Những mốc son qua các thời kỳ - Bài 22
(BDO) Bài 22: Nâng cao chất lượng hoạt động Tổ đại biểu
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã chủ động, tích cực nâng cao kỹ năng hoạt động cho từng đại biểu nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, góp phần tích cực vào hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Nâng cao chất lượng của từng thành viên trong tổ
Tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011- 2016, Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất danh sách các Tổ đại biểu theo từng đơn vị bầu cử và quyết định Tổ trưởng Tổ đại biểu là Bí thư, Phó Bí thư hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện. Theo đó, HĐND tỉnh có 9 Tổ đại biểu theo địa giới hành chính của 9 huyện, thị, thành phố. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các Tổ trưởng đã quản lý, điều hành công việc của Tổ đại biểu HĐND thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Cụ thể, phối hợp với Thường trực HĐND, UBMTTQVN cấp huyện bố trí địa điểm, phân công đại biểu tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri theo luật định và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; tổ chức họp Tổ đại biểu trước mỗi kỳ họp để đóng góp ý kiến các nội dung trình kỳ họp; phân công đại biểu báo cáo kết quả kỳ họp, giải trình kiến nghị của cử tri trong đợt tiếp xúc sau kỳ họp. Qua đó đã tạo được niềm tin của cử tri, thực hiện tốt vai trò là người đại diện của nhân dân.
Thay mặt cử tri, các đại biểu đã lựa chọn nội dung chất vấn là những vấn đề có tính bức xúc, có tầm ảnh hưởng lớn, được đông đảo cử tri quan tâm. Trong ảnh: Đại biểu HĐND Nguyễn Ngọc Sơn chất vấn lãnh đạo các sở, ngành. Ảnh: Q.CHIẾN
Ông Nguyễn Văn Vẹn, Tổ phó Tổ đại biểu đơn vị huyện Phú Giáo chia sẻ: “Muốn nâng cao chất lượng hoạt động tổ phải bắt đầu từ nâng cao chất lượng của từng thành viên trong tổ, từng đại biểu phải đề cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động chung của tổ. Cụ thể, từng đại biểu HĐND phải nâng cao trách nhiệm, tìm hiểu kỹ thông tin và các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung chất vấn. Không ngừng rèn luyện, bồi dưõng kỹ năng chất vấn, bao gồm kỹ năng lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn; lựa chọn ngôn ngữ đối thoại trong chất vấn... không nên chất vấn để biết. Đại biểu phải lựa chọn nội dung chất vấn tại kỳ họp là những vấn đề có tính bức xúc, có tầm ảnh hưởng lớn, được đông đảo cử tri quan tâm, bảo đảm tính chất vấn. Thực hiện nhiệm vụ của tổ, các đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Phú Giáo đã tập trung bàn nhiều giải pháp, đề xuất phương thức hoạt động với mong muốn nâng cao chất lượng hoạt động của tổ, góp phần hoàn thành tốt vai trò là đại biểu dân cử, truyền đạt ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến các kỳ họp HĐND tỉnh”.
Để nâng cao chất lượng hoạt động, ngoài vai trò của đại biểu thì vai trò của tổ trưởng cũng rất quan trọng. Tổ trưởng phải xây dựng kế hoạch, tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp, phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với HĐND và các cấp chính quyền, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền trong việc theo dõi, đôn đốc, giải quyết các kiến nghị của cử tri. Để tránh vụn vặt, sau các lần tiếp xúc cử tri, tổ đã thống nhất với địa phương những nội dung bức xúc của cử tri cần kiến nghị với HĐND tại kỳ họp.
Thời gian qua, Thường trực và các ban HĐND tỉnh cũng thường xuyên chú trọng công tác tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu, cho Tổ đại biểu như: Kỹ năng hoạt động thẩm tra, giám sát, tiếp xúc cử tri, kỹ năng xem xét ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm hoạt động của đại biểu, cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết giúp đại biểu thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được tốt hơn.
Tăng cường trách nhiệm của Tổ đại biểu
Tại các kỳ họp HĐND, tổ đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp tích cực nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng mà nghị quyết HĐND đề ra. Trên cơ sở thảo luận, tổ đã quan tâm lựa chọn những vấn đề bức xúc, cử tri quan tâm đưa ra chất vấn tại kỳ họp. Nhiều nội dung tổ phát biểu đã phản ánh những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm như: Nâng cao chất lượng các công trình xây dựng cơ bản; quản lý đất đai; thu chi ngân sách; chất lượng giáo dục; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện các chính sách đối với người có công và chính sách an sinh xã hội…
Thực hiện quy chế phối hợp hoạt động, các Tổ đại biểu đã tích cực phối hợp với Thường trực và các ban HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát việc thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và nghị quyết của HĐND tại địa phương; tham dự các kỳ họp của HĐND cấp huyện và cấp xã. Tổ thường xuyên tổ chức giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri tại địa phương. Sau giám sát, tổ đều có báo cáo chỉ rõ những kết quả đạt được, hạn chế và đề xuất, kiến nghị với các cấp chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Ông Huỳnh Thành Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết để nâng cao trách nhiệm, trước khi tổ chức kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh soạn thảo đề cương gợi ý thảo luận một số nội dung trọng tâm của kỳ họp để đại biểu nghiên cứu tại Tổ đại biểu trước kỳ họp, đồng thời có Phiếu xin ý kiến của từng đại biểu về một số nội dung quan trọng của kỳ họp. Các Tổ đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến và gửi biên bản, Phiếu xin ý kiến của từng đại biểu về một số nội dung quan trọng của kỳ họp. Các Tổ đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến và gửi biên bản, Phiếu xin ý kiến cho Thường trực HĐND tỉnh. Nhờ đó, chương trình kỳ họp được rút ngắn từ 1 - 1,5 ngày so với trước đây, chất lượng kỳ họp được nâng lên rõ rệt.
Và sau mỗi kỳ họp, các Tổ đại biểu tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức cho đại biểu tiếp xúc, báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp. Với nguyên tắc “Trước kỳ họp nghe dân nói, sau kỳ họp nói dân nghe”, Tổ đại biểu đã thông tin đến cử tri những nội dung, cũng như kết quả kỳ họp và kết quả thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri... Từ đó, tạo được lòng tin nơi cử tri.
THU THẢO (thực hiện)