Những người lưu giữ thời gian qua nét gốm xưa…

Thứ ba, ngày 04/04/2023

(BDO) Một buổi sáng cuối tuần, những người có cùng “gu” đam mê gốm xưa, sản phẩm gốm sứ của Bình Dương nức tiếng một thời cùng nhau giao lưu, gặp gỡ tại phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một. Đây cũng là một trong những “cái nôi” của gốm sứ Bình Dương. Họ tự nguyện thành lập câu lạc bộ những người yêu thích sản phẩm làng nghề truyền thống của Bình Dương để cùng trao đổi các món đồ yêu thích…


Nhiều người có cùng chung niềm đam mê gốm xưa đã họp mặt để trao đổi các món đồ yêu thích

Những người đam mê gốm xưa

Càng xưa cũ càng mê và càng có giá cao là những gì mà chúng tôi biết được khi đến với quán cà phê cũng là nơi trưng bày hơn 1.000 sản phẩm gốm sứ, các bộ sưu tập của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Hùng ở phường Chánh Nghĩa. Để có được những bộ sưu tập đồ cổ cũng như gốm sứ xưa với hàng ngàn món như thế là cả một quá trình sưu tầm, tìm tòi của vợ chồng ông trong hàng chục năm nay. Ông Hùng cho biết, một chuyến đi lúc nào cũng kéo dài nhiều ngày từ Bắc đến Trung rồi vô Nam để sưu tầm và trao đổi các món hàng mà ông yêu thích. Nhà bà ngoại ông Hùng ở khu phố 5, phường Chánh Nghĩa làm nghề gốm sứ, là một trong những lò gốm có tiếng ngày trước. Mẹ ông cũng theo nghề truyền thống của gia đình. Ông cũng được “truyền nghề” từ mẹ mình và sớm đam mê gốm sứ. Trong không gian quán cà phê, ông cùng những người mê gốm say sưa nói đến màu men, nét vẽ, niên đại của từng sản phẩm gốm Thanh Lễ, Lái Thiêu, TP.Hồ Chí Minh, Biên Hòa…

Tại đây, chúng tôi còn được gặp ông Lưu Quang Việt đến từ Biên Hòa, Đồng Nai. Ông cho biết, vốn không xuất thân từ gia đình làm nghề gốm sứ nhưng ông đã đam mê gốm từ lâu. Là một kỹ sư cơ khí nhưng khi nghe ở đâu có sản phẩm gốm, gỗ, sa thạch... thể hiện đặc trưng về văn hóa Óc Eo và Chăm pa là ông tìm đến xem ngay, rồi mua những sản phẩm gốm xưa từ làng nghề Bát Tràng (Hà Nội), Bàu Trúc (Ninh Thuận) và nhiều sản phẩm nổi tiếng của Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh. “Nhiều đợt Bảo tàng tỉnh Đồng Nai triển lãm chuyên đề gốm sứ tôi cũng vui vẻ đem sản phẩm đến trưng bày. Mấy năm trước, tôi gom hết những sản phẩm sưu tầm, tích lũy được đem bán thu về hơn 2 tỷ đồng để có vốn làm kinh tế. Nhờ đam mê gốm xưa mà tôi gặp được nhiều người có sở thích giống mình nên rất vui. Tôi mong rằng ngày càng có nhiều người đam mê và giữ lại một nghề truyền thống đáng tự hào của vùng đất Nam bộ”, ông Việt trải lòng…

Ở buổi họp mặt, chúng tôi còn gặp nhiều người là bác sĩ, doanh nhân, công chức… và họ có điểm chung là đam mê gốm sứ, mong muốn kết nối những người đam mê đồ cổ, mê nét đẹp của gốm truyền thống, gốm xưa. Họ say sưa nói với nhau về những cái đôn con voi, bình hoa, chậu cây… mà quên cả thời gian đang trôi, quên cả cái nắng tháng tư đang nóng dần lên như phiên đấu giá các sản phẩm gốm cũng đang… nóng vào hôm đó.


Đấu giá sản phẩm gây quỹ hoạt động bước đầu cho câu lạc bộ

Mong muốn giữ gìn nghề truyền thống

Tại buổi giao lưu, kết nối với các thành viên đến từ TP.Hồ Chí Minh, Biên Hòa, các thành viên của Bình Dương còn tổ chức đấu giá những sản phẩm được quyên tặng để gây quỹ hoạt động cho câu lạc bộ những người yêu thích gốm. Mỗi sản phẩm được trả với giá khoảng 1,2 triệu đồng và chỉ những người trong nghề mới thấy hết nét đẹp của sự hài hòa, tinh tế, thấy được cái hồn mà người thợ gốm xưa đã gửi vào đó. Ông Hùng cho biết thêm ở đây đa số trưng bày và bán gốm của chính các lò gốm cũ của Chánh Nghĩa, Lái Thiêu (Thuận An), Tân Phước Khánh (Tân Uyên)… Có đủ loại từ gốm thờ tự đến vật dụng trong nhà. Bình, chậu gốm có đủ tích từ song long, long ly quy phụng, Phước Lộc Thọ… với giá cả chục triệu đồng/2 chậu lớn trồng cây cảnh. Sản phẩm chậu gốm vẫn được người trồng hoa ưa chuộng bởi gốm có hoa văn, nét tinh xảo từ các bức tranh, tích truyện được người thợ gốm vẽ lại. Một cặp đôn ghế ngồi hình voi cũng được ra giá khoảng 6 triệu đồng. “Đến đây, nhiều người muốn níu giữ một phần ký ức tuổi thơ khi tìm lại những chiếc tách, ly, chén, bình uống chè… của các vùng quê xưa mà nay thật sự hiếm thấy trên thị trường của dòng gốm hiện đại”, ông Hùng chia sẻ. Ông cũng cho rằng nghề làm gốm hiện nay có khó khăn hơn trước nhưng ông vẫn theo đuổi bằng tất cả niềm đam mê để một làng nghề truyền thống không bị mai một mà sống mãi với thời gian.

Để chúng tôi phân biệt được đồ gốm và sứ, một nhà sưu tập gốm nhiệt tình giải thích: Gốm có nhiệt độ nung thấp hơn sứ. Đồ sứ nung ở mức cao nhất là 1.300 độ C, thông thường các lò gas cũng chỉ nung đến nhiệt độ 1.280 độ C mà thôi. Nếu nâng nhiệt độ lên cao hơn nữa sản phẩm sẽ bị méo, nứt, vỡ. Đồ gốm có nhiệt độ nung thấp hơn, chỉ khoảng 700 - 800 độ C. Gốm là đồ thô mộc đã nung qua lửa nhưng không có men, chất liệu thường là thô. Nếu là gốm có tráng men thì phải gọi là đồ sứ.

Giải thích thêm cho niềm đam mê và cần thiết phải lưu giữ sản phẩm thủ công truyền thống này, ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cổ vật TP.Thuận An cho hay, hiện nay câu lạc bộ của ông có khoảng 50 thành viên có chung niềm đam mê đồ xưa, cổ ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh miền Tây. Mọi người đến với nhau bởi thích sưu tập đồ cổ nhiều thể loại: Đồ gốm, đồ gỗ, tranh, ảnh... Đồ gốm xưa thường được ứng dụng trong trang trí nhà cửa, là những bình hoa, lục bình hay những bức tranh gốm đẹp, gạch… Gốm có nhiều loại từ đồ dùng gia dụng, đồ thờ tự, đồ dùng trong các gia đình trí thức, quý tộc xưa và cái quý của gốm là độc bản. Có những loại người ta chỉ làm 1 - 2 mẫu hoặc làm để biếu, tặng nên giá trị của nó ngày càng cao.

“Người chơi gốm thường nhìn vào chất liệu, hoa văn, mẫu các bức tranh để đoán niên đại của gốm. Một trong những điều làm nên sự độc đáo của gốm cổ là nét vẽ của họa sĩ dân gian mà không có một tác phẩm nào giống nhau. Chỉ có đất ở Bình Dương mới làm ra được những sản phẩm gốm sứ độc đáo, đặc biệt mà không nơi nào giống. Chính vì vậy gốm sứ Bình Dương mới đi xa, ra Bắc, xuôi miền Tây cũng như đi các nước khác trên thế giới. Thế nên, các thành viên cần chia sẻ thông tin cho nhau về những điều mình biết để cùng nhau lưu giữ và bảo tồn những sản phẩm độc đáo của làng nghề”, ông Phúc nói.

Cần có những người biết trân quý nghề truyền thống của quê hương mình như thế này, yêu gốm như thế này để nghề gốm không bị mai một. Tôi đã nghĩ như thế khi gặp những người đam mê nét mộc mạc, gần gũi của gốm. Họ lưu giữ thời gian, lưu giữ một ngành nghề truyền thống bao đời của tổ tiên để lại hết thế hệ này đến thế hệ khác, mãi mãi lưu truyền…

Ông Vương Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết từ khi còn làm Phó Chủ tịch UBND phường Chánh Nghĩa, ông đã rất tâm huyết với làng nghề gốm nổi tiếng một thời. Nguồn vốn xã hội hóa đã làm nên công trình gốm tại đường Lào Cai, phường Chánh Nghĩa. Công trình gồm 8 tác phẩm (tính từ đường Nguyễn Tri Phương đến Cách Mạng Tháng Tám) ghi lại quá trình làm gốm với những chủ đề: Vào lò, Thành quả, Chăm chỉ, Thu hoạch, Nét đẹp, Xoay lu, Hạnh phúc và Mừng xuân. Công trình làm từ xuân Tân Sửu 2021 và hiện vẫn còn như một cách giới thiệu độc đáo cho người dân địa phương, du khách gần xa rằng nơi đây có một làng nghề gốm sứ nổi tiếng từ xa xưa…

QUỲNH NHƯ