Những niềm hy vọng cuối năm
(BDO) Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, người lao động xa quê ở các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng với rất nhiều lao động khác đang siêng năng làm việc để hy vọng có được cái tết ấm cúng, được sum họp bên cạnh gia đình thân thương tại quê nhà…
Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân tỉnh tổ chức chương trình đêm hội giao thừa năm 2019 dành cho lao động xa quê
Buổi tối của những ngày cuối năm, nhịp sống lúc tan tầm tại các khu công nghiệp dường như vội vã hơn. Giờ tan ca, đã vào khoảng 20 giờ, một nhóm anh chị em công nhân cùng nhau về phòng trọ sau một ngày làm việc, dù mệt nhưng họ vẫn vui vẻ nói cười. Chị Nguyễn Thủy Ngân, công nhân của một công ty sản xuất giày ở TX.Thuận An nói: “Vào tháng cuối năm, công ty thường tăng ca để làm sản phẩm kịp đáp ứng nhu cầu thị trường mua sắm. Công nhân tăng ca tuy có mệt nhưng nghĩ đến việc có thu nhập để có thêm chút đỉnh tiền về quê ăn tết với gia đình thì mọi người đều siêng năng làm việc”.
Dạo quanh chợ đêm công nhân ở phường Thuận Giao (TX.Thuận An), vào mùa cuối năm thì khu vực bày bán quần áo, giày dép, giỏ xách… thu hút nhiều khách hàng, chủ yếu là công nhân lao động ở trọ đến mua sắm. Chúng tôi đến một quầy giày dép, chị Nguyễn Hồng Nhung, chủ quầy hàng đang mở những bao hàng mới để bày lên thêm nhiều mẫu mã mới. Chị Nhung vừa nhanh tay làm, vừa cho chúng tôi biết: “ Tôi cũng là lao động xa quê đến Bình Dương làm việc. Một năm chủ yếu bán hàng được vào mùa tết này nên phải tranh thủ và thường xuyên đi lấy hàng mới về thì khách mới thích và mua nhiều hơn. Chỉ như vậy thì mới mong có thêm tiền để ăn tết”.
Chuyện về quê ăn tết đối với nhiều lao động xa quê vẫn còn là điều chưa thực hiện được khi mà điều kiện chưa có. Sang khu vực ăn uống của chợ đêm công nhân phường Thuận Giao, tôi tiếp chuyện với ông Nguyễn Minh Nhật (50 tuổi, quê ở Cà Mau) bán cá viên chiên. Ông Nhật chia sẻ: “Bán món ăn này có lúc được lúc không nhưng vì vốn ít nên tôi cố gắng mưu sinh. Mùa lễ hội cuối năm mọi người thường đi mua sắm, thư giãn nhiều nên ngoài khu chợ ra thì tôi còn đẩy bán ở khu công viên, vui chơi, hội chợ quanh khu vực phường Thuận Giao để có thêm ít tiền sinh sống chứ chưa có nhiều tiền để về quê ăn tết với vợ con”.
Sau giờ tan ca muộn, nhiều anh chị em công nhân Khu công nghiệp VSIP 1 ghé tạt qua những xe hủ tiếu mì gõ để ăn vội. Xe hủ tiếu mì gõ phục vụ công nhân lao động giá rẻ là món ăn vừa nhanh, vừa tiện của nhiều lao động ở trọ. Những xe hủ tiếu mì gõ này cũng là người lao động xa quê đến Bình Dương buôn bán để mưu sinh. Anh Phạm Văn Trọng, quê ở Tiền Giang chia sẻ: “Xe hủ tiếu mì gõ này gắn bó với tôi đã hơn 5 năm rồi, chủ yếu phục vụ bán cho công nhân lao động ăn sau giờ tan ca. Tháng cuối năm, để có thêm tiền, thay vì bán buổi chiều thì tôi bán thêm buổi tối cho công nhân tăng ca. Xa quê ngần ấy năm, năm nào cũng vậy, không về quê sớm được như nhiều người vì tôi cố gắng bán tới những ngày cuối tháng chạp. Tôi bán xong tới tối 29 tết rồi dọn dẹp, sáng sớm 30 tết lên xe về quê là kịp ăn tết với gia đình”.
Cũng như anh Trọng, chị Trần Ngọc Ngà quê ở Kiên Giang cũng mong rằng tết năm nay chị về sớm để ăn tết với gia đình. Chị bán rau ở chợ Phước An gần Công ty Chí Hùng (TX. Tân Uyên). Từ ngày xa quê đến nay tính ra chị bán rau tại chợ này cũng đã 10 năm. Chị thuê sạp bán cả ngày trong chợ, trừ chi phí thì đủ để gửi tiền về cho ông bà ở quê nuôi con. Hai, ba năm đầu xa quê thì ở lại Bình Dương ăn tết. Mấy năm sau đó cho đến tới năm nay, tôi đã dự tính bán xong ngày 28 tết là thu dọn đồ lên xe về quê và hy vọng có một mùa xuân vui vẻ hơn và hạnh phúc bên gia đình”.
K.TUYẾN