Những người “thổi hồn” vào mây, tre, lá
(BDO) Yêu nghề, nặng tình với nghề do ông cha để lại, những người thợ đan lát thủ công ngày nay vẫn đang miệt mài mang những sản phẩm truyền thống song hành với cuộc sống hiện đại. Từ những thân mây, tre gai góc, những cây cói cứng cáp hay những lá cọ, thân cây lục bình thô kệch, qua đôi bàn tay khéo léo của mình, những người thợ thủ công đã “thổi hồn” thành những sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ mang đậm tâm hồn Việt, được bạn bè năm châu thích thú và ưa chuộng.
Bà Kiều Thị Tiếng vẫn tỉ mỉ và miệt mài làm ra những chiếc rổ bằng tre
Mây tre đan trong phố
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nên tôi đã quá quen thuộc với cây tre, cây mây, lá cọ. Tôi cũng đã được tận mắt chứng kiến ông bà mình dùng tre để đan lát thành các vật dụng sử dụng hàng ngày trong nhà. Lớn lên, ra thành phố học rồi vào Bình Dương lập nghiệp, hình dáng của những vật dụng đan lát thủ công ngày càng ít dần và thay vào đó là các sản phẩm bằng nhựa tiện lợi cho mọi gia đình. Ở Bình Dương cũng gần 10 năm, tôi không nghĩ giữa lòng phố xá đông đúc này có một cơ sở sản xuất mây tre đan thủ công nổi tiếng như Mây tre lá Thành Lộc ở khu phố Khánh Hội (phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên). Nhắc tới Mây tre lá Thành Lộc là nhắc tới các sản phẩm đan lát thủ công tỉ mỉ và đẹp mắt từ lục bình, mây, tre và cói. Các sản phẩm ở đây vừa mang hơi hướng truyền thống vừa có nét hiện đại nên được nhiều người ưa chuộng.
Theo hướng dẫn, chúng tôi tìm tới xưởng sản xuất của Công ty Mây tre lá Thành Lộc để “mục sở thị” quy trình tạo ra một sản phẩm của những người thợ thủ công ở đây. Tại đây, có rất nhiều người thợ thủ công lành nghề nhưng cũng có rất nhiều người thợ mới tới học nghề. Đặc biệt, có những gia đình có hai thế hệ cùng theo học nghề đan lát tại đây. Có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với công ty từ lúc còn là cơ sở nhỏ gia công các sản phẩm mây tre đan thông thường, chị Nguyễn Thị Cẩm Ngọc, quê ở tỉnhVĩnh Long, cho biết: “Nghề đan lát này rất cần sự cẩn thận, tỉ mỉ và quan trọng nhất là tính kiên nhẫn. 20 năm qua, khó khăn có, vất vả có, nhưng sau cùng, được cầm trên tay và ngắm nhìn những sản phẩm mình làm ra tôi vui lắm, bao khó nhọc cứ thế tan biến hết. Đến nay, nó như một phần của cuộc đời tôi và tôi chỉ mong luôn có sức khỏe để gắn bó với nghề, tiếp tục làm ra những sản phẩm chất lượng phục vụ mọi người”.
Đang ngồi tỉ mỉ vót từng sợi mây, chị Tô Cẩm Tú, quê ở tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Trước đây, tôi làm công ty chế biến hạt điều ở tỉnh Bình Phước. Năm 2020, tôi theo chồng xuống đây rồi được mẹ chồng đưa theo qua xưởng để làm thêm và học nghề với mẹ. Mới làm nên tôi thấy còn nhiều công đoạn khó làm. Nhiều hôm, do mây, tre sắc nhọn hay sợi cói cứng, khi về nhà, đôi bàn tay tôi ửng đó, đau rát. Hiện tại, tôi đã làm được những sản phẩm cơ bản và đang cố gắng học hỏi thêm từ các cô chú, anh chị để có thể làm những sản phẩm khó hơn, mới lạ hơn”. Thế mới thấy, nghề nào cũng cần phải qua quá trình học hỏi và có những hy sinh nhất định. Và với nghề đan lát, người làm còn cần nhiều sự tỉ mẩn và khéo léo.
Gắn bó với nghề
Về xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên hôm nay chúng ta vẫn có thể bắt gặp những cụ bà cần mẫn ngồi đan quạt, thúng, mẹt… từ cây tre, lá cọ. Mặc dù nghề đan lát hiện nay không còn hưng thịnh nhưng những người đã gắn bó cả cuộc đời với nghề ở đây vẫn không từ bỏ. Họ vẫn luôn tỉ mỉ với những sản phẩm mà họ tạo ra để vừa có thêm thu nhập vừa có thể tiếp tục “thỏa” niềm đam mê với nghề.
Chị Nguyễn Thị Hồng Oanh đang phơi những chiếc quạt do mình làm ra
Dù đã 74 tuổi, mắt có phần kém nhưng bà Kiều Thị Tiếng ở ấp 3 vẫn dành hàng giờ đồng hồ ngồi cẩn mẩn vót từng nan tre để đan rổ. Và dù đôi tay không còn dẻo và mạnh như trước nhưng những động tác vót nan của bà vẫn còn nhanh nhẹn và chính xác. “Tôi đã hơn 40 năm gắn bó với nghề đan rổ rá này. Cũng chính nhờ nghề này mà tôi có thu nhập ổn định, nuôi con cái lớn khôn. Mặc dù hiện nay nghề này không còn phổ biến, thu nhập không cao nhưng tôi vẫn quyết giữ nghề vì tôi yêu nghề và biết ơn nghề nhiều lắm”, bà Tiếng nói.
Hiện nay, tuổi đã cao nên một ngày bà Tiếng chỉ đan được từ 2 - 3 cái rổ. Làm được nhiều thì bà cung cấp cho các vựa hàng mây tre lá tại tỉnh Đồng Nai, ít thì cuối tuần bà sẽ mang ra chợ mới gần nhà để bán. “Mới đây, có mấy người ở bên nước ngoài về quê chơi, thấy mấy sản phẩm tôi làm đẹp nên họ đặt hàng để mang về làm quà tặng cho bạn bè. Tôi vui lắm vì những sản phẩm mình làm ra có thể được tới tay bạn bè quốc tế”, bà Tiếng hồ hởi khoe với chúng tôi.
Nhưng giờ đây, cũng các chất liệu ấy, khi được kết hợp với gỗ, nhựa, khung sắt, gốm sứ… thêm chút màu sơn là có thể cho ra đời một bộ ghế sofa xịn, những bình hoa đẹp mắt, thanh nhã và sang trọng… Những sản phẩm thuần Việt từ mây tre lá của Bình Dương đã và đang theo bạn bè quốc tế đi khắp 5 châu, góp phần quảng bá văn hóa, con người và tình cảm của nước Việt đậm đà, chân chất và hiếu khách. |
Men theo con đường Lạc An 18 được bê tông hóa sạch đẹp, chúng tôi tìm tới gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Oanh ở ấp 1, người nổi tiếng với nghề làm quạt từ lá cọ của xã Lạc An. Vừa thoăn thoắt đan quạt, chị Oanh vừa kể, nghề làm quạt đã “sống chung” với gia đình chị hàng chục năm nay. Đồng hành với nghề đan quạt từ khi còn là một cô bé, chị Oanh là người chứng kiến sự thăng trầm của nghề này. Theo chị Oanh, thời “hoàng kim” của nghề thì nhà nhà đều làm quạt, hàng làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu của khách cũng như thương lái. Tuy nhiên, khi trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm công nghiệp tiện dụng, giá thành lại rẻ khiến cho những sản phẩm thủ công như quạt lá mất dần vị trí. Nhiều người trong làng bỏ nghề đi làm công ty, xí nghiệp. Nghề làm quạt cũng từ đấy mai một dần.
“Nghề đan quạt lá cần sự khéo léo, chỉ cần sai sót một chỗ là phải mở nguyên cả cái quạt để làm lại từ đầu. Hiện tại, một ngày tôi có thể làm được trung bình 80 - 100 cái quạt nếu có nguyên liệu. Nếu bán sỉ cho thương lái cũng được tầm 400 - 500.000 đồng/ngày. Trừ tiền mua sắm nguyên vật liệu thì chúng tôi cũng kiếm đủ để trang trải cuộc sống thường nhật. Nhưng cái khó hiện tại là việc tìm nguồn nguyên liệu để làm quạt, vì ngày càng hạn chế. Có lúc cả mấy tháng trời chúng tôi không nhập được lá cọ để làm quạt”, chị Oanh tâm sự.
Suốt buổi tôi cứ ngắm nghía và mê mẩn với những thao tác nhanh thoăn thoắt của những người thợ thủ công khi tạo ra các sản phẩm từ mây, tre, lá. Tre, mây vẫn được họ đan theo kiểu quen thuộc thuở nhỏ tôi hay thấy ở quê. Nhưng giờ đây, cũng các chất liệu ấy, khi được kết hợp với gỗ, nhựa, khung sắt, gốm sứ… thêm chút màu sơn là có thể cho ra đời một bộ ghế sofa xịn, những bình hoa đẹp mắt, thanh nhã và sang trọng… Những sản phẩm thuần Việt từ mây tre lá của Bình Dương đã và đang theo bạn bè quốc tế đi khắp 5 châu, góp phần quảng bá văn hóa, con người và tình cảm của nước Việt đậm đà, chân chất và hiếu khách.
HỒNG PHƯƠNG