Những người đón giao thừa trên đường sắt bắc – nam

Thứ hai, ngày 11/02/2013

Đêm giao thừa, trời mưa nhẹ. 21 giờ 30, chúng tôi có mặt ở Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng. Cảm giác cùng làm việc với những con người làm dâu trăm họ, vui buồn, lặng lẽ âm thầm vì những chuyến tàu qua lại an toàn, thật là lạ.

Anh Nhữ Quý Thiện, quê ở Bình Định, người có 26 năm làm nghề lái tàu, cho biết: “ Sắp đến giờ giao thừa, nhưng chúng tôi phải chia tay vợ con, xa nhà lên đường làm nhiệm vụ lái đoàn tàu Thống Nhất SE7 đi thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn tàu rời ga Đà Nẵng lúc 21 giờ 56 phút ”.

  Ông Nhữ Quý Thiện, 26 năm làm nghề lái tàu chuẩn bị lái chuyến tàu đêm giao thừa đón Tết Quý Tỵ  Ông Đặng Sỹ Mạnh, Trưởng Văn phòng đại diện Đường sắt Việt Nam tại Đà Nẵng, cho biết thêm: “ 23 giờ 45 phút, ngày 29 tháng chạp Nhâm Thìn – thời khắc sắp chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, Đoàn tàu SE8 khởi hành từ ga Đà Nẵng đi Hà Nội, đưa những hành khách muộn về quê vui Tết đón xuân. Trong đêm giao thừa Quý Tỵ, có năm đôi tàu khách và một tàu hàng vượt đèo Hải Vân ”.

Đây là đoạn đường sắt dài 21 km vượt đèo hiểm trở, giữa hai địa phương: Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đường đèo Hải Vân có sáu đường hầm, có đường hầm dài hơn một km, đường quanh co bán kính nhỏ, độ dốc lớn, được xây dựng đã hơn 100 năm nay, đường hầm hẹp, bị xuống cấp nhiều.

Đoạn đường qua đèo có năm nhà ga, trong đó có ba nhà ga chuyên làm nhiệm vụ kỹ thuật bảo đảm an toàn cho các đoàn tàu vượt đèo. Hằng đêm, thường có 120 cán bộ, công nhân thay nhau làm nhiệm vụ trực bảo đảm tín hiệu thông tin liên lạc, xin đường, phân luồng, gác ghi, khám xe, lái đầu máy, đi bộ tuần hầm, tuần đường trên đèo rất vất vả.

Mỗi ngày đêm, bất kể nắng mưa, riêng công nhân tuần đường, tuần hầm phải đi bộ hơn 20km, mỗi tháng chỉ được nghỉ bốn ngày. Nhưng ngày nghỉ cũng không được về nhà, vì không có đường bộ, tàu thì không dừng ở ga kỹ thuật, phải chờ xe goòng chở vật tư lên mới về được thành phố ! Nhiều người âm thầm lặng lẽ làm công việc tuần đường, tuần hầm đã hơn 30 năm. Công việc của các anh ngày qua ngày, thật đáng trân trọng.

Tại nhà ga đường sắt Đà Nẵng, chị Thân Thị Nguyệt Sương, hành khách đi tàu SE7, vui vẻ, nói : “Vì công việc làm ăn, nên tôi mua vé đi chuyến tàu muộn cuối năm. Dù phải đón giao thừa trên tàu, nhưng nghỉ đến phút giây được đoàn tụ bên gia đình trong những ngày tết cổ truyền vẫn vui. Và tôi được biết, ngành đường sắt có tổ chức chương trình đón giao thừa cho hành khách trên tàu, tôi thấy rất xúc động ”.

Khi mọi người đang quây quần bên người thân trong giờ giao thừa thiêng liêng, có những cán bộ, công nhân đường sắt vẫn miệt mài làm việc giữa núi rừng, đèo dốc heo hút phục vụ bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu đưa bà con đi làm ăn phương xa, trở về đoàn tụ bên mái ấm gia đình !

Theo Nhân Dân