Những người mẹ có “tinh thần thép”
Nhắc đến những chiến công huyền thoại trong lịch sử dân tộc, không thể không nhắc đến những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sống trong vùng địch kìm kẹp, nhiều mẹ không những hiến dâng cho Tổ quốc những người thân yêu mà còn tích cực đóng góp cho cách mạng. Đất nước thống nhất, các mẹ lại nêu gương sáng giữa đời thường. Mẹ Huỳnh Thị Mý và Nguyễn Thị Chính là 2 trong số những người mẹ như thế.
(BDO) “Cống hiến, hy sinh vì dân tộc, đó là niềm vinh dự”
Chúng tôi về thăm mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Mý, (SN 1936, ở ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng) mẹ vừa xuất viện được vài ngày sau khi trải qua cơn tai biến. Sức khỏe của mẹ không cho phép chúng tôi có những ghi chép đầy đủ từ chính lời kể của mẹ, nhưng qua những câu chuyện từ những người con, người cháu đã thuộc nằm lòng truyền thống gia đình cũng giúp chúng tôi phần nào hiểu được sự hy sinh của mẹ.
Chồng mẹ là Hoàng Tự Trương (SN 1932), sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thanh An, hai người bén duyên chồng vợ. Lúc còn ở nhà, ông là Xã đội trưởng xã Thanh An. Những năm địch đổ quân, ông làm Tiểu đoàn phó phụ trách hậu cần Tiểu đoàn Phú Lợi. Ông cũng như các chiến sĩ khi gia nhập đoàn quân luôn khắc ghi câu khẩu hiệu của tiểu đoàn lúc bấy giờ: “Đánh là tiêu diệt, ra quân là chiến thắng”. Tuy chiến đấu gần nhà, nhưng ông ít có dịp về thăm nhà. Những cuộc gặp gỡ vợ chồng ngắn ngủi, mẹ chỉ biết động viên chồng yên tâm chiến đấu, việc ở nhà đã có mẹ lo.
Năm 1966, Mỹ mở cuộc hành quân “Hòn đá lăn” vào Chiến khu Đ, trong đó chúng lấy khu vực Bông Trang - Nhà Đỏ làm địa bàn xuất phát. Chồng mẹ cũng như những chiến sĩ khác nhận được lệnh mở cuộc tập kích vào cụm quân địch ở khu vực Bông Trang - Nhà Đỏ, cuộc tập kích thành công, bẻ gãy cuộc hành quân “Đá lăn” của Mỹ. Thời gian tiếp, ông tham gia nhiều trận đánh lớn, đã hy sinh anh dũng ngày 15-5-1967. Nhận được mật báo chồng mẹ hy sinh, lòng mẹ quặn đau. Con gái đầu của mẹ là Hoàng Ngọc Anh xúc động kể lại: “Nghe tin ba mất, mẹ ôm chúng tôi khóc. Nhiều lần tôi còn thấy mẹ lặng lẽ khóc một mình. Lúc đó tôi cũng đã trưởng thành nên hiểu được thế nào là sự mất mát của chiến tranh. Mẹ dặn chúng tôi phải sống sao cho xứng với hy sinh của ba và đồng đội”.
Một mình nuôi 4 người con trưởng thành, bao nhiêu vất vả gồng gánh trên đôi vai gầy, nhưng không bao giờ mẹ chùn bước, mẹ say sưa lao động, nuôi dạy con trưởng thành. Không những thế, mẹ còn nuôi giấu nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Nhà có gì mẹ cho cái nấy, tuy nghèo khó nhưng tình thương của mẹ dành cho các anh luôn đong đầy.
Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra với hàng loạt các hành động giết người, đốt phá làng mạc vô cùng man rợ của quân Khmer Đỏ. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, nhiều đơn vị chiến đấu được thành lập. Nghe theo tiếng gọi đất nước, mang trong mình lòng căm thù giặc sâu sắc và noi theo tấm gương của người cha, anh Hoàng Minh Sơn, người con thứ 3 của mẹ đã lên đường tham gia chiến đấu. Lịch sử Việt Nam vẫn mãi ghi nhớ vụ thảm sát Ba Chúc vào tháng 4-1978 với 3.157 dân thường bị giết hại. Trước những cuộc tấn công ngang ngược, tàn bạo của Khmer Đỏ, anh Hoàng Minh Sơn cùng với những chiến sĩ quả cảm khác quyết liệt chống trả, kìm chân bước tiến của chúng, làm tiêu hao sinh lực địch. Ngày 8-4-1978, anh đã anh dũng hy sinh khi vừa bước sang tuổi 18. Nhận được hung tin, mẹ quỵ ngã. Một người phụ nữ mất đi người chồng nay lại mất đi “núm ruột” của mình, không đau sao được.
Người con gái của mẹ kể: “Nhận tin anh trai hy sinh, cả gia đình ai cũng khóc, cứ sợ mẹ không chịu nổi. Nhưng rồi chính mẹ lại là người động viên chúng tôi. Mẹ bảo: “Anh của các con mất rồi nhưng cuộc đời một lần hy sinh vì dân tộc đó là niềm vinh dự”. Mẹ cố nén nỗi đau vào lòng và tự dặn mình phải sống mạnh mẽ hơn để làm chỗ dựa cho con cháu. Giọng run run, nghẹn ngào mẹ cầm tay chúng tôi dặn dò: “Cha anh đã mất mát quá nhiều rồi, các con lo mà giữ nước. Mẹ giờ già rồi, sống và thấy đất nước hòa bình là mẹ cũng đã mãn nguyện”.
Một lòng chung thủy, sắt son với cách mạng
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đấm, SN 1936 nguyên quán xã Định Thành, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé (trước đây). Năm 21 tuổi, mẹ lấy chồng và sinh được 6 người con (4 trai, 2 gái). Chồng mẹ là ông Đặng Văn Lớn (SN 1936). Năm 1961, chồng mẹ đi bộ đội quân báo. Trong một lần đi công tác ở ấp Đường Long, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, chồng mẹ bị lọt vào ổ phục kích và đã anh dũng hy sinh, mẹ còn nhớ đó là vào tháng 3-1969.
Nhà mẹ ở ấp 6 Suối Dứa, xã Định Thành. Chỉ cách cầu Suối Dứa chừng vài trăm mét, nơi mà phía bên đây cầu là vùng của bộ đội ta và phía bên kia là vùng chiếm đóng của lính ngụy. Ở giữa vùng ranh giới đó, người con trai đầu của mẹ là anh Đặng Văn Võ (sinh năm 1957) đã sớm giác ngộ cách mạng. Từ năm 12, 13 tuổi anh Võ đã theo mấy anh, mấy chú cán bộ trong ấp và được các anh, các chú dìu dắt đi theo cách mạng như chú Hai Đạo, chú Hai Lữ, chú Hai Tia… Đến năm 15 tuổi, anh chính thức thoát ly đi theo cách mạng và cũng thật đau lòng mẹ là chỉ trong năm đó, năm 1972, anh Võ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh đồn Suối Dứa. Anh Võ đã sống chiến đấu và hy sinh anh dũng ngay trên mảnh đất quê hương mình. “Buổi chiều hôm đó, hôm mà bộ đội ta chuẩn bị đánh đồn Suối Dứa, mẹ đã có linh cảm không lành vì thấy ở phía đồn bọn lính lom khom đi lại hình như chúng đã có tin báo và có chuẩn bị trước, hình như chúng đang đặt mìn, đặt trái. Mẹ còn nhớ tối đêm đó mẹ còn cho anh em một con gà để nấu cháo ăn và mẹ luôn dặn đi dặn lại anh em cẩn thận. Còn các anh thì nói với mẹ: Mẹ cứ yên tâm các con đánh một trận này là diệt được đồn thôi. Đến khoảng 1 giờ khuya mẹ bắt đầu nghe tiếng súng nổ ì đùng, trận đánh ác liệt đã diễn ra. Suốt đêm mẹ cứ thấp thỏm đứng ngồi không yên và đúng như linh cảm không lành của mẹ, anh Võ đã hy sinh trong trận đánh đồn Suối Dứa khi mới 15 tuổi”, mẹ kể. Mẹ còn nhớ chồng mẹ hy sinh và được chôn ngay tại nơi hy sinh là ấp Đường Long, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng. Còn con của mẹ thì chôn ở ấp Bến Tranh, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Chồng và con hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương nhưng trong thời buổi chiến tranh ác liệt mẹ không thể nhìn được xác mà chỉ nhận được tin báo tử. Mẹ chỉ biết nén đau thương vào lòng để tiếp tục cống hiến cho cách mạng như con đường mà chồng và con mẹ đã chọn.
Chồng và con tham gia cách mạng và đều hy sinh, mẹ ở nhà một mình vừa lo toan để nuôi 5 người con nhỏ, mẹ cực nhọc với đủ thứ công việc để lo cho con. Một buổi mẹ đi cạo mủ cao su, một buổi mẹ gói bánh ú đi bán, mùa măng thì mẹ đi bẻ măng, mùa lúa thì mẹ đi cấy… vừa làm nuôi con mẹ, vừa làm liên lạc cho các đồng chí cán bộ trong ấp. Việc làm của mẹ và gia đình mẹ không tránh khỏi sự nghi ngờ của địch. Năm 1971, mẹ bị địch bắt giam nhưng nhờ sự gan dạ và khôn khéo của mẹ nên địch không khai thác được gì, năm 1972 chúng đành thả mẹ ra. Nhưng ngay khi vừa mới ra tù, bọn địch lại nghi ngờ và lại bắt giam mẹ lần thứ 2 nhưng cũng như lần trước chúng không khai thác được gì và không có bằng chứng nên sau 20 ngày giam giữ chúng phải thả mẹ về.
Năm nay đã gần 80 tuổi nhưng trông mẹ vẫn còn khỏe lắm, trò chuyện với chúng tôi, mẹ vẫn nhớ rõ những năm tháng ác liệt của chiến tranh, nhớ về chồng con và cuộc đời mẹ đã sống trọn đời chung thủy sắt son với con đường cách mạng đã chọn cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
HỒNG THỦY - ĐỨC LÊ