thực sự bị sốc".

Bác sĩ Grossman còn nhớ lúc đó có tất cả 23 người trong phòng, gồm cả đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy. Nỗi lo lắng và căng thẳng hiện rõ trên từng khuôn mặt. "Bà Jacqueline mặc một bộ lễ phục màu hồng. Phần trước chiếc váy của bà còn vương nhiều vết máu và não người. Lúc đó, bà vẫn còn làm chủ được bản thân nhưng gương mặt thì tái mét".

Bác sĩ Clark và Grossman tiến về phía bệnh nhân. Ngay lập tức Grossman nhận thấy một vết thương nghiêm trọng trên đầu tổng thống. Bác sĩ Clark đứng bên trái còn Grossman đứng bên phải giường bệnh. Hai chuyên gia giải phẫu thần kinh nhấc đầu của Tổng thống Kennedy lên để kiểm tra vết thương. Bác sĩ Grossman còn nhớ có một khối màu trắng đùn ra bên ngoài vết vỡ của xương sọ tổng thống Kennedy, một người khá rậm tóc.

"Ngay khi tôi nhìn thấy cảnh đó, tôi đã tự nói với mình rằng đây không phải là một vết thương có thể cứu chữa được", bác sĩ Grossman kể. Trong suốt quá trình cầm dao mổ, ông đã gặp nhiều bệnh nhân bị bắn nhưng chưa bao giờ có ai bị thương trầm trọng như tổng thống.

Bác sĩ Clark và Grossman đặt đầu Kennedy xuống giường và bắt đầu các biện pháp nhằm cố giành giật người đứng đầu Nhà Trắng từ tay tử thần. Nhưng mọi nỗ lực đã vô hiệu, họ đã không thể làm cho trái tim của ông đập trở lại. Sau khoảng hơn 10 phút, đến 1h chiều thì bác sĩ Kemp Clark thông báo: Tổng thống Kennedy đã qua đời.

 

Một nhân viên mật vụ Mỹ lao lên chiếc limousine chở tổng thống Kennedy và phu nhân, ít giây sau khi phát đạn chết người trúng vào tổng thống. Ảnh: Wikipedia

Cũng giống như hàng triệu người khác trên khắp thế giới, hôm đó bác sĩ Grossman đã trở về nhà với tâm trạng khó tả và bị chi phối bởi những gì đã xảy ra. Hàng loạt câu hỏi hiện ra trong đầu ông: "Tại sao chuyện này lại xảy ra? Phải chăng đây là sự bắt đầu của Chiến tranh thế giới thứ III?..."

Khi xảy ra vụ ám sát gây chấn động thế giới tròn 50 năm trước, bác sĩ Robert Grossman mới 30 tuổi. Ban đầu ông đã cố giữ im lặng về những gì được chứng kiến năm 1963 vì lo sợ khi nói ra chuyện đó có thể gây nguy hiểm cho các con của mình, nhưng nhiều chục năm sau ông đồng ý kể lại những gì mắt thấy tai nghe.

Ông đã nghe nhiều đến sự quan tâm của dư luận về công tác khám nghiệm tử thi Tổng thống Kennedy và không muốn trở thành tâm điểm sự chú ý của mọi người. Bác sĩ Grossman đã không bị yêu cầu làm việc với Uỷ ban Warren, cơ quan phụ trách điều tra vụ ám sát.

Mãi về sau khi đã ngoài tuổi 70, ông mới cố gắng để làm sáng tỏ một số câu hỏi liên quan đến sự kiện ngày 22-11-1963. Ông đã dành nhiều thời gian để tập hợp thông tin về vụ ám sát này. Ông cho biết đã không còn lo lắng đến những đứa con của mình vì chúng đã khôn lớn và muốn góp sức để xua tan bức màn bí ẩn bao quanh vụ Tổng thống Kennedy.

Bác sĩ Grossman nói: "Tôi tin vào những bằng chứng cho thấy tổng thống Kennedy đã bị bắn từ phía sau". Thông tin này ủng hộ cho những kết luận trước đó của Uỷ ban Warren rằng: Kennedy đã bị một mình sát thủ Lee Harvey Oswald bắn bằng khẩu súng trường Mannlicher-Carcano, cỡ nòng 6,5 mm do Italy sản xuất, từ tầng 6 của một nhà kho.

Bác sĩ Grossman nhận định có nhiều giả thuyết, trong đó có cả ý kiến cực đoan, về những gì đã xảy ra với tổng thống Kennedy. Theo ông, cần phải loại bỏ một số giả thuyết quá cực đoan và xa rời thực tế. Khi được hỏi sự kiện ngày 22-11-1963 có chi phối cả cuộc đời ông không, bác sĩ Grossman đã khẳng định dứt khoát: "Hoàn toàn không".

Theo Vnexpress