Những người “giữ hồn” đình làng

Thứ ba, ngày 11/12/2012

Từ xưa, đình đóng vai trò rất quan trọng, là ngôi nhà chung của cư dân mỗi làng xã người Việt, là đời sống tinh thần của mọi người dân... Để bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đình làng không thể thiếu hình ảnh của những ông Từ giữ đình. Nhiều ông Từ gửi hồn nơi cửa đình do cái duyên tâm linh, nhưng cũng có người mượn đình làm nơi nương tựa khi nghèo khó, tuổi già.  

 Ông Từ giữ đình Lê Văn Quý, Nguyễn Văn Xe chăm sóc đình

Duyên tâm linh với đình

Theo tìm hiểu của người viết, mỗi xã, phường trong tỉnh có một ngôi đình, những phường lớn do nhiều lý do riêng mà có tới 2-3 đình, miếu thờ. Khoảng từ thế kỷ XV, đình không còn chức năng thờ Phật như trong những thế kỷ trước, mà là nơi thờ Thành hoàng. Nó không phụ thuộc một tôn giáo nào. Thành hoàng có thể là những người có công với nước, với dân... Thành hoàng làng cũng có thể là người có công đầu trong việc lập làng, hoặc khởi xướng một ngành nghề, tức các vị tổ nghề. Đôi khi Thành hoàng làng chỉ là những nhân vật huyền thoại. Đình cũng có thể thờ những anh hùng của dân tộc, từ vua chúa đến các danh nhân và những người có nhiều công đức với làng.

Đình mang nhiều xứ mệnh như trung tâm tín ngưỡng, hoạt động văn hoá văn nghệ, giáo dục truyền thống dân tộc, duy trì những thuần phong mỹ tục, căn cứ cách mạng… Trải qua chiến tranh, nhiều ngôi đình hư hỏng nặng đang được khôi phục lại, hoặc bị “bỏ rơi” như đã hoàn thành xong sứ mệnh “lịch sử”. Nhiều ngôi đình vẫn lại thiếu người chăm giữ nên “vắng như chùa bà đanh”. Do đó, vị trí của ông Từ giữ đình là rất quan trọng. Nhiều người gắn bó với đình như một “sứ mệnh” không ngờ.

Tại đình Tân An (Bến Thế), tọa lạc tại xã Tân An, TP. Thủ Dầu Một, ông Từ (giữ đình) Trần Phát (SN 1951), được giao nhiệm vụ trông coi đình như một cơ duyên không ngờ. Trước đây, cuộc sống khó khăn, ông thường xuyên đến cúng đình, hy vọng vơi bớt khó khăn và tham gia ban nghi lễ. Khi cuộc sống ổn định, ông được cả làng tin tưởng giao nhiệm vụ trông coi đình. Cứ thế, hơn 15 năm nay, ban ngày ông dọn dẹp đình, chiều về nhà. Ông Phát, tâm sự: “Lúc mới nhận giữ đình, ngày ngày một mình giữ đình ông thấy buồn và muốn xin nghỉ, nhưng không thể nào nghỉ được. Bây giờ, một ngày không đến đình, tôi như thiếu sức sống. Dù đi đâu, làm gì, tôi cũng nghĩ đến đình”.

Anh Lê Văn Quý (SN 1962), ông Từ đình Phú Long (phường Lái Thiêu, TX.Thuận An), giữ đình như một cái duyên từ kiếp trước. Từ năm 1975, ông Lê Văn Năm (ba anh Quý) được giao nhiệm vụ coi đình. Hàng ngày sống cùng cha tại đình, đình như nhà mình. Năm 1997, ông Năm qua đời, ngôi đình không ai trông coi. Muốn tiếp tục theo nghiệp ba, anh Quý tình nguyện xin ở lại đình. 16 năm nay, dù vừa làm kinh tế gia đình, anh vừa trông coi đình, nhưng chưa ngày đình Phú Long thiếu nén nhang. Anh Quý, bộc bạch: “Từ nhỏ tôi đã sống trong đình, nên đình như ngôi nhà thứ 2 của tôi. Đi đâu, làm gì tôi cũng nghĩ đến đình nhiều hơn ngôi nhà mình”.

Đình, nơi an cư, nương tựa tâm hồn

Bên cạnh những người trông coi đình vì cơ duyên tâm linh khó dứt, một số người coi đình như nơi an cư, gửi gắm tâm hồn. Sau những tháng bon ba khắp nơi tìm kế sinh nhai, đến khi tay trắng, ông Nguyễn Văn Xe (63 tuổi), đưa vợ con về phường Phú Thọ (Thủ Dầu Một) nương nhờ cửa đình Phú Cường. Ngôi nhà phía bên trái đình mới đó đã là nơi nương tựa của gia đình ông gần 20 năm nay. Ông Xe, chia sẻ: “Thấy hoàn cảnh tui khốn khó, Ban quản lý đình đã đồng ý cho gia đình tôi làm nhà trên đất đình. Có chỗ an cư, gia đình tôi đã dần ổn định cuộc sống. Tuổi đã xế chiều, hàng ngày được gần gũi các vị thần đình, tôi như quên hết những muộn phiền cuộc sống”.

Nơi cửa đình Tân An, hàng ngày dù mưa, nắng, mọi người vẫn thấy một ông già chống gậy đến thắp nhang. Đó là ông Hai Đức (83 tuổi). Ông Hai Đức, điềm đạm thổ lộ: khi còn sức khỏe được trông giữ các linh vật, hiện vật cho các vị thần trong đình luôn là niềm vui của ông. Khi có tuổi, sức khỏe giảm sút, ông tìm đến cửa đình nhang khói để an ủi cuộc đời. Ông Nghĩa (người thường xuyên viếng đình Tương Bình Hiệp), cùng tâm trạng với ông Hai Đức, nương tựa cửa đình như nơi an ủi tâm hồn về già.

Trao đổi với tôi, nhiều ông Từ giữ đình, trăn trở: Hiện nay, những ngôi đình được xếp vào di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh, quốc gia đã được UBND tỉnh quan tâm, tu bổ nên vẫn giữ nguyên được giá trị văn hoá của dân tộc. Tuy nhiên, ngôi đình là bộ mặt của cả xã, phường, do đó Ban quản lý tại các đình cần chọn lựa người trông giữ có đức để không làm mất đi vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm nơi cửa đình. Hy vọng, nhờ bàn tay chăm nom của những ông Từ, đình làng sẽ tiếp tục phát huy vị thế trong đời sống của người Việt.

 

 THIÊN LÝ