Những người mẹ kiên trung

Thứ hai, ngày 22/07/2013

 Mẹ là cơ sở mật

 Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp về thăm mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Ung Thị Nừng, xã An Điền, huyện Bến Cát. Đã 85 tuổi nhưng mẹ Nừng vẫn còn khá minh mẫn với nụ cười hiền hậu, nhân từ. Mẹ có chồng và hai con đều là liệt sĩ. Đôi mắt xa xăm, mẹ kể về những năm tháng các con lần lượt tham gia kháng chiến. Năm 1968, người con thứ hai của mẹ là liệt sĩ Trương Văn Lợi đã hy sinh trong thời gian làm biệt phái trinh sát đặc công của Huyện đội. Một năm sau, người con thứ ba là liệt sĩ Trương Văn Chơi cũng ra đi mãi mãi tại chiến trường Thanh An, Dầu Tiếng. Chồng và hai con lần lượt hy sinh, để lại cho người vợ, người mẹ nỗi đau khôn cùng. Mẹ Nừng kể lại những năm tháng sống trong nỗi chờ mong, để rồi nghe tin dữ của người thân mà gương mặt không khỏi đau buồn.   Mẹ VNAH Ung Thị Nừng bên di ảnh chồng và con

Sự hy sinh lớn lao của mẹ đã được đền đáp. Hòa bình lập lại, mẹ Nừng vui sống cùng con cháu trên mảnh đất một thời chiến tranh cày xới. Giờ đây, trong ngôi nhà cấp 4 này, người mẹ một thời làm cơ sở mật cho kháng chiến đang thảnh thơi an hưởng tuổi già cùng các cháu. Con cái sống gần nhà nên thỉnh thoảng lại qua nghe bà kể chuyện chiến đấu và ngôi nhà ấy không bao giờ thiếu vắng tiếng cười. Tuổi đã cao nhưng vốn tính siêng năng, mẹ Nừng vẫn có thói quen dậy sớm quét dọn nhà cửa, thỉnh thoảng vẫn có thể tự nấu cơm. Thời gian rảnh rỗi, người phụ nữ chịu nhiều mất mát ấy lại lặng người đứng ngắm di ảnh của chồng con. Mỗi lần như vậy, hồi ức về gia đình, về một thời bom đạn ác liệt lại hiện về trong trí nhớ của người đang sống.

Năm lần khóc thầm lặng lẽ…

 Cùng một nỗi đau mất chồng lìa con, mẹ VNAH Nguyễn Thị Mua để lại cho chúng tôi những ấn tượng đặc biệt sau mỗi lần tiếp xúc. Đó chính là cách trò chuyện hết sức hài hước, gương mặt phúc hậu cùng đôi bàn tay gầy gò, ấm áp siết chặt mỗi lần chúng tôi nghe mẹ kể chuyện xưa. Khó ai đoán được chỉ còn vài tháng nữa mẹ Mua sẽ bước sang tuổi 100, cái tuổi được xem là “đắc thọ”.   Báo Bình Dương nhận phụng dưỡng mẹ VNAH Nguyễn Thị Mua suốt đời Trong ảnh: Phóng viên Báo Bình Dương chúc mẹ Mua sống lâu trăm tuổi với con cháu

Mẹ Mua sinh năm 1914 ở Hòa Mỹ, phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một. Là con thứ tư trong gia đình có 9 anh em, mẹ Mua may mắn được học chữ từ nhỏ. Sau khi gá duyên cùng ông Nguyễn Văn Hướng, mẹ phụ chồng tiếp tế cho bộ đội, du kích. Chồng lo đưa rước, liên lạc, canh phòng, vợ lo cơm canh, gạo mắm. Đôi vợ chồng từ bao giờ đã trở thành cơ sở mật tin cậy của cách mạng. Lo cho chồng, cho con, mẹ Mua khéo léo không chê được điều gì. Rồi chồng mẹ bị bắt giam, tra tấn, mẹ vận dụng sự thông minh của mình để chồng được thả ra, trở về đoàn tụ gia đình.

Cũng như những thanh niên thời bấy giờ, các anh, các chị con mẹ lần lượt lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Liệt sĩ Huỳnh Thị Tẳng phục vụ phong trào ở xã, chăm sóc thương binh, bị bắt giam và tra tấn đến chết. Anh Huỳnh Đắc Thắng được cha động viên tham gia cách mạng, hăng hái lên đường sau đó. Làm ở Ban kinh tài tỉnh, trong một lần công tác phát lương, chuyển tiền cho cách mạng vùng Tam giác sắt, anh bị trúng bom và hy sinh tại Hố Bò, Dầu Tiếng. Ba người em gồm Huỳnh Văn Quân, Huỳnh Thị Quới và Huỳnh Thị Chín cũng theo anh chị xin tía má cho thoát ly tham gia kháng chiến. Cả ba cũng lần lượt hy sinh, bỏ lại tấm thân nơi chiến trường ác liệt. Mỗi lần nghe tin báo tử, vợ chồng mẹ Mua nuốt nước mắt nghẹn ngào. Năm người con như năm khúc ruột, mẹ Mua đã bị bọn Mỹ 5 lần dùng dao cắt đứt! Đau là thế, nhưng mẹ vẫn tâm niệm các con ra đi vì nghĩa lớn. Mẹ vẫn giữ niềm tin son sắt với cách mạng như thuở nào.

Gần 100 tuổi, mẹ Mua vẫn giữ đôi mắt tinh anh và nụ cười đôn hậu. Cái tuổi trí nhớ không cho phép mẹ nhớ nhiều về quá khứ, mẹ hiền hòa sống cùng người con trai út và các cháu nội trong ngôi nhà ngập tràn ký ức. Ông Huỳnh Đức Khải, sinh năm 1955, nguyện sống cùng mẹ trong phần đời còn lại. Cũng như mẹ Nừng, ông Khải hài lòng với sự chăm sóc của địa phương, các đơn vị doanh nghiệp đối với các gia đình chính sách. Nguyện vọng của ông chỉ mong mẹ Mua sống khỏe, mỗi sớm cùng ông uống cà phê, rảo ngắm hoa trong ráng chiều buông xuống…

 TÂM TRANG