Những người “nặng duyên” với công tác hòa giải

Thứ sáu, ngày 28/10/2022

(BDO) “Không phải cứ giở luật ra nói là bà con nghe đâu. Người dân bây giờ giỏi và am hiểu lắm. Cái gì không biết người ta sẽ lên mạng tìm rất nhanh. Muốn hòa giải thành công, người làm công tác hòa giải phải làm cho các đương sự hòa trước, sau đó sẽ hóa giải được những tranh chấp”, ông Nguyễn Văn Có, người có thâm niên 22 năm tham gia công tác hòa giải cơ sở nói với tôi như thế…


Anh Vi Văn Thọ (bên trái) và thành viên tổ hòa giải ấp Bưng Thuốc, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng kể lại quá trình tham gia hòa giải vụ tranh chấp đất giữa hai gia đình ở địa phương

Chịu khó nghe… chửi!

Ông Nguyễn Văn Có hiện nay đã 70 tuổi, là người có 22 năm tham gia công tác hòa giải ở ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng. Mọi người nói ông Tám Có rất “mát tay” trong công tác hòa giải. Theo ông Tám Có, hiện nay do đất có giá nên phần nhiều các tranh chấp liên quan đến đất đai. Trước đây, mọi người chừa hàng ranh cả 1 - 2m đất không ai tranh giành, nay nông thôn được bê tông hóa nên người ta tranh nhau từng tấc đất rồi thưa kiện.

Để hòa giải đạt kết quả cao, cán bộ hòa giải phải đến tận nơi đang tranh chấp nắm tình hình, xem tranh chấp chỗ nào thì hòa giải chỗ đó; hòa giải một lần chưa thành công thì vận động hòa giải lần thứ hai. “Đôi khi cũng phải là nơi cho người ta trút giận, trút xong hết giận thì mình hòa giải. Làm công việc này phải có tính kiên nhẫn, chịu khó. Cứ như vậy, tôi đã hàn gắn thành hàng trăm cuộc mâu thuẫn gia đình, tranh chấp hàng xóm láng giềng. Mỗi cuộc hòa giải thành công và được sự tin tưởng của bà con hàng xóm là động lực để tôi tiếp tục hết mình với “nghề” hòa giải”, ông Tám Có tâm sự. Cũng theo ông, bây giờ người dân họ giỏi lắm, họ lên mạng tìm hiểu rất nhanh nên người làm công tác hòa giải phải khéo léo trong ứng xử, phân tích đúng sai để có kết quả tốt nhất. Làm tốt việc hòa giải cơ sở thì sẽ giảm kiện tụng lên cấp trên.

Là thành viên trong tổ hòa giải thuộc xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên), bà Nguyễn Thị Diễm Phương cho biết trong 15 năm tham gia đã hòa giải thành hàng trăm vụ nhưng không vụ nào giống vụ nào. Từ đó bà rút ra kinh nghiệm làm công tác hòa giải là không cho phép mình đứng ngoài cuộc các mâu thuẫn và phải luôn lắng nghe, đôi khi là những lời nói làm mình tổn thương nhưng không được bỏ cuộc. Vừa qua, tổ hòa giải mà bà là thành viên đã hàn gắn cho một đôi vợ chồng có nguy cơ ly dị. Lý do là người chồng làm ăn thua lỗ nảy sinh buồn chán nhậu nhẹt bê tha. Người vợ thấy vậy thì ghen tuông, chửi chồng nên mâu thuẫn ngày càng lớn.

Khi biết được sự tình, các thành viên trong tổ hòa giải đã nói chuyện, động viên người vợ rất nhiều. Khi người vợ đã hiểu thông suốt thì khuyên người chồng. Thấy gia đình khó khăn, các thành viên tổ hòa giải còn mua sữa, tặng quà cho các con. Thấy được sự nhiệt tình, chân thành từ các thành viên tổ hòa giải nên hai vợ chồng vui vẻ làm lành.

Theo bà Phương, hiện nay kinh tế phát triển, đất nông thôn có giá nên những vấn đề tranh chấp chủ yếu là đất đai, tranh chấp lối đi, vợ chồng tranh chấp tài sản. Khi hai người tranh chấp đều cho mình đúng nên không ai nhường ai, do đó tổ hòa giải cần đưa ra phương án để đôi bên lựa chọn. Bí quyết để hòa giải thành là lắng nghe ý kiến mỗi bên để phân tích, giải thích và thuyết phục nhưng đều phải dựa trên các quy định của pháp luật.

Dọa quay video đưa lên mạng vì hòa giải

Theo hẹn, P.V đến ấp Bưng Thuốc (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) để gặp anh Vi Văn Thọ, trưởng ấp và cũng là tổ trưởng tổ hòa giải. Lần giở câu chuyện, anh Thọ kể cái duyên làm công tác hòa giải đến nay vừa tròn 10 năm và cũng trải qua nhiều cuộc hòa giải “gay cấn”. Bản thân anh khi đi hòa giải bị chửi, bị đuổi nhưng anh không có ý định từ bỏ công việc mà mình đã chọn và yêu thích.

Anh Thọ cho biết tổ của anh vừa hòa giải xong một vụ tranh chấp đất kéo dài 10 năm. Đương sự liên quan vụ tranh chấp này đã đưa đơn ra tòa rồi rút đơn, sau đó hòa giải ở ấp nhiều lần nhưng bất thành vì ai cũng cho mình có lý.

Sự việc bắt đầu bằng việc ông V.V. kiện bà T.T.C. lấn chiếm phần đuôi đất của ông V. và xây tường rào. Bà C. cho rằng phần đất bà xây tường đã được người nhà ông V. đồng ý trước đó, lúc bà xây lên không ai ý kiến thì nay ông V. không có lý do gì đòi đất. Ông V. muốn bà C. trả lại thì phải đưa thêm 100 triệu đồng. Cứ như vậy sự việc kéo dài hàng chục năm. Với kinh nghiệm nhiều năm hòa giải, anh Thọ đến phần đất tranh chấp xem tình hình, đồng thời mượn sổ đất của ông V. và bà C., căn cứ vào vị trí được vẽ trong sổ đất. Anh Thọ phân tích cho bà C. biết trong sổ đất của bà C. được vẽ thẳng, vuông nên việc bà C. nhận phần đuôi đất của mình “nở hậu” trên đất ông V. là không hợp lý. Không đồng ý với những phân tích từ anh Thọ, bà C. nói sẽ kiện ra tòa án. Anh Thọ giải thích là tòa chỉ căn cứ vào chứng cứ là sổ đất, cộng thêm với việc cán bộ địa chính xã vừa đo đạc lại phần đất của bà C. thì đất không thiếu mà còn thừa ra. Lúc này bà C. mới chịu “xuống nước” và ký vào biên bản hòa giải.

Một vụ việc khác cũng làm anh Thọ nhớ mãi khi đi hòa giải là bị chửi và quay video đòi đưa lên mạng. Nguyên nhân sự việc là do bực tức nhà anh Nguyễn N. xe ra vào thường xuyên vì công việc làm ăn, bà Đặng Thị L. đã kéo hai cây gỗ lớn chắn ngang cổng ra vào và buông lời hăm dọa: “Ai dám đụng đến hai cây gỗ đó bà sẽ chém!”. Nghe anh N. cầu cứu, anh Thọ vội đến nắm tình hình. Vừa thấy anh Thọ, bà L. lớn tiếng xối xả và dọa: “Sẽ quay video rồi đăng lên mạng cho người ta biết, lúc đó ông có làm được việc nữa không?”. Biết bà L. nóng giận, anh Thọ đành dùng kế “rút lui” cho an toàn. Hôm sau, anh Thọ nhờ thêm lực lượng công an xã, dân quân và các thành viên trong tổ hòa giải đến gặp bà L. phân tích phải trái thì bà L. mới không làm khó nhà ông N.

Anh Thọ nhấn mạnh, ấp Bưng Thuốc là ấp đông dân nhất xã Long Nguyên, có 437 hộ thường trú và 736 hộ tạm trú nên anh biết rất rõ mỗi hộ nếu có những vấn đề phát sinh. Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở, anh Thọ luôn khéo léo vận dụng tình làng nghĩa xóm kết hợp với kiến thức pháp luật để nhẹ nhàng phân tích, giải thích có lý, hợp tình mỗi vụ việc tranh chấp. “Khi người ta đang nóng thì mình càng phải nguội. Phải xác định mình là người đến hòa giải chứ không phải đến để cãi nhau nên không cần phải thể hiện hơn thua”, anh Thọ bộc bạch.

Nói về công tác hòa giải cơ sở, bà Võ Thị Tổng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bàu Bàng, cho biết thời gian qua công tác này trên địa bàn huyện được đặc biệt chú trọng. Phòng Tư pháp huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật đến các hòa giải viên để cập nhật các văn bản mới. Trong 9 tháng năm 2022, tổ hòa giải tiếp nhận 18 trường hợp, đưa ra hòa giải thành 9 trường hợp (đạt tỷ lệ 100%).

Theo báo cáo của Sở Tư pháp, năm 2022, các tổ hòa giải cơ sở tiếp nhận 313 đơn (giảm 342 đơn so với cùng kỳ năm 2021), đưa ra hòa giải 302/313 đơn, đạt 96,5%, trong đó hòa giải thành được 260/302 đơn, đạt 86%. Để công tác hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả cao, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

QUỲNH ANH