Những ngôi trường ngập tràn màu xanh
(BDO) Trong bối cảnh đô thị hóa, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các mô hình và phong trào nhằm “xanh hóa” trường học. Các mô hình không chỉ mang lại cảnh quan trong lành mà còn khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh học đường.
“Vườn cây thuốc nam và vườn rau trải nghiệm” của Trường THCS Phú Hòa tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm cách trồng và sử dụng các vị thuốc nam, rau sạch
Những vườn rau, thuốc nam nơi trường học
Với diện tích hơn 100m2, “Vườn cây thuốc nam và vườn rau trải nghiệm” của Trường THCS Phú Hòa (cơ sở Nguyễn Thái Bình, TP.Thủ Dầu Một) được các thầy cô và học sinh chăm sóc, trồng đa dạng các loại rau và thuốc nam, như: cải bẹ xanh, mồng tơi, đinh lăng, mã đề, bách hợp, hương nhu…
Theo cô Trịnh Hồng Hải, một trong những giáo viên phụ trách vườn cây, cho biết: “Vườn hoạt động từ tháng 1-2024 nhằm giúp học sinh nhận biết tên và công dụng của các vị thuốc nam và rau xanh, từ đó ứng dụng trong chữa bệnh hoặc nấu ăn. Dù thầy cô chăm sóc là chủ yếu, nhưng nhiều học sinh vẫn tình nguyện ở lại học hỏi và trải nghiệm vào giờ chơi hay lúc ra về”.
Vườn rau kế hoạch nhỏ của Trường Tiểu học Lê Hồng Phong
Trao đổi với chúng tôi, cô Thái Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Hòa cho hay, vì cơ sở mới và có diện tích lớn nên trường có ít mảng xanh. Do đó, nhà trường đã phát động nhiều phong trào xây dựng “trường học xanh”. “Trong năm 2024, nhà trường đã phát động làm các vườn hoa chuyên đề trong khuôn viên học tập nhằm tạo mảng xanh ở xung quanh lớp học. Thứ Sáu hàng tuần, học sinh trong trường đều tổng vệ sinh các vườn hoa. Đến nay, nhà trường đã trồng được hơn 300 cây xanh tạo bóng mát trong khuôn viên của trường”, cô Thu Hiền cho biết.
Ngoài ra, các cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh Trường THCS Phú Hòa cũng hưởng ứng và thực hiện “Ngày thứ bảy văn minh” với các hoạt động quét dọn trường học và duy trì chăm sóc các mảng xanh. Cô Thái Thị Thu Hiền cho biết thêm, thầy cô và học sinh đều hưởng ứng rất nhiệt tình các kế hoạch đã đề ra nhằm xây dựng trường học “xanh - sạch - đẹp”. Đặc biệt, phụ huynh đã hỗ trợ cây giống cho nhà trường. Qua đó, các hoạt động đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh về giữ gìn và chăm sóc môi trường học tập sạch đẹp, vì môi trường sống chung của cộng đồng.
Học sinh tiểu học tham gia phong trào “Kế hoạch nhỏ”
Theo em Bùi Trần Hoàng Minh, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Phú Hòa, khi được học tập trong một môi trường có nhiều mảng xanh sẽ làm cho tinh thần học tập tăng lên rất nhiều. “Mỗi cá nhân khi đến lớp, nếu thấy có túi rác hay ly nhựa lỡ để quên hãy chủ động bỏ vào thùng rác. Khi học sinh các trường học bắt đầu tạo lối sống xanh trong học đường từ những việc nhỏ thì sẽ tạo nên sức mạnh to lớn và tác động rất lớn đến xã hội”, em Hoàng Minh chia sẻ.
Kế hoạch nhỏ, hiệu quả lớn
Từ lâu, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP.Thủ Dầu Một) đã thay những bó hoa tặng các đại biểu, khách mời tham gia chương trình hội nghị và nhiều hoạt động, phong trào khác bằng chậu cây xanh. Việc làm này vừa tạo điểm mới, vừa bảo vệ môi trường và tránh lãng phí.
Học sinh tái chế rác thành những bộ trang phục thời trang
Trong năm 2023, nhà trường đã vận động các lớp phủ xanh khuôn viên trường học và tiếp nhận hơn 100 chậu cây. Đồng thời, Liên đội nhà trường đã ra mắt công trình măng non “Vườn rau kế hoạch nhỏ” vào tháng 11-2023. Đến nay, mảnh vườn đã trở nên tươi tốt, tạo không gian xanh mát, với nhiều loại rau, như: mướp, bầu, bí xanh, rau lang, bạc hà, tía tô, đậu bắp…
Không chỉ vậy, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong còn nổi bật với phong trào “Kế hoạch nhỏ” trong bảo vệ môi trường. Cô Huỳnh Kim Hương, giáo viên Tổng phụ trách Đội nhà trường cho biết: “Trong 5 năm qua, thiếu nhi tại Liên đội Trường Tiểu học Lê Hồng Phong đã thu được hơn 10 tấn giấy vụn, đóng góp vào thành công chung của phong trào “Kế hoạch nhỏ” thành phố. Từ đó, hoạt động này đã tạo nguồn lực góp phần vào việc chăm lo cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, trẻ em yếu thế tại Liên đội nói riêng và TP.Thủ Dầu Một nói chung, trao tặng các phần học bổng “Tiếp sức đến trường”, trang bị tủ sách, trang thiết bị phục vụ phong trào thiếu nhi tại Liên đội”.
Các mô hình độc đáo từ hàng trăm vỏ hộp sữa
Cũng theo cô Hương, phong trào năm nay có điểm mới là có thu gom vỏ hộp sữa - loại rác thải tái sinh có thể làm tấm tôn sinh thái. Do đó, trong hội thi sáng tạo mô hình từ vỏ hộp sữa trong khuôn khổ Kỷ niệm 66 năm phong trào “Kế hoạch nhỏ” TP.Thủ Dầu Một năm học 2024-2025 và phát động chương trình thu gom, tái chế và phân loại vỏ hộp sữa trên địa bàn thành phố năm 2024, thầy cô, học sinh nhà trường đã sáng tạo những mô hình đặc sắc.
“Các em đã sáng tạo các mô hình về dinh Độc Lập, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, công trình cánh hoa dầu ở Bình Dương… bằng hàng trăm vỏ hộp sữa. Hội thi được các em học sinh và thầy cô hưởng ứng tích cực thông qua việc đi thu gom các hộp sữa đã qua sử dụng trong khuôn viên nhà trường, nhà ở, đường phố…”, cô Hương cho biết thêm.
“Nói là kế hoạch nhỏ nhưng không nhỏ vì khi tham gia phong trào chúng em đã được giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, yêu lao động và tinh thần đoàn kết, biết sẻ chia với mọi người. Phong trào đã giúp đỡ nhiều bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện tiếp tục đến trường”, em Nguyễn Ngọc Gia Linh, học sinh lớp 5/2, chia sẻ.
Thượng Hải-Thông Thái