Những mục tiêu cải cách hành chính đến năm 2030

Thứ năm, ngày 14/10/2021

(BDO)  Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong các nhóm nhiệm vụ nằm trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021- 2030. Mục tiêu chung của tỉnh đưa ra là đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, phấn đấu mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%...

 Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã linh động giải quyết hồ sơ trực tuyến

 Nhiều mục tiêu hướng về nhân dân phục vụ

Mục tiêu của tỉnh đề ra cho cả giai đoạn 2021-2030 là đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nâng cao chất lượng quy định TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành và duy trì TTHC thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp, có chi phí tuân thủ thấp nhất. Tỉnh quyết tâm thực hiện tốt công tác công bố, công khai, giải quyết TTHC theo đúng quy định, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện TTHC và phòng ngừa, hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó là đề cao tính hiệu quả, hiệu lực, thể hiện được sự minh bạch tin cậy, giải quyết nhanh chóng TTHC, đáp ứng nhu cầu người dân, DN, tạo sự kết nối giữa chính quyền và người dân. Các sở, ngành cần rà soát, phát hiện để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định, các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.

Mục tiêu của tỉnh đề ra cho cả giai đoạn 2021-2030 là đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nâng cao chất lượng quy định TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành và duy trì TTHC thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp, có chi phí tuân thủ thấp nhất.

Một trong các mục tiêu quan trọng là tỉnh đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC. Trong đó, chú ý đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, DN có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương xây dựng mô hình hành chính công, một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại, thông minh, cung cấp dịch vụ công theo định hướng của thành phố thông minh Bình Dương, chú trọng tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu, xây dựng các tiện ích dịch vụ hành chính công đa phương thức, đa phương tiện và hiện đại, thông minh trong giải quyết TTHC.

Về mục tiêu cụ thể trong thời gian tới, số hóa kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 30%, 20%, 15%. Giai đoạn 2022-2025, mỗi năm tăng tối thiểu 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đề xuất, kiến nghị phương án đơn giản hóa TTHC đến cơ quan có thẩm quyền cắt giảm, phấn đấu 100% TTHC được công bố, công khai và cập nhật kịp thời. Tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký DN với Cổng dịch vụ công tỉnh, hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, DN trong giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Tỉnh cũng yêu cầu tối thiểu 80% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên. Tối thiểu 80% TTHC của tỉnh có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Trong số đó, ít nhất 80% TTHC được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và tỷ lệ hồ sơ giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%.

Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết khi xây dựng chương trình này, tỉnh đã chú trọng mục tiêu mức độ hài lòng của người dân, DN về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các TTHC lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Các giải pháp “dài hơi”

Thực tế cho thấy, công tác cải cách TTHC của tỉnh đã đạt nhiều thành quả, góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để tiếp tục đạt những mục tiêu đề ra, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng, nhất là giai đoạn hậu Covid-19. Một trong các giải pháp đầu tiên, tỉnh yêu cầu phải thực hiện ngay đó là rà soát, đơn giản hóa TTHC, loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có. Triển khai hiệu quả đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của tỉnh; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định TTHC liên quan đến người dân, DN, bảo đảm ban hành đúng thẩm quyền, nguyên tắc theo quy định của pháp luật.

Tại hội nghị mới đây, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đãyêu cầu đẩy mạnh thí điểm trong giải quyết TTHC theo hướng liên thông TTHC; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC, thông qua tăng cường đối thoại, lấy ý kiến người dân, DN. Cùng với đó là kịp thời cập nhật, công khai TTHC dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức tìm hiểu và thực hiện. Vận hành và khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu TTHC trên Trang dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ. UBND tỉnh yêu cầu nâng cao tính chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Nghiên cứu, đề xuất tổ chức thực hiện tiếp nhận hoặc hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC tại nhà hoặc hẹn giờ giải quyết TTHC theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức…

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành xây dựng các kế hoạch truyền thông, tuyên truyền về cải cách TTHC, hành chính công, một cửa, một cửa liên thông đa dạng, đa phương tiện, kết hợp trực tiếp và trực tuyến, tăng cường tính tương tác giữa chính quyền và người dân, DN trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công. UBND tỉnh giao Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Cổng thông tin điện tử tỉnh, các cơ quan thông tin, báo chí khác phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục xây dựng chuyên mục, chuyên đề, chuyên trang về CCHC để tuyên truyền Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021-2030, góp phần nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, cũng như tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân, DN về CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

 UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền CCHC, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân, DN và xã hội. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và chuyên gia về việc thực hiện công tác CCHC của các cấp, các ngành. UBND tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào tiến trình cải cách và giám sát chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức...

 HỒ VĂN