Những nữ nhà giáo “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”

Thứ sáu, ngày 06/03/2015

Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ không những làm tròn trách nhiệm là người vợ, người mẹ trong gia đình, mà còn tham gia gánh vác công việc xã hội. Đối với nữ nhà giáo, các cô vừa làm nhiệm vụ trồng người, vừa vun đắp hạnh phúc gia đình. Những nữ nhà giáo mà chúng tôi giới thiệu dưới đây là các trường hợp cụ thể trong phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”.

CÔ VƯƠNG KIM PHỤNG:

Sắp xếp hài hòa việc trường, việc nhà

22 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Vương Kim Phụng, trường THPT Bình Phú (TP.TDM) đã phải nỗ lực, sắp xếp, vượt qua chính mình để làm tròn việc trường và việc nhà. Để hoàn thành cả 2 nhiệm vụ, cô luôn lập ra kế hoạch, mục tiêu rõ ràng. Cô tâm sự, cân bằng giữa việc làm và cuộc sống gia đình không phải là việc dễ dàng. Trước hết, phải biết cách quản lý thời gian và sắp xếp công việc hiệu quả, công việc ở trường cố gắng giải quyết cho xong. Những việc như chấm bài, soạn giảng, chuẩn bị đồ dùng dạy học cũng được thực hiện rốt ráo. Là một người thầy, cô luôn mong muốn đem đến cho học trò những tiết học sinh động, hiệu quả. Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, cô Phụng đã viết nhiều sáng kiến kinh nghiệm. Trong 5 năm qua, cô có 3 đề tài được xếp loại B cấp tỉnh. Để làm giàu vốn kiến thức cho mình, cô còn tham gia nhiều lớp học nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, các lớp tập huấn. Cô đã học và thi lấy chứng chỉ C1 theo khung năng lực tiếng Anh của châu Âu. Hiện nay, cô đang theo học lớp thạc sĩ quản lý giáo dục nhằm nâng cao và cập nhật kiến thức. Từ những nỗ lực của cô, năm 2009 đến nay, tỷ lệ bộ môn tiếng Anh cô dạy đều đạt trên tỷ lệ chung của tỉnh, lớp cô chủ nhiệm đậu tốt nghiệp đạt từ 97,6% trở lên, tỷ lệ học sinh (HS) đậu đại học đạt gần 50%.

Hết lòng vì HS thân yêu, xem HS như con, em của mình, cô Phụng còn giáo dục đạo đức cho HS, dạy các em biết yêu thương, kính trọng người lớn, biết giúp đỡ bạn, những người không may… Từ sự giáo dục của cô, năm 2009 đến nay, tỷ lệ hạnh kiểm HS của cô đã nâng lên rõ rệt.

(BDO) Việc trường bộn bề, nhưng nhờ biết sắp xếp thời gian hợp lý, cô đã chăm sóc tốt tổ ấm của mình. Cô nói “tuy bận rộn nhưng tôi cũng cố gắng dành thời gian chăm lo tốt các con. Sắp xếp một thời gian biểu hợp lý, cân bằng giữa công việc và gia đình là cũng để tự nhắc bản thân không xao lãng gia đình. Điều này sẽ giúp chúng ta có thể quan tâm đến những người thân của mình, ngay cả khi quỹ thời gian rất ít”.

CÔ LÂM THỊ HIỆP:

Người lái đò cần mẫn

Ngay từ khi còn học tiểu học, cô Lâm Thị Hiệp, hiện là giáo viên trường THCS Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên) đã ước mơ làm cô giáo. Từ đó cô nỗ lực học tập và chính thức làm cô giáo từ năm 1984.

Như bao người phụ nữ trưởng thành khác, cô đã lập gia đình và có con. Yêu gia đình của mình và yêu chính nghề mình đã chọn, cô Hiệp đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn để nuôi con khỏe, dạy con ngoan và làm tròn nhiệm vụ của người thầy. Khi hai con trai song sinh chưa đầy 1 tuổi, cô tiếp tục thi giáo viên giỏi vòng tỉnh lần thứ 3 sau thời gian bảo lưu kết quả. Cô nghĩ, người giáo viên dạy cho học trò phải dạy bằng cả một tấm lòng như người mẹ dạy con. Trước hết cần đưa các em đi vào nề nếp để rèn luyện cho các em ý thức học tập ngay từ đầu. Muốn làm được điều này, người giáo viên phải tìm hiểu hoàn cảnh của các em, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt, phải tạo cho các em sự tự tin, thầy cô là chỗ dựa tinh thần cho các em và là trung tâm gỡ rối khi các em gặp khó khăn. Cô chia sẻ, người thầy đừng nên dùng quyền uy để áp đặt HS những điều quá đáng, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc học của các em. Nhiều năm đứng trên bục giảng, cô nhận thấy HS kỳ vọng vào mình rất nhiều, nên cô đã dồn tất cả tâm huyết vào việc dạy học.

Với trọng trách đào tạo nhân tài cho đất nước, dù đã có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy, nhưng lúc nào cô Hiệp cũng tự học, tự rèn. Cô nói: “Chúng tôi đang thực hiện theo cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “dạy tốt - học tốt”, cùng với tấm lòng “Tận tâm, tận tụy, tận lực, tất cả vì HS thân yêu”. 30 năm đứng trên bục giảng, cô như người “lái đò” âm thầm đưa bao thế hệ trẻ cập bến tương lai.

CÔ NGUYỄN THỊ KIM LIÊN:

Dung hòa việc trường và việc nhà

Bàn luận với chúng tôi về phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, cô Nguyễn Thị Kim Liên, cán bộ Phòng Giáo dục - Đào tạo Phú Giáo, cho rằng dù trong thời kỳ và bất cứ cương vị nào, người phụ nữ cũng phải đảm đương công việc xã hội và lo chu toàn việc nhà. Trong giai đoạn hiện nay, người phụ nữ phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, năng lực công tác, cũng như kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, để có thể đảm đương được công việc xã hội, vừa xây dựng gia đình hạnh phúc. Cô nghĩ, trong thời đại hiện nay, người phụ nữ phải phát huy hơn nữa năng lực, trí tuệ để bắt kịp xu thế của thời đại, nhưng không vì thế mà làm lu mờ đi thiên chức của người mẹ, người vợ trong gia đình.

Theo cô Liên, để thực hiện tốt công việc trong cơ quan và làm tròn thiên chức của người phụ nữ trong gia đình là điều không đơn giản. Để dung hòa việc trường và việc nhà, người phụ nữ phải biết sắp xếp khoa học, hợp lý trong từng công việc, dù là việc nhà cũng phải có kế hoạch cụ thể. Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, vai trò của phụ nữ nói chung và phụ nữ ngành giáo dục nói riêng càng nặng nề hơn.

Với cô Liên, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại cơ quan thì một trong những điều cần thiết là lúc nào cũng cảm thấy yên tâm mỗi khi về đến nhà và tìm thấy niềm vui ở đó. Có những lúc mệt mỏi, căng thẳng trong công việc, nhưng không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc đã giúp cô trở lại bình thường và lấy lại tinh thần để tiếp tục công việc.

“Thành công không phải là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc, hạnh phúc là chìa khóa dẫn tới cánh cửa thành công. Nếu bạn yêu điều bạn đang làm thì bạn sẽ thành công và hạnh phúc”, cô Liên đã mượn một câu danh ngôn để kết luận về việc rèn luyện, phấn đấu trong công tác và giữ gìn hạnh phúc gia đình.

 

 A.SÁNG