Những người “đứng sau” bục giảng

Thứ năm, ngày 14/11/2024

(BDO) Không trực tiếp đứng lớp giảng dạy, nhưng sau những tiết học thành công luôn có công sức của những người lặng lẽ làm công việc hậu cần. Họ chính là đội ngũ nhân viên trường học gồm thư viện, hành chính, y tế học đường, bảo vệ...

 Đội ngũ cấp dưỡng Trường Mầm non Hoa Mai (TP.Thủ Dầu Một) miệt mài với công việc chăm lo bữa ăn cho trẻ

 Lặng lẽ với công việc

Đều đặn, cứ 4 giờ 30 phút sáng các ngày học trong tuần, đội ngũ nhân viên cấp dưỡng của Trường Mầm non Hoa Mai (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) có mặt ở trường để làm công việc thường ngày của mình.

Có hơn 17 năm gắn bó với nghề “cô nuôi”, cô Nguyễn Lê Ngọc Như, Tổ trưởng Tổ cấp dưỡng của Trường Mầm non Hoa Mai, cho biết hiện tại tổ cấp dưỡng của trường có 11 thành viên, một ngày của các cô bắt đầu từ 4 giờ 30 sáng bằng việc tiếp nhận, kiểm tra số lượng và chất lượng của thực phẩm từ nhà cung cấp. Sau đó mỗi người một việc, từ vệ sinh dụng cụ, khu vực bếp nấu đến sơ chế, chế biến thức ăn; lên thực đơn để chuẩn bị các bữa ăn ngon và bảo đảm chất lượng cho trẻ. Tất cả kết thúc ngày làm việc vào lúc gần 5 giờ chiều.

Theo cô Như, việc nấu ăn cho học sinh, nhất là cấp mầm non đòi hỏi rất khắt khe và nhiều áp lực. “Mỗi ngày kết thúc công việc thấy trẻ ăn ngon, phụ huynh hài lòng, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, cô Như chia sẻ thêm.

Tại Trường Tiểu học Bến Súc (xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng), nhân viên y tế Đỗ Thị Hồng Huệ không chỉ là người chăm lo sức khỏe mà còn chịu trách nhiệm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường. Mỗi sáng, cô đến trường sớm để thực hiện các mẫu test về độ an toàn của thực phẩm. Cô Huệ còn là người trực tiếp theo dõi thực đơn, kiểm tra và lưu giữ suất ăn bán trú hàng ngày. Cô còn đảm nhận luôn công tác chữ thập đỏ của trường, kêu gọi vận động các nguồn xã hội hóa để chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cô Hồng Huệ cho biết hơn 10 năm gắn bó với nghề, bản thân cô luôn cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ với mục tiêu học sinh đến trường phải bảo đảm an toàn, tránh tai nạn thương tích để các thầy cô giáo yên tâm giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ của mình.

Luôn nỗ lực gắn bó với nghề

 Phụ trách công tác thư viện với hơn 1.900 học sinh toàn trường, hơn 18 năm qua cô Nguyễn Thanh Hải, nhân viên thư viện Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Dầu Tiếng) luôn hoàn thành nhiệm vụ. “Công việc tuy vất vả nhưng được tiếp xúc với các em học sinh, đó cũng là một niềm vui. Khi thấy các em tới thư viện hào hứng đọc sách, đó chính là động lực để chúng tôi gắn bó với nghề”, cô Hải chia sẻ.

 Nhân viên thư viện Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng dẫn học sinh mượn sách tại thư viện

Xứng đáng được tri ân

Theo thầy Lê Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bến Súc, đội ngũ nhân viên của nhà trường ngoài việc thực hiện công việc theo vị trí việc làm được phân công, họ còn phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc khác theo đặc thù của từng trường học. Tuy không trực tiếp giảng dạy học sinh nhưng những công việc họ làm tất cả đều phục vụ cho nhiệm vụ của nhà trường. Do đó, đội ngũ nhân viên nhà trường cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp trồng người đầy cao quý.

 Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2024-2025 tổng số công chức, viên chức, nhân viên toàn ngành hơn 20.900 người. Trong đó, giáo viên là 15.999 người; công chức - viên chức quản lý là 1.068 người; viên chức khác và đội ngũ nhân viên nhà trường có khoảng hơn 3.700 người...

Trong khi đó thầy Ngô Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thái Tổ (TP.Thuận An), cho rằng dù không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng vai trò của đội ngũ y tế, kế toán, văn thư, cấp dưỡng, bảo vệ vô cùng quan trọng. Đội ngũ nhân viên trường học là những người đứng đằng sau hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho giáo viên hoàn thành tốt công việc. “Kết quả giáo dục của nhà trường hàng năm sẽ không thể thiếu sự đóng góp thầm lặng của những cá nhân này. Vì vậy, họ xứng đáng được xã hội gọi là thầy, cô và có được những chế độ tốt hơn phù hợp với công sức và tâm huyết mà họ bỏ ra”, thầy Hiếu chia sẻ.

 HỒNG PHƯƠNG