Những nỗi đau quặn lòng từ buổi cầu siêu ở chùa Bái Đính
Nhiều người thân nạn nhân tai nạn giao thông cầu nguyện cho các linh hồn siêu thoát.
Chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình) nhá nhem chiều. Những cơn gió hun hút mỗi lúc một to, trời u ám giữa quang cảnh lạnh lẽo vùng bán sơn địa. Phía ngoài, những tiếng kinh cầu siêu vang vọng xa dần, đau đáu cả một vùng núi nơi cửa phật.Xen lẫn trong dòng người nghiêng mình kính cẩn đọc kinh, niệm phật, tiếng khóc nấc của những người thân nạn nhân tai nạn giao thông thi thoảng lại ri rỉ như những uẩn ức chẳng thể nguôi về cái ngày gia đình rơi vào cảnh ly tán, chồng mất vợ, cha mất con...
Với họ, ngày mà người thân ra đi mãi mãi là thời khắc đau buồn không thể nào quên trong suốt quãng đời còn lại.
“Xé toang” mái ấm hạnh phúc
Bước qua hàng trăm bậc cầu thang đá dài tới hơn 1 cây số, chúng tôi mới có thể lên tận đỉnh chùa Bái Đính. Toàn bộ kiến trúc ngôi chùa này nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.
Ngay từ sớm nay, hàng nghìn người con từ khắp các miền quê đất nước đều dồn về ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Ngồi trong không gian rộng lớn của điện Tam Thế, hàng nghìn người đã không kìm được nước mắt về những người thân đã bị lưỡi hái “tử thần” cướp đi sinh mạng trên các tuyến đường.
Trong tòa điện Tam Thế, nhiều người cầu nguyện cho linh hồn thân nhân thiệt mạng được siêu thoát. Những ngọn nến được thắp lên, leo lắt vang vẳng cùng tiếng mõ, kinh khiến khung cảnh có phần lạnh lẽo, cô quạnh.
Gần 2 năm qua, chị Nguyễn Thị Thảo 36 tuổi, thành phố Thái Bình vẫn chưa thể nguôi nỗi đau mất chồng con trong một vụ tai nạn. Câu chuyện chị kể trước mặt tôi như một thước phim quay ngược lại cái ngày định mệnh chồng con ra đi.
Mắt đỏ quạch, hàng mi thâm quầng. Chị Thảo kể, chưa bao giờ giấc ngủ được trọn vẹn bởi hình ảnh về người thân như vẫn bên cạnh. "Như lúc này đây, có thể, bố con nó đang ngồi một nơi nào đó trong tòa điện này để lắng nghe tôi nói chuyện…", chị Thảo nghẹn ngào.
Lập gia đình từ năm 26 tuổi và viên mãn hạnh phúc khi sinh hạ được đứa con trai kháu khỉnh. 5 năm sau, gia đình lại đón thêm thành viên là một bé gái. Tưởng chừng, mái ấm ấy thường ngày vẫn đầy ắp tiếng cười, tiếng bi bô tập nói của con trẻ. Thế rồi, thảm họa ập xuống đã “xé tan” hạnh phúc gia đình, vốn là niềm mơ ước của bao đôi vợ chồng.
Sáng sớm, chồng chị đưa đứa con lớn học lớp 4 đến trường, chiếc xe tải đột ngột mất lái và tông thẳng kéo lê chồng con 10 mét. Khi đó, chị đang ở nhà cho bé gái ăn sáng.
Nhận được tin báo, chị hốt hoảng chạy đến. Từ xa, đám đông tụ tập, xúm lại bên đường. Chen vào bên trong, chị bủn rủn chân tay khi nhìn thấy cảnh xác chồng đã được đắp chiếu nằm ven đường. Hốt hoảng tìm con, nhiều người bảo, cháu đã được đưa tới bệnh viện.
Thất thần bên thi thể chồng, nước mắt không còn để chảy, chị Thảo chỉ biết răm rắp làm theo sự chỉ dẫn của những người có mặt tại hiện trường. Thi thể anh sau đó được đưa về nhà xác bệnh viện để khám nghiệm. Tại đây, chị nhận thêm nỗi đau quá lớn khi tiếp tục hung tin, con trai đầu lòng cũng đã qua đời vì bị chấn thương quá nặng.
Chỉ trong phút chốc ấy, chị Thảo và người thân trong gia đình gần như ngã quỵ.
Lục chiếc ảnh bé được cất cẩn thận trong túi, khuôn mặt bầu bĩnh, nước da trắng trẻo, nụ cười rạng rỡ, chị Thảo thất thần nói: “Mới ngày nào, bố con nó dẫn nhau đi mua đồ chơi xếp hình, siêu nhân, đi công viên chơi đu quay, cầu trượt… Tất cả vẫn như mới hôm qua. Mỗi đêm, đứa em gái nhớ cha, nhớ anh cứ khóc đòi gặp. Tôi thương quá, không biết phải giải thích sao cho cháu hiểu,”, chị Thảo khóc nghẹn.
Những bưa cơm gia đình giờ đây chỉ còn 2 người. Chị vẫn lấy 4 chiếc bát, vẫn nấu những món ăn mà chồng con chị ăn thường ngày như là một niềm an ủi “sống sao, chết vậy”. Đến giờ, chị Thảo vẫn chưa thể tin được núm ruột của mình, người đầu ấp tay gối hàng ngày bỗng chốc yên ngủ dưới đám cỏ xanh chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của người cầm lái chiếc xe định mệnh.
Cách đó không xa, bác Phạm Trọng Thanh, 56 tuổi (Mê Linh, Vĩnh Phúc) dường như vẫn chưa thể tin con mất nên thường ngày vẫn ôm ảnh con Phạm Huy Khánh nghẹ ngào khóc: “Con ơi, con mất rồi nhưng bố vẫn nuôi con khôn lớn…”
Nuôi con vất vả ăn học. Đến lúc ra trường, bác nghe tin sét đánh khi cậu con trai út tử nạn trên đường cao tốc Bắc Thăng Long-Nội Bài từ trường Bách Khoa về nhà để khoe bố kết quả tốt nghiệp Đại học.
“Chiều nào, tôi cũng một mình ra nghĩa trang, nắng cũng đi, mưa cũng đi. Lẻ loi, lặng lẽ, bác ngồi bên mộ con, kể chuyện nó nghe về gia đình, đám bạn bè nó vợ con ra sao. Rồi đọc những lá thư hờn dỗi, trách móc của bạn bè ‘Sao cậu ra đi không nói một lời, làm tụi tớ buồn lắm. Buồn vì đã mất đi một người bạn, buồn vì cậu đi một cách oan ức…; Khánh ơi, khi cậu đi, cả lớp buồn lắm và khóc nhiều nữa…” bác Thanh nấc nghẹn từng lời.
Nỗi đau quặn lòng âm ỉ
Những người thân ra đi đã để lại bao khoảng trống tình cảm. Giờ đây, người ở lại chẳng biết bấu víu tiếp vào đâu… khi những người chồng, vợ vốn đã vĩnh viễn vùi lấp thân mình trong đất mẹ ngàn thu.
Bế đứa con gái được 2 tuổi, chị Hoàng Thị Huệ (Gia Viễn, Ninh Bình) vẫn nhớ như in những tháng ngày chạy chữa cho chồng nhưng không thể qua khỏi sau vụ tai nạn.
Bị xe đâm trực diện do một thanh niên say rượu đi ngược chiều, chồng chị bị chấn thương sọ não và chuyển lên viện Việt Đức mổ. Số tiền dành dụm trong những năm qua được chị dồn hết vào viện chỉ với tâm niệm, anh sẽ sớm bình phục. Đến khi anh mất đi, tổng chi phí chạy chữa hết hơn 1 tỷ. Giờ đây, chị vẫn gánh trên vai số tiền vài trăm triệu đồng sau thảm họa đó.
Nước mắt lăn dài trên gò má đen sạm, chị Huệ ngậm ngùi nói: “Nếu không có đứa con này, chắc tôi không sống nổi sau sự việc quá đau đớn đó. Nhiều lúc nhìn con, tôi lại cố gắng kìm lòng, gượng dậy mà sống vì con.”
Ngồi kế bên, bác Thoa, mẹ chồng chị Huệ mắt đỏ hoe. Người phụ nữ năm nay vừa bước qua ngưỡng cửa tuổi lục tuần ấy vẫn không thể kìm được lòng mình dù bao đêm, nước mắt đã chảy ngược vào trong.
Câu chuyện chợt rẽ sang một mạch khác khi bác Thoa kể, chưa ai nếm trải dư vị mặn chát sự nghiệt ngã mà tạo hóa cuộc sống tạo ra cho mình.
Có 2 người con, đến giờ, bác chỉ còn duy nhất cô con gái về làm dâu. Người phụ nữ với mái tóc bạc phơ hiện nay chỉ còn niềm an ủi duy nhất là cô cháu gái mới chập chững những bước đi đầu tiên trong cuộc đời.
Dáng vóc gày còm, đôi tay gân guốc, chai sạm, bác Thoa kể: "Trong 6 năm, kẻ đầu bạc này đã phải tiễn đưa 2 mái đầu xanh về với ông bà, tổ tiên."
Sau khi chồng chị Huệ tai nạn, cô con gái út của bác cũng bị mất trong một lần đi về nhà bạn chơi. Ấy là vào mùa đông, trời rét căm căm, nhưng hôm đó, bác lại thấy nóng ruột và linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành.
Nhá nhem tối, một giọng nói lạ điện về nhà, bác Thoa giật mình khi biết tin, cô út xấu số đã theo chân anh, bỏ lại một mình mẹ trên thế gian này.
“Hai lần đưa tiễn con, tôi không còn nước mắt để khóc. Nay, đến chùa tưởng niệm, tôi cầu mong linh hồn chúng siêu thoát, thường ngày về với mẹ với vợ con nó để an ủi, động viên và phù hộ sức khỏe để chăm lo cho con cháu được tốt,” bác Thoa tâm sự.
Với những người mẹ, người vợ, tai nạn giao thông vẫn là nỗi ám ảnh đằng đẵng suốt cuộc đời họ. Tử thần đến rồi đi rất nhanh nhưng những giọt nước mắt sẽ còn mãi đó, trong lòng người ở lại cũng hằn sâu khắc khoải.
Theo TTXVN