Cổng thông tin điện tử và phần mềm "Một cửa":
Những nhịp cầu kết nối ý Đảng, lòng dân
(BDO) Thực hiện Kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 và quyết định về xây dựng Đề án thành phố thông minh của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế theo định hướng xây dựng chính quyền điện tử, chuyển dần sang tầm nhìn “Thành phố thông minh”. Những ứng dụng CNTT phục vụ đắc lực cho người dân và doanh nghiệp (DN) là Cổng Thông tin điện tử (TTĐT), phần mềm một cửa và dịch vụ công trực tuyến.
Không ngừng hoàn thiện cho Cổng TTĐT,“bộ mặt” chính quyền...
Cổng TTĐT do Trung tâm TTĐT quản trị và điều hành trực thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông (TT&TT), có chức năng, nhiệm vụ cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, công khai quy trình, thủ tục dịch vụ hành chính công và tổ chức trả lời thư của công dân trên mạng liên quan đến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây chính là “bộ mặt” của chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương, cũng chính là “bộ tham mưu” quản trị và điều hành các trang web của các sở, ngành trực thuộc tỉnh.
Giao diện Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương
Quả đúng với vai trò là chiếc “cổng” của tỉnh, đến với Cổng TTĐT, mọi người có thể biết được mọi thông tin cần thiết về chính quyền tỉnh Bình Dương. Các thông tin đã được chọn lọc, phản ánh kịp thời hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trong tỉnh.
Tính đến nay, Cổng TTĐT đã cập nhật 466 văn bản lên mục văn bản của tỉnh, cụ thể có 8 văn bản báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, 377 văn bản chỉ đạo điều hành, 48 văn bản quy phạm pháp luật và 7 thông báo. Cổng đã cập nhật kịp thời lịch làm việc của UBND tỉnh và các thông báo mời họp đột xuất. Cổng có các mục được người dân và DN quan tâm theo dõi là Mục Hỏi đáp Công dân - Chính quyền, mục góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, mục DN - Chính quyền, mục Hỗ trợ tư vấn thủ tục hành chính cho DN. Khi nhận được thông tin phản hồi, Ban Biên tập Cổng đã lập phiếu chuyển câu hỏi cho các sở ngành chức năng trả lời trực tiếp cho người dân, DN. Nổi bật là công tác tuyên truyền về việc xây dựng Thành phố thông minh, sự kiện Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần 2 - Bình Dương năm 2017...
Ngoài Cổng TTĐT tỉnh, từ tháng 6-2015, Trung tâm TTĐT còn đảm nhận thêm nhiệm vụ vận hành 5 Cổng thành phần của Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Trang Thông tin thống kê. Và từ tháng 6-2017, đảm nhận thêm các cổng thành phần tiếp theo: Trang thông tin hỗ trợ DN, cổng thành phần của Sở Y tế, Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Sở Giao thông Vận tải, Sở Ngoại vụ.
Ông Phan Thanh Nam, Giám đốc Trung tâm TTĐT cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác rà soát cập nhật thông tin tĩnh cho Cổng. Năm 2017, trung tâm đã tập trung cập nhật thông tin các chuyên mục tĩnh của Cổng như tổ chức, bộ máy, nhân sự của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; thông tin cần biết; thay đổi mã vùng điện thoại cố định. Đặc biệt, để nâng cao Chỉ số đánh giá Cổng TTĐT của tỉnh, trung tâm đã liên hệ trực tiếp với các sở, ngành để lấy thông tin và cập nhật bổ sung các thông tin còn thiếu theo đúng quy định. Đồng thời tham mưu, đề xuất bổ sung, thay đổi giao diện mục thông tin tĩnh nhằm đáp ứng các tiêu chí đánh giá Cổng. Trong năm đã thực hiện chuyển ngữ cơ bản đồng bộ thông tin tĩnh trên hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt. Đặc biệt, trên phiên bản tiếng Anh đã thêm chuyên mục Du lịch giới thiệu về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, điểm vui chơi, giải trí của tỉnh Bình Dương và 2 chuyên mục “Thủ tục dành cho người nước ngoài”, “Hỏi - Đáp”.
...Và “một cửa”, “một cửa liên thông” phục vụ chuyên nghiệp và hiệu quả
Cùng với việc bảo đảm cho Cổng TTĐT như một nhịp cầu thông thoáng, kết nối ý Đảng, lòng dân, thời gian qua, Trung tâm TTĐT, Sở TT&TT còn tích cực triển khai phần mềm “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, tiến tới thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp và hiệu quả ngay từ cấp cơ sở. Đến nay, Bình Dương đã hoàn thành triển khai phần mềm một cửa thống nhất từ tỉnh xuống huyện, tiếp tục triển khai các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã. Thông qua hệ thống phần mềm và hệ thống camera giám sát được đặt tại bộ phận “một cửa”, quá trình luân chuyển hồ sơ trong nội bộ cơ quan, thái độ phục vụ của cán bộ “một cửa” được lãnh đạo giám sát, theo dõi để chấn chỉnh kịp thời, nhằm phục vụ tốt hơn cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Trong năm 2017, toàn tỉnh đã đầu tư, bổ sung hạ tầng kỹ thuật khá hoàn chỉnh đến cấp xã, tạo điều kiện sẵn sàng triển khai các ứng dụng CNTT liên thông từ tỉnh xuống xã. Nhờ vậy, đã duy trì việc sử dụng thư điện tử, văn bản điện tử hiện có, xúc tiến nâng cấp phần mềm quản lý văn bản, đáp ứng yêu cầu liên thông 4 cấp, sử dụng chữ ký số và triển khai dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, quyết định của Thủ tướng.
Cũng trong năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt hoạt động ứng dụng CNTT “Nâng cấp phần mềm một cửa cấp huyện, triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 và liên thông phần mềm một cửa điện tử, cổng dịch vụ công cấp tỉnh”. Theo dự án này, Sở TT&TT sẽ triển khai phiên bản phần mềm một cửa điện tử tập trung cho UBND TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, Dĩ An.
Giải pháp bảo đảm an toàn thông tin
Ngoài việc chăm lo cho “bộ mặt” của chính quyền điện tử, “một cửa liên thông”, Trung tâm TTĐT, Sở TT&TT đặc biệt quan tâm thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho toàn bộ hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước và các Cổng TTĐT cơ quan Nhà nước. Trung tâm TTĐT được Sở TT&TT giao làm đầu mối ứng cứu khẩn cấp máy tính tại địa phương đối với Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT.
Hàng năm, Sở TT&TT đều thuê các đơn vị chuyên ngành an toàn thông tin tổ chức đánh giá mức độ ATTT của Cổng tỉnh và các cổng thành phần nhằm khắc phục các lỗ hổng nếu có để tránh bị “tin tặc” xâm nhập. Đặc biệt, tại Cổng TTĐT tỉnh, sở đã cử nhân viên giám sát thường trực 24/24. Tiếp tục cảnh báo và hướng dẫn cách khắc phục cho các đơn vị bị nhiễm mã độc, vi rút độc...
Kế hoạch năm 2018, Sở TT&TT, Trung tâm TTĐT tăng cường quản lý, vận hành Cổng TTĐT tỉnh và các cổng thành phần hoạt động liên tục và ổn định. Bảo đảm an toàn thông tin mạng, an toàn Cổng tỉnh, Cổng con thành phần và các website liên kết với Cổng tỉnh. Thường xuyên cập nhật thông tin lên Cổng TTĐT của tỉnh, chú trọng đưa tin kết quả tình hình kinh tế - xã hội, các thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo. Tiếp tục củng cố, phát triển đội ngũ cộng tác viên để viết tin, bài cho Cổng. Đưa vào vận hành Trang thông tin hỗ trợ DN và các cổng thành phần đã xây dựng mới. Phát triển chuyên mục “Giao lưu trực tuyến”, chuyên trang “Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, DN”, phát triển Trang tiếng Anh, xây dựng Trang tiếng Nhật, xây dựng thí điểm Trang tin của Chủ tịch UBND tỉnh, tiến dần đến “Thông tin đa phương tiện”.
Với những thành tựu đạt được, với định hướng hoạt động “đa phương tiện” trong tương lai, Cổng TTĐT tỉnh Bình Dương đang tạo ra những kênh thông tin - truyền thông hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện là giải pháp hữu hiệu thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền, người dân và DN, tiến đến xây dựng nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp và hiệu quả ngay từ cấp cơ sở. Đặc biệt, những cố gắng bảo đảm an toàn thông tin của ngành chức năng đã góp phần làm cho “Cổng tỉnh, huyện” và “Cửa các cấp” của tỉnh Bình Dương thực sự là nhịp cầu kết nối ý Đảng và lòng dân.
BẢO ANH