Những nét đẹp văn hóa của người Chăm ở Minh Hòa, Dầu Tiếng
Cần cù, chịu khó, luôn giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn
Do cuộc sống ở Châu Đốc, An Giang ngày càng khó khăn, năm 1990 một số gia đình người Chăm ngược dòng sông Sài Gòn đi tìm vùng đất mới. Tới vùng Hòa Lộc, Minh Hòa họ dừng chân nghỉ ngơi. Bên lòng hồ Dầu Tiếng mát lành, người Chăm thấy rằng cuộc sống ở đây khá dễ chịu, tôm cá dưới sông, rau củ trong rừng có thể nuôi sống họ qua ngày; diện tích đất đai chưa được khai thác còn rộng rãi, họ đã quyết định chọn vùng đất này để khai cơ lập nghiệp. Cuộc sống bước đầu tuy còn nhiều vất vả song đã để lại nhiều mầm xanh hy vọng. Với đức tính cần cù, chịu khó những cư dân người Chăm đầu tiên tại đây đã từng bước khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống. Ngày qua ngày, họ sống nương tựa, bao bọc lẫn nhau; thanh niên tích cực chài lưới, khai hoang ruộng đất; phụ nữ, trẻ em chăn, tỉa, trồng trọt; những mảnh đất hoang dần được thay thế bằng màu xanh của hoa màu, lương thực và cả những diện tích cây lâu năm.
Trang phục truyền thống của người Chăm
Thấy cuộc sống nơi đây thực sự là một cơ hội để thoát khỏi đói nghèo, nhiều bà con người Chăm đã vận động anh em họ hàng, làng xóm nơi quê cũ cùng lên vùng đất này xây dựng cuộc sống mới. Những người định cư trước luôn là chỗ dựa tin cậy cho những cư dân mới đến, họ sẵn sàng giúp đỡ lương thực, nhượng lại một phần đất đai để cho anh em mới lên có điều kiện bắt đầu cuộc sống. Những mái nhà mọc lên ngày càng nhiều, cơ sở vật chất, đời sống tinh thần từng bước được nâng lên rõ rệt.
Sau hơn 20 năm, mảnh đất của những người Chăm đi khai phá đã trở thành một ngôi làng khá trù phú và đông đúc. Với hơn 90 hộ người Chăm và gần 400 nhân khẩu, “Làng Chăm” - Hòa Lộc, Minh Hòa đã và đang trở thành một điểm sáng trong tiến trình xây dựng kinh tế, văn hóa vùng nông thôn.
Hòa nhã, trung thực, đoàn kết vì cộng đồng
Cộng đồng người Chăm - Minh Hòa nổi tiếng bởi sự hiếu khách và sự hòa nhã. Người Chăm sống rất hiền hòa, với họ, điều quan trọng nhất trong cộng đồng là tình thương yêu, cùng nhau xây dựng thôn xóm cho tốt đẹp vì vậy họ rất ít mâu thuẫn. Hiếm có trường hợp mất đoàn kết nào cần sự can thiệp của chính quyền. Trường hợp có mâu thuẫn trong gia đình hay giữa làng xóm, láng giềng Ban Trị sự của cộng đồng sẽ làm công tác hòa giải, Giáo cả sẽ là người cầm cân, nảy mực phân tích đúng sai để mọi người nhận thức hành động của chính mình. Vì vậy, tính đoàn kết trong cộng đồng người Chăm luôn bảo đảm ở mức cao, Giáo cả và Ban Trị sự đóng vai trò nòng cốt, hạt nhân cho sự đoàn kết.
Người Chăm theo Hồi giáo đặc biệt tôn trọng giới luật, họ làm và tuân theo luật một cách nghiêm khắc; người Chăm rất đề cao tính trung thực, nói dối hay trộm cắp là điều vô cùng cấm kỵ. Chỉ cần hái một quả ớt, hay một quả ổi mà chưa được sự cho phép của chủ nhà thì đó cũng là một tội lớn. Nếu trường hợp quá cần kíp mà không gặp được chủ nhà thì ngay sau đó phải tìm gặp chủ nhà một cách sớm nhất để xin phép, nếu chủ nhà không đồng ý thì phải đem trả lại. Cũng chính vì những quy định này mà trong làng người Chăm không có hiện tượng trộm cắp, mất đồ.
Cũng theo giới luật, người đàn ông có quyền lấy 3 vợ, sinh nhiều con. Song nhờ nắm bắt được Luật Hôn nhân - Gia đình mà tại Hòa Lộc, Minh Hòa tuyệt đối không có trường hợp nào hai vợ, cũng chưa có trường hợp nào ly hôn là người Chăm. Người phụ nữ tuy vẫn không được đến Thánh đường, nghĩa trang song vị trí ngày càng được bình đẳng. Người vợ có quyền bàn bạc với chồng những công việc quan trọng trong gia đình, con gái cũng được quyền thừa kế của cha mẹ. Cả cha và mẹ đều có trách nhiệm dạy dỗ con cái nên người.
Thế hệ trẻ người Chăm ngày nay được rèn, dưỡng trong môi trường giáo dục căn bản và với những nội quy giáo phái nghiêm khắc nên hiếm khi ta bắt gặp lớp trẻ người Chăm Hồi giáo ăn nhậu, quậy phá hay đơn giản hơn là ăn mặc quần áo, tóc tai lố lăng, phản cảm…
Ý thức giữ gìn nền văn hóa truyền thống
Quá trình cộng cư và tiếp xúc văn hóa với những cộng đồng khác hầu như không làm biến đổi nhiều đến những nét văn hóa chính của cộng đồng người Chăm - Minh Hòa. Họ vẫn giữ gìn một cách toàn vẹn những đặc trưng văn hóa vốn có của dân tộc mình từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực đến các phong tục tập quán, tang ma, cưới hỏi… Thánh đường - Nơi người Chăm đến làm lễ, cầu nguyện...
Sở dĩ cộng đồng người Chăm có được sự bảo nguyên những giá trị văn hóa truyền thống là bởi hai nguyên do chính. Đó là sự tự ý thức rất cao của mỗi thành viên trong cộng đồng, họ luôn tự hào về nền văn hóa đặc sắc của dân tộc; họ thực sự hãnh diện mỗi khi khoác lên mình những trang phục truyền thống, nói, viết ngôn ngữ mà cha ông họ đã sáng tạo ra. Trong cuộc sống hàng ngày, các thế hệ trong gia đình trao đổi với nhau bằng tiếng Chăm; nam giới tự giúp nhau học chữ Chăm để hiểu thêm về nền văn hóa. Đặc biệt, một số chức sắc trong làng còn tự học chữ Phạn nhằm nghiên cứu sâu những giá trị tinh túy của Al- Qur’àn (Kinh Koran) để giảng giải cho con cháu. Mặt khác, Ban Trị sự của Thánh đường luôn làm tốt công tác giữ gìn, truyền tải và phát huy những giá trị văn hóa. Sau những buổi lễ ở Thánh đường, ngoài việc giảng những môn quy, giáo điều, Ban Trị sự còn giành một khoảng thời gian nhất định để trao đổi những vấn đề văn hóa, trao đổi những tình huống thường gặp trong cuộc sống, hay cũng có thể là việc phổ biến những chủ trương, chính sách của Nhà nước; người đứng lên “thuyết trình” không nhất thiết phải là người có chức sắc, mà có thể là bất kỳ ai trong cộng đồng…
Tìm hiểu sâu vào các thành tố văn hóa của người Chăm ta càng nhận thấy được nhiều giá trị nhân văn ẩn chứa sau những biểu hiện tôn giáo, như việc người Chăm Hồi giáo không ăn những loài ếch, rắn, chó, heo và các con vật không do tự tay mình hóa kiếp. Khi cắt tiết một con vật, họ thường đọc kinh cầu nguyện… Hay khi ta viếng nghĩa trang của người Chăm - Minh Hòa, ta thấy được sự khác biệt rõ nét với nghĩa trang người Kinh, người Hoa… hoàn toàn không có sự lộn xộn về kiểu cách và kích cỡ, không có sự phân biệt giàu nghèo. Người Chăm quan niệm sống chỉ là tạm, về với Ala mới là vĩnh hằng, sống phải trung thực, khi mất đi ai cũng được công bằng. Những ngôi mộ bình dị, thẳng đều theo thứ tự, đó quả thực là một sự tôn trọng những người đã khuất. Người Chăm Hồi giáo không tổ chức đám giỗ riêng cho từng người. Hàng năm, 1 ngày trước tháng chay Ramadan, người Chăm làm lễ giỗ tập thể cho ông bà tổ tiên. Tất cả mọi gia đình đều tập trung ở thánh đường, đọc kinh cầu siêu cho ông bà, họ tự đem đồ ăn, thức uống đến để cuối buổi cùng ngồi ăn với nhau, tất cả đều là sự tự nguyện đóng góp, tuyệt đối không có sự so bì hay quy định đóng góp gì…
Bối cảnh mới đã và đang làm nhiều tộc người đánh mất đi những giá trị riêng vốn có của mình. Nhưng riêng với cộng đồng người Chăm - Minh Hòa, Dầu Tiếng họ vẫn tiếp biến một cách hài hòa những giá trị văn hóa mới, đồng thời vẫn bảo nguyên những giá trị văn hóa truyền thống riêng của dân tộc mình. Đó thực sự là một mô hình cần được phát huy và nhân rộng…
TRẦN ĐỨC THUẬN (Phòng Di sản văn hóa phi vật thể - Bảo tàng Bình Dương)